Nội dung chương trình GDPT môn tiếng Mường của tỉnh Hòa Bình có gì đặc biệt?

26/10/2022 06:45
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tỉnh Hòa Bình đang triển khai khâu biên soạn và thẩm định nội dung sách của chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường. 

Tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành Quyết định số 693/QĐ-SGD&ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường (chương trình thực nghiệm) thuộc phạm vi Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Chương trình Giáo dục phổ thông môn tiếng Mường bao gồm chương trình tiếng Mường cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông.

Nội dung chương trình môn học tiếng Mường

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, được học từ tiểu học đến trung học phổ thông (theo kế hoạch giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018), nhằm đáp ứng sự lựa chọn của học sinh người Mường ở tỉnh Hoà Bình trong việc nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn hóa Mường.

Trong hệ thống các môn học ở phổ thông, tiếng Mường là môn học tự chọn. Ở vùng có nhiều học sinh người Mường, đây là môn học tự chọn 1.

Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường được xây dựng theo hai bậc: bậc A và B; trong đó bậc A chia ra trình độ A1 và A2; bậc B chỉ có 1 trình độ (trình độ B). Ba trình độ này được ứng với 3 cấp học.

Nội dung chính của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Mường, các nét văn hóa của dân tộc Mường đáp ứng các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học; được phân chia theo hai bậc.

Ở bậc A, chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Mường được đưa vào trong quá trình dạy học đọc, viết, nói, nghe.

Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi trình độ. Mục tiêu là giúp học sinh sử dụng tiếng Mường để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống nhằm bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng mẹ đẻ và văn hóa dân tộc.

Nội dung chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường (Ảnh chụp màn hình)

Nội dung chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường (Ảnh chụp màn hình)

Số lượng tiết dạy môn tiếng Mường ứng với các bậc trình độ. (Ảnh: chụp màn hình)

Số lượng tiết dạy môn tiếng Mường ứng với các bậc trình độ. (Ảnh: chụp màn hình)

Ở bậc B, chương trình củng cố và phát triển các kết quả của bậc A, giúp học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ thông qua kiến thức tiếng Mường theo các chủ đề về văn hóa và xã hội của địa phương

Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường tuân thủ các quy định cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình được xây dựng trên cơ sở lí luận và thực tiễn, cập nhật thành tựu nghiên cứu về khoa học tâm lí, khoa học ngôn ngữ, khoa học giáo dục.

Đối với chương trình trên, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra yêu cầu với cần đạt về kĩ năng với mỗi bậc.

Ví như kĩ năng đọc ở bậc A1, học sinh phải đảm bảo đọc đúng các âm, tổ hợp âm đơn giản; đọc rõ tiếng, từ, câu, đoạn văn ngắn. Nhận diện đúng kí hiệu thanh điệu và phát âm chuẩn thanh điệu. Với kĩ năng đọc ở bậc B, học sinh phải đọc đúng và diễn cảm các loại văn bản; biết đọc đúng ngữ điệu của một số phương ngữ Mường khác.

Đối với kĩ năng viết bậc A1, đòi hỏi học sinh phải viết thành thạo chữ viết thường; viết đúng chữ viết hoa; viết đúng dấu thanh, một số dấu câu. Với kĩ năng viết bậc A2, học sinh phải xác định được quy trình viết đoạn văn, văn bản; viết được đoạn văn, văn bản theo các yêu cầu khác nhau...

Trong nội dung chương trình cũng nêu yêu cầu cụ thể với các kĩ năng. (Ảnh chụp màn hình)

Trong nội dung chương trình cũng nêu yêu cầu cụ thể với các kĩ năng. (Ảnh chụp màn hình)

Còn nhiều khó khăn khi xây dựng chương trình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Mường - Đinh Thị Hường cho hay, Sở là đơn vị thẩm định chương trình và việc biên soạn sách được giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình thực hiện.

"Nội dung chương trình sách giáo khoa tiếng Mường phải được thẩm định, nếu còn thiếu sót phải bổ sung, sau đó mới được đưa vào dạy thực nghiệm tại một số trường. Cuối cùng là rút kinh nghiệm, phân tích, đánh giá để xem có triển khai trên toàn tỉnh hay không", Phó Giám đốc Sở cho hay.

Chia sẻ thông tin về quá trình biên soạn chương trình trên, cô Nguyễn Thị Lệ Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho hay, trong khâu biên soạn chương trình có rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là về đội ngũ cán bộ, quản lý và giáo viên.

"Vấn đề chọn lựa đội ngũ biên soạn sách, phải chọn giáo viên dân tộc Mường, am hiểu văn hóa Mường, hay những giáo viên biết nói tiếng Mường từng ở và sinh sống cùng người địa phương đã lâu", cô Hường chia sẻ.

Về việc đào tạo các giáo viên dạy tiếng Mường, cô Hường cho biết, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình và Sở cũng đã xây dựng kế hoạch báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Mường. Nhà trường đã được phép đào tạo và khóa đầu tiên gồm 46 học viên (là các giáo viên học chứng chỉ từ tháng 7/2022), hiện chuẩn bị học xong.

Lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình cho hay, tuần vừa qua, sách giáo khoa tiếng Mường lớp 6, lớp 10 đã được Hội đồng thẩm định chương trình thẩm định. Tuy nhiên, do nội dung còn nặng về kênh chữ, vấn đề về bản quyền hình ảnh... nên chưa được thông qua, đơn vị sẽ phải chỉnh sửa, bổ sung.

Lần đầu tiên tiếng Mường có bộ chữ viết thống nhất khi Uỷ ban nhân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 118/KH-UBND về triển khai ứng dụng bộ chữ dân tộc Mường tại tỉnh Hoà Bình vào ngày 27/10/2016.

Bộ chữ dân tộc Mường gồm 28 chữ cái; 24 phụ âm đầu; 1 âm đệm. Tiếng Mường có 14 nguyên âm gồm 11 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi. Âm cuối tiếng Mường gồm 9 phụ âm và 2 bán nguyên âm...

Mạnh Đoàn