Nhiều chuyên gia kiến nghị cần tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29

30/10/2022 08:52
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 29/10, tại Hội thảo Truyền thống Tôn sư trọng đạo trong dòng chảy Văn hóa Việt đã có 6 kiến nghị, đề xuất trọng tâm được đưa ra.

Ngày 29/10, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục, Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) và Trung tâm Sáng tạo Việt phối hợp tổ chức hội thảo "Truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy Văn hóa Việt" – Chương trình chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022).

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Quang cảnh hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Tham dự hội thảo có Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Võ Thế Quân - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học phổ thông Đông Đô; Giáo sư Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam; Giáo sư Nguyễn Cương - Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam; Phó Giáo sư Tô Bá Trượng - Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục;...

Cùng tham dự có các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của các trường đại học, trường phổ thông, các đơn vị giáo dục ở trung ương và thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Võ Thế Quân, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Trung học phổ thông Đông Đô chia sẻ vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo và nghề dạy học trong tiến trình lịch sử của dân tộc và văn hóa Việt Nam. Khẳng định vai trò của nhà giáo luôn đứng ở trung tâm của cuộc chiến đấu vì một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và khoa học. Các nhà giáo Việt Nam là người đi tiên phong và quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà theo Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tiến sĩ Võ Thế Quân chia sẻ tại hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Tiến sĩ Võ Thế Quân chia sẻ tại hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Tiến sĩ Võ Thế Quân khẳng định, hội thảo mang tính chất khoa học - thực tiễn: “Các học giả, nhà khoa học, nhà giáo dục, quản lý, các thầy, cô giáo sẽ cùng nhau chia sẻ, phân tích khách quan khoa học để nhận diện đúng truyền thống tôn sư trọng đạo trong dòng chảy văn hóa Việt, truyền thống đó từ quá khứ đến hiện đại.

Đặc biệt, hội thảo chia sẻ thách thức và cơ hội đối với nhà giáo hiện nay, những người quyết định thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những bài tham luận với chủ đề liên quan.

Đặc biệt tại hội thảo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chia sẻ những nội dung xoay quanh chủ đề tham luận: “Nhà cách mạng Nguyễn Thị Bình với những cống hiến cho giáo dục Việt Nam”.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ tham luận tại Hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ tham luận tại Hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

6 kiến nghị, đề xuất

Sau khi nghe các tham luận và phát biểu tại hội thảo, các thành viên tham gia hội thảo nhất trí gửi tới Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ 6 đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch tổng kết 10 năm (2013 – 2023) thực hiện Nghị quyết 29 để đánh giá đúng, khách quan những việc đã làm được, những bất cập và những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để Nghị quyết 29 tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.

Hai là, đề nghị Quốc hội đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 - 2024 để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho đội ngũ nhà giáo thực hiện sứ mệnh vẻ vang đối với tổ quốc và nhân dân.

Ba là, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023. Đây sẽ là món quà quý giá mà Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ gửi đến cán bộ công chức, viên chức cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cần tăng lương cơ sở và nâng mức lương khởi điểm cho giáo viên để thu hút sinh viên mới tốt nghiệp vào ngành giáo dục.

Bốn là, đề nghị thực hiện chương trình xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cuộc sống cho cán bộ giáo viên yên tâm công tác tại các vùng khó khăn của đất nước; cần đặt mục tiêu trong năm 2023-2024 hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên.

Năm là, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương dành một tỉ lệ hợp lý nhà ở xã hội cho giáo viên cơ hữu các trường ngoài công lập để ổn định cuộc sống cho giáo viên. Hiện nay, đối tượng này chưa được hưởng các ưu đãi của nhà nước cho giáo viên.

Sáu là, về kế hoạch dự kiến chi 3.500 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho 70% học sinh cả nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì nguồn kinh phí có hạn nên đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét dành một phần kinh phí để mua sách giáo khoa cho học sinh các vùng sâu vùng xa, học sinh nghèo còn lại ưu tiên dành kinh phí cho những vấn đề cấp bách hiện nay trong giáo dục: Xây nhà ở công vụ cho giáo viên, trường học cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; tiến tới xóa các phòng học tranh tre nứa lá, nhà ở công vụ tạm bợ ở các địa phương.

Kết thúc hội thảo, Giáo sư Nguyễn Mậu Bành nói, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được khẳng định trong các Nghị quyết của Đảng. Giáo dục cũng được xem là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

Các nhà khoa học, nhà giáo cùng lãnh đạo và giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Đô chụp ảnh cuối hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Các nhà khoa học, nhà giáo cùng lãnh đạo và giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Đô chụp ảnh cuối hội thảo. Nguồn: Trường Trung học phổ thông Đông Đô

Vì vậy, hội thảo đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, bộ ngành trung ương, các cấp chính quyền quan tâm sâu sát, thiết thực, có kế hoạch cụ thể để đảm bảo đời sống ổn định cho cán bộ giáo viên ngành giáo dục - lực lượng chính để thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Anh Trang