Có trường CĐ sư phạm nhưng đào tạo nghề khác còn nhiều hơn đào tạo giáo viên

05/11/2022 06:57
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường cao đẳng sư phạm cần chủ động phương án bởi dù có quy hoạch hay không thì các trường cũng phải phát triển.

Ngày 4/11, tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm "Đào tạo trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên - thực trạng và giải pháp”.

Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo nhiều trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục có đào tạo trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non trong cả nước.

Các trường cao đẳng sư phạm "than" có nhiều vướng mắc

Tại toạ đàm, ngoài việc báo cáo các hoạt động đã đạt được trong công tác tuyển sinh và đào tạo, đại diện các trường cao đẳng cũng nêu ra nhiều khó khăn trong việc triển khai các chính sách liên quan đến thực thi pháp luật; việc thực hiện chính sách miễn học phí và hỗ trợ chi phí đào tạo cho sinh viên theo Nghị định 116 của Chính phủ; việc chậm phê duyệt và ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và điều lệ hoạt động trường cao đẳng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm: "Đào tạo trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên - thực trạng và giải pháp”. Ảnh: L.P

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tọa đàm: "Đào tạo trình độ cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên - thực trạng và giải pháp”. Ảnh: L.P

Tiến sĩ Đặng Thị Quỳnh Lan - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế nêu ra hàng loạt khó khăn như: nhân sự và chi phí cho hoạt động kiểm định đang tạo áp lực cho nhà trường; chưa có hướng dẫn các mức chi liên quan đến hoạt động kiểm định, chính sách hỗ trợ sinh viên theo Nghị định 116 đang vướng…

“Để tồn tại trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn, chỉ tiêu chính quy (theo Nghị định 116) ít, với 115 chỉ tiêu khiến trường đã phải linh động và triển khai thêm nhiều chương trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp giáo viên, cấp chứng chỉ tiếng Việt cho người nước ngoài… để bù đắp và duy trì hoạt động.

Vì vậy, việc phải đầu tư nguồn kinh phí khá lớn cho hoạt động kiểm định trong khi chưa xác định được các trường quy hoạch ra sao là rào cản lớn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách gỡ khó cho các trường đã kiểm định được tự chủ trong tuyển sinh (hiện nay chỉ tiêu Bộ cấp), chỉ tiêu tuyển sinh ngoài đặt hàng theo Nghị định 116...” – Tiến sĩ Quỳnh Lan nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên cho biết, hiện không ít trường cao đẳng khó khăn trong tuyển sinh, chủ yếu duy trì hoạt động được là nhờ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nâng chuẩn chức danh nhà giáo hay bồi dưỡng, đào tạo và cấp chứng chỉ ngắn hạn… Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý gây khó khăn nhất định cho các trường trong sắp xếp đội ngũ và cả việc tính toán duy trì hoạt động chuyên môn khi kinh phí bị hao hụt.

Một đại diện của trường cao đẳng sư phạm phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: L.P

Một đại diện của trường cao đẳng sư phạm phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: L.P

Phát biểu tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: định hướng phát triển của các trường cao đẳng có tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống giáo dục. Bởi thực tế, nhu cầu giáo viên các cấp của ngành là rất lớn. Việc vì sao bậc cao đẳng hoạt động vẫn chưa được như mong muốn là vấn đề cần phải xem xét thấu đáo.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, xu thế của xã hội, sự vận hành và phát triển của hệ thống giáo dục kéo theo những yêu cầu cao hơn ở người giáo viên, cán bộ quản lý ở năng lực và khả năng quản lý - đây là thay đổi tất yếu.

“Vụ Giáo dục Đại học phải hoàn thiện báo cáo về hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm để có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động, sự chuyển mình của các trường trong 10-20 năm gần đây. Chúng ta nói đến việc quy hoạch và định hướng, nhiệm vụ chiến lược của ngành thì tất yếu phải có sự đánh giá tổng thể. Từ đó mới có những nhận xét trúng và đúng, làm căn cứ để báo cáo trình Chính phủ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nếu có”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Khuyến khích các trường chủ động có phương án trước khi quy hoạch

Nói thêm về việc quy hoạch mạng lưới các trường, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định vị trí pháp lý của trường cao đẳng sư phạm. Theo ông Sơn, khoản 3 điều 74 của Luật Giáo dục 2019 có nêu rằng: “Trường sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được ưu tiên trong việc tuyển dụng nhà giáo, bố trí cán bộ quản lý giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá và bảo đảm kinh phí đào tạo”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: L.P

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: L.P

“Bộ Giáo dục và Đào tạo có 23 trường cao đẳng sư phạm trực thuộc tuy nhiên như Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đào tạo các nghề khác nhiều hơn nghề giáo viên thì còn là trường sư phạm nữa không. Trong thời gian sắp tới, 22 trường còn lại cũng sẽ mở rộng quy mô đào tạo các ngành nghề khác thì liệu có còn là trường đào tạo sư phạm nữa không hay chỉ là tên gọi thôi nhưng nội hàm đã khác. Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu và trao đổi”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.

Ông Sơn chia sẻ tiếp, “vấn đề thứ hai là nên tiếp tục đào tạo một nghề hay phải đào tạo đa ngành đa nghề hoặc chuyển đổi hình thức khác. Đây là câu hỏi khó nhất. Có thể một số trường sư phạm đào tạo rất tốt một nghề nhưng chắc chắn rất nhiều trường sẽ khó khăn. Mặc dù nhu cầu của đất nước đối với ngành giáo dục mầm non rất lớn nhưng vấn đề là có người học hay không? Nếu một trường mà chỉ phụ thuộc đào tạo một ngành nghề mà kinh phí phụ thuộc vào nhà nước cấp hay người học đóng góp thì cũng sẽ rất khó để ổn định”.

Cho đến nay khá nhiều trường trông chờ quy hoạch nhưng quan trọng từng trường phải nhận định rõ đúng tình hình của mình. Nhiều trường cũng đã có chủ trương trở thành phân hiệu của trường đại học hay sáp nhập vào trường khác. Thứ trưởng Sơn cũng nhắn nhủ đội ngũ các quản lý, giảng viên phải xác định rõ tâm thế dù trường mình có quy hoạch hay chưa.

Ông Sơn cũng khẳng định việc quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm chắc chắn cần ý kiến đóng góp từ chính các trường.

“Riêng việc có tồn tại riêng trường cao đẳng sư phạm hay không sẽ là câu hỏi cần sự suy nghĩ nghiêm túc của chính từ các giáo viên. Đồng thời khuyến khích các trường chủ động có phương án bởi dù có quy hoạch hay không thì các trường cũng phải phát triển. Theo cách này hay cách khác, việc đào tạo giáo viên mầm non là cần thiết và quan trọng. Ngành nghề đào tạo này vẫn tiếp tục phát triển, đội ngũ giáo viên vẫn phát huy được năng lực, tâm huyết nghề nghiệp của mình chỉ có hình thức tổ chức thay đổi để làm sao tốt hơn”, ông Sơn nói.

Chia sẻ với đại diện các trường cao đẳng sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên ngay ở khối cao đẳng sư phạm là việc rất khó, đòi hỏi sự cẩn thận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có nhiệm vụ xây dựng hai đề án gồm sắp xếp mạng lưới các trường đại học và sắp xếp mạng lưới các trường đào tạo giáo viên trong đó có hệ thống các trường cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên hiện nay việc này đang thực hiện chậm vì phải theo quy trình.

Lê Phương