Cần cơ chế đồng bộ để thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo trong trường đại học

09/11/2022 06:30
Linh Hương (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nguồn kinh phí phát triển KHCN từ khu vực tư nhân rất dồi dào nhưng chưa có cơ chế khuyến khích, tạo lợi ích hai chiều để doanh nghiệp hợp tác với nhà trường.

LTS: Để có đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học, vấn đề chuyển giao khoa học công nghệ từ đó đề xuất giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, nhận thức, cách thức triển khai hoạt động này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, Chủ tịch Hội đồng trường ở một số cơ sở giáo dục đại học.

Hôm nay, phóng viên có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phóng viên: Qua thực tiễn, theo ông, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường đại học ở Việt Nam đã tương xứng với vai trò, vị trí cũng như tiềm năng phát triển của các cơ sở giáo dục chưa?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với các cơ sở giáo dục đại học, nơi bảo đảm nguồn nhân lực cho yêu cầu tối thiểu của một nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao.

Mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có thực hiện được hay không có liên hệ mật thiết với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là một trong những điểm đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra.

Hệ thống giáo dục đại học đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang cơ chế tự chủ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34, năm 2018).

Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: Ngân Chi)

Giáo sư Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: Ngân Chi)

Tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và số lượng, chất lượng các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Số lượng và chất lượng công bố trong nước, quốc tế của Việt Nam tăng lên trong thời gian vừa qua có sự đóng góp rõ nét từ hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên do hạn chế về nhận thức, về đầu tư tài chính, về định hướng, cơ chế hỗ trợ và tạo động lực mà hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt được như kỳ vọng.

Nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có năng lực làm nghiên cứu tốt nhưng khi về nước một thời gian do thiếu động lực, thiếu cơ chế hỗ trợ, thiếu cơ sở vật chất và môi trường nghiên cứu năng động nên năng suất nghiên cứu sụt giảm.

Phóng viên: Hầu hết khoa học công nghệ và xuất bản quốc tế đều từ các cơ sở giáo dục đại học nhưng thực tế ngân sách đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ cho các cơ sở giáo dục đại học rất thấp. Vậy, theo ông, cần phải thay đổi thực trạng đầu tư cho khoa học công nghệ ở các trường đại học như thế nào thì nước ta mới có thể bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục đại học?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, năm 2019 tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam chiếm 0,53% GDP, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore (1,89%, năm 2019), Thái Lan (1,14%, năm 2019), Malaysia (1,04%, năm 2018).

Con số này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong chi ngân sách cho khoa học, công nghệ nếu so sánh về quy mô GDP trong khu vực ASEAN (năm 2021 quy mô GDP của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN), mặc dù còn ở mức khá thấp so với trung bình của thế giới (2,63%, năm 2020).

Cơ sở giáo dục đại học là nơi hình thành và là bệ phóng cho nguồn lực khoa học công nghệ, cả về nguồn lực con người và nguồn lực về sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác, đầu tư cho giáo dục đại học càng mạnh thì tiềm lực khoa học công nghệ càng lớn.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, giải pháp đột phá nhất để tăng đầu tư cho giáo dục đại học chính là cơ chế để thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho giáo dục đại học, phát huy sức mạnh từ các nguồn kinh phí hợp tác với doanh nghiệp, nguồn kinh phí huy động từ xã hội.

Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhưng trên thực tế các doanh nghiệp không dễ để giải ngân khoản kinh phí này dù sẵn có hợp tác khá tốt với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, do quy định giải ngân kinh phí phải theo quy trình giải ngân đối với ngân sách nhà nước.

Nguồn kinh phí phát triển khoa học và công nghệ từ khu vực tư nhân rất dồi dào nhưng chưa có cơ chế để khuyến khích, tạo lợi ích hai chiều để doanh nghiệp triển khai hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học.

Tóm lại, nếu cơ chế hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, các cơ chế hợp tác công tư và cơ chế, quy trình, thủ tục giải ngân nguồn kinh phí phát triển khoa học và công nghệ được tháo gỡ theo hướng tích cực thì nguồn kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp, từ xã hội sẽ thực sự tạo động lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cất cánh.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào nghiên cứu khoa học chưa thực sự hiệu quả nhất là khi chúng ta chưa đồng bộ về đãi ngộ cho nghiên cứu khoa học mà tuỳ vào nguồn lực mỗi cơ sở giáo dục đại học. Dẫn tới tình trạng có nơi nghiên cứu tốt nhưng không được đãi ngộ do nguồn lực yếu, gây bất công ngay mặt bằng chung các nhà khoa học. Ông nghĩ sao về điều này?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo để phát triển được cần có môi trường học tập, nghiên cứu, tương tác một cách năng động, sáng tạo và sự quan tâm, chăm sóc thông qua các cơ chế công bằng và thông thoáng. Một khi không có môi trường hoặc có môi trường nhưng thiếu sự quan tâm, chăm sóc bằng đầu tư tăng cường nguồn lực, bằng cơ chế thông thoáng, phù hợp thì bài toán thu hút nhân tài vẫn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà không trở thành thực tiễn được.

Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong ba trụ cột quan trọng trong mục tiêu chiến lược đầu ra của một cơ sở giáo dục đại học bên cạnh trụ cột đào tạo và doanh nghiệp/dịch vụ, tuy nhiên do nhiều điều kiện khác nhau mà trụ cột nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được đặt đúng vị trí do khó khăn về nguồn đầu tư và do rào cản nhận thức.

Chức năng nghiên cứu cần được coi là một trong những chức năng chính của một giảng viên, bên cạnh chức năng đào tạo. Có như vậy, cơ sở giáo dục đại học mới có cơ sở đặt chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI) cho mỗi giảng viên và yêu cầu KPI tối thiểu mỗi giảng viên cần đạt. Đây là chính sách tạo nền tảng. Chính sách nuôi dưỡng, thu hút giảng viên xuất sắc, nhà khoa học giỏi cần phải được xây dựng riêng mới tạo được động lực và sự hấp dẫn.

Trong cơ chế vận hành đối với đội ngũ cán bộ này không nên áp đặt làm việc theo hành chính và đặt chuẩn mực KPI mà theo cam kết mục tiêu và kế hoạch hành động linh hoạt. Có như vậy thì giá trị của nghiên cứu mới được nuôi dưỡng “tới ngưỡng” trước khi công bố. Để đạt đến trạng thái “tới ngưỡng” cần phải đầu tư về thời gian, công sức, trí lực, tài chính và có thể phải chấp nhận thất bại.

Tôi tin người làm nghiên cứu không đòi hỏi về chế độ đãi ngộ cao mà cần sự đãi ngộ xứng đáng và công bằng. Người làm nghiên cứu giỏi thường là những người dành sự đam mê và gắn bó rất đặc biệt và rất riêng với ngành nghề, sự quan tâm và tôn trọng dành cho họ thông qua cơ chế thông thoáng, môi trường làm việc năng động và chấp nhận sự đa dạng là điều cần thực hiện nhất.

Cuối cùng, ông có kiến nghị gì để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục dục đại học phát triển trong thời gian tới?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là nền tảng, là động lực và là thước đo mức độ tự cường của một quốc gia. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nhà nước có vai trò quan trọng trong định hướng mục tiêu và kiến tạo hành lang pháp lý cũng như một hệ sinh thái quốc gia để khoa học công nghệ thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/5/2022 đặt ra nhiều mục tiêu, định hướng rất tham vọng, nhưng để đạt được, trước tiên cần có những bước thay đổi đột phá trong các Luật, Nghị định và thông tư liên quan, trong đó chú trọng đến phân bổ tài chính từ nguồn ngân sách một cách có trọng tâm, trọng điểm theo hướng đầu tư phát triển nguồn lực và đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các lĩnh vực ưu tiên, nền tảng; quan tâm điều chỉnh các quy trình, thủ tục giải ngân nhiệm vụ khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước một cách phù hợp và đơn giản hóa, ứng dụng chuyển đổi số và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu.

Liên quan trực tiếp đến hệ thống giáo dục đại học, các chế định cần sớm quan tâm sửa đổi hoặc ban hành mới như thúc đẩy tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình, đa dạng hóa nguồn thu tài chính cho cơ sở giáo dục đại học, thúc đẩy gắn kết hữu cơ giữa nhà trường và doanh nghiệp thông qua các hoạt động trao đổi nhân lực và hợp tác công tư giữa hai khối, thúc đẩy hợp tác và trao đổi học thuật với các đối tác quốc tế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không thể tách rời với giáo dục đại học.

Một khi sự gắn kết này chưa đủ mạnh hay trong một cơ sở giáo dục đại học nhưng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa có điều kiện trở thành một phần của hệ sinh thái gắn kết với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thì “động lực”để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại theo Nghị quyết của Đảng sẽ gặp không ít thách thức.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Lê Anh Tuấn.

Linh Hương (thực hiện)