“Nghề nhiều áp lực nhưng tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn làm giáo viên"

20/11/2022 06:34
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đến giờ nếu không đi dạy thì tôi cũng không biết làm nghề nào. Đây là nghề áp lực, nhưng thật sự tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn làm giáo viên”.

Cô Dương Thị Ngọc Sương – Tổ trưởng tổ Địa, Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ như vậy với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, khi mà ngày cả xã hội tôn vinh nghề giáo viên đang cận kề.

Cô Sương là 1 trong 40 thầy cô giáo tiêu biểu, được Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2022.

Ước mơ được làm giáo viên từ nhỏ

Năm nay đã là năm thứ 20, cô Dương Thị Ngọc Sương bước vào làm nghề giáo. Nói về cơ duyên đến với nghề, cô Sương tâm sự, ngay từ nhỏ, cô đã có ước mơ và mong muốn được làm giáo viên.

Do vốn dĩ xuất thân từ gia đình có ba mẹ là nông dân, nên luôn thích con gái mình làm cô giáo. Ngoài ra, nếu học sư phạm thì lại được miễn học phí, sẽ đỡ một phần gánh nặng về kinh tế cho gia đình, nên khi học xong lớp 12, cô Sương đã chọn vào học ngành sư phạm Địa.

Cô Dương Thị Ngọc Sương trong một tiết dạy Địa ở lớp 12 (ảnh: P.L)

Cô Dương Thị Ngọc Sương trong một tiết dạy Địa ở lớp 12 (ảnh: P.L)

Cho đến nay, dù đã trải qua hàng chục năm đứng lớp, với 17 năm chủ nhiệm lớp 12, cô Sương vẫn cảm thấy mình hợp và yêu thích nghề này còn nguyên vẹn.

“Đến giờ nếu không đi dạy thì tôi cũng không biết làm nghề nào. Đây là nghề áp lực, nhưng thật sự tôi chưa bao giờ hối hận khi chọn làm giáo viên” – cô Dương Thị Ngọc Sương tâm sự.

Trao đổi với phóng viên, cô Sương nói tiếp, thật sự áp lực đến từ rất nhiều phía, từ phụ huynh – học sinh hay dư luận xã hội, nhưng cô luôn tự hoàn thiện bản thân mình, từ các công việc về mặt chuyên môn cho đến các ứng xử trong công việc hằng ngày.

Với công tác chủ nhiệm, cô luôn đi sâu sát với từng em học sinh, hợp tác chặt chẽ với các giáo viên bộ môn trong lớp, giám thị hay từng vị phụ huynh của lớp.

Trăn trở về thu nhập của giáo viên

Nói về thu nhập của các giáo viên hiện nay, cô Dương Thị Ngọc Sương cho hay, so với một số ngành nghề khác thì thu nhập của giáo viên hiện nay có thể gọi là thấp.

Đưa ra ví dụ cụ thể từ trường hợp của mình, cô Sương nói tiếp, nếu không tính khoản thu nhập tăng thêm đặc thù của riêng thành phố, thì hiện nay, sau 20 năm đi dạy, lương căn bản của cô chỉ khoảng 9 triệu đồng.

Trong khi đó, một học trò của cô mới tốt nghiệp đại học, ra trường lương đã là 10 triệu đồng. Dù thu nhập thấp như vậy, nhưng cô Sương vẫn khẳng định rằng, mình chưa bao giờ có ý định chuyển sang nghề khác.

Cô Sương luôn tận tình hướng dẫn, dạy kiến thức cho học sinh hiểu bài (ảnh: P.L)

Cô Sương luôn tận tình hướng dẫn, dạy kiến thức cho học sinh hiểu bài (ảnh: P.L)

Cô Dương Thị Ngọc Sương mong muốn, cần cải thiện và cân đối thêm thu nhập cho giáo viên, để có thể thu hút nhiều sinh viên giỏi hơn đến với nghề sư phạm.

Việc tăng lương cho giáo viên, có thể đến từ cách cho phép các trường mở thêm các hoạt động dịch vụ ngoài giờ học, ví dụ như hoạt động bán trú, cho thuê mặt bằng…

Với các bạn trẻ yêu thích, mong muốn được đến với nghề sư phạm, cô Sương đưa ra lời khuyên là các bạn cần có sự yêu thích, đam mê với nghề.

“Nghề sư phạm phải phù hợp với tính cách của bạn, thì bạn mới có thể theo đuổi được mãi” – cô Dương Thị Ngọc Sương nhấn mạnh.

Nói về người đồng nghiệp của mình, thầy Hàn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp cho biết, cô Dương Thị Ngọc Sương có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học.

Là tổ trưởng chuyên môn, cô có năng lực quản lý tốt, tạo mối đoàn kết trong tổ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường.

Ở lớp học, cô Sương là một người chủ nhiệm hết lòng thương yêu học sinh, kỹ năng nghiệp vụ tốt, có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của nhà trường, của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Dũng