4 kiến nghị chính sách của Bộ Giáo dục giúp yên lòng giáo viên mầm non

30/11/2022 06:36
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất giữ quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi thay vì tăng lên 60 tuổi.

Giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc thù, giáo viên mầm non hiện nay được xác định là ngành vất vả nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thấu hiểu nổi vất vả của giáo viên mầm non, thời gian gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những kiến nghị, đề xuất cải thiện lương, chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non được đông đảo giáo viên mầm non đồng tình, hoan nghênh, cám ơn sự quan tâm của Bộ Giáo dục.

Ảnh minh họa tại buổi làm việc trên Chinhphu.vn

Ảnh minh họa tại buổi làm việc trên Chinhphu.vn

Sẽ sửa đổi một loạt quy định để thu hút giáo viên mầm non là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.[1]

Các quy định về giáo viên mầm non dự định được Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi gồm

Thứ nhất, Bộ sẽ điều chỉnh cách tính định mức từ tỷ lệ giáo viên/lớp sang tỷ lệ giáo viên/trẻ; điều chỉnh về số lượng nhân viên trường học theo số lượng điểm trường lẻ của trường.

Việc điều chỉnh này sẽ tăng số giáo viên/ học sinh, tăng nhân viên trường học, giảm áp lực cho giáo viên mầm non.

Thứ hai, Bộ cũng sẽ bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; giảm thời gian giữ hạng giáo viên mầm non hạng 3 lên hạng 2 từ 9 năm xuống còn 3 năm…

Điều này phù hợp với các quy định hiện hành, việc giảm thời gian giữ hạng 3 lên hạng 2 còn 9 năm sẽ tạo điều kiện cho nhiều giáo viên mầm non sớm được thăng hạng.

Bên cạnh, nếu được thông qua, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng có lương ở bậc 2.

Ví dụ, giáo viên mầm non trúng tuyển mới được xếp lương hạng III, bậc 2 có hệ số lương 2,41, sau khi hết tập sự, sau 3 năm giáo viên trên sẽ được tăng lương thường xuyên lên bậc 3 có hệ số lương 2,72, đồng thời nếu đủ điều kiện sẽ được thăng lên hạng 2 và được chuyển xếp lương có hệ số 3,0.

Thu nhập giáo viên mầm non sẽ được cải thiện đáng kể so với hiện hành.

Kiến nghị với Chính phủ hàng loạt chính sách có lợi cho giáo viên mầm non

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đề xuất hàng loạt chính sách có lợi cho giáo viên mầm non như:

Thứ nhất, giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non

Hiện nay, giáo viên mầm non cũng như các đối tượng giáo viên khác nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nữ đủ 60 tuổi, nam 62 tuổi.

Quy định này đối giáo viên, nhất là đối với giáo viên mầm non là không phù hợp, nhiều giáo viên đến 60, 62 tuổi sẽ không đủ sức khỏe, minh mẫn để giảng dạy, khó ứng dụng công nghệ mới,…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất giữ quy định về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là 55 tuổi thay vì tăng lên 60 tuổi để phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo cấp học mầm non.

Điều này được giáo viên mầm non đồng tình, hoan nghênh, cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, những giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những nghiên cứu về tuổi nghỉ hưu của giáo viên ở các cấp học này, theo người viết đối với giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông, giáo viên nữ nghỉ hưu ở tuổi 57, nam nghỉ hưu ở tuổi 60 là phù hợp.

Thứ hai, kiến nghị cho phép tuyển dụng giáo viên chưa đạt chuẩn Luật Giáo dục 2019

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ cho phép các địa phương được tuyển dụng/hợp đồng giáo viên đủ điều kiện nhưng chưa đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 đồng thời đề ra lộ trình đào tạo nâng chuẩn cho các đối tượng theo lộ trình của Nghị định 71.

Điều này giúp các địa phương sẽ có thêm nguồn tuyển, tạo điều kiện cho giáo viên chưa đạt chuẩn có cơ hội được giảng dạy.

Thứ ba, kiến nghị điều chỉnh lương, phụ cấp giáo viên

Đặc biệt, Bộ kiến nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ xếp lương bậc 2 cho giáo viên mầm non mới tuyển dụng vào ngành giáo dục.

Đối với giáo viên hợp đồng cần đảm bảo mức lương không thấp hơn mức lương trung bình của doanh nghiệp cùng khu vực; được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên như giáo viên trong biên chế; được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Đây là điều vô cùng hợp lý đối với giáo viên hợp đồng đã quá thiệt thòi trong thời gian qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất Chính phủ phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non theo hướng nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Nếu cụ thể được lương giáo viên theo Nghị quyết 29 thì không chỉ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông lương, thu nhập cũng sẽ được cải thiện.

Thứ tư, kiến nghị không giảm biên chế giáo viên mầm non, tiểu học

Trước thực trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở mầm non và tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp.

Trước mắt, xem xét không tinh giản biên chế đối với cấp học mầm non, tiểu học (do chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức nhưng vẫn yêu cầu giảm 10% biên chế dẫn đến thiếu nhiều giáo viên đứng lớp trong bối cảnh tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ngày càng cao).

Quy định trên là hợp lý, cùng với bậc mầm non, tiểu học, tình trạng giáo viên ở trung học cơ sở, trung học phổ thông thiếu cũng rất nhiều, rất ít nguồn tuyển.

Giáo viên là lao động đặc thù, dạy theo số tiết định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nếu tinh giản biên chế 10% sẽ khiến các trường càng thêm thiếu nhiều giáo viên, khó cho việc thực hiện chương trình giáo dục.

Người viết xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kiến nghị Chính phủ không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường từ mầm non đến trung học phổ thông, có thể tinh giản đối với Phòng, Sở Giáo dục.

Những giải pháp về chính sách với giáo viên mầm non được Bộ Giáo dục đưa ra đều hết sức cấp bách, kịp thời, được giáo viên mầm non rất hoan nghênh và mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu có những thay đổi về chế độ, chính sách đối với giáo viên phổ thông từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-tang-luong-phu-cap-khong-giam-bien-che-giao-vien-mam-non-119221122160025898.htm#:~:text=B%E1%BB%99%20Gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c%20v%C3%A0%20%C4%90%C3%A0o%20t%E1%BA%A1o%20c%C5%A9ng%20%C4%91%E1%BB%81%20xu%E1%BA%A5t%20Ch%C3%ADnh,kh%C3%B3%20kh%C4%83n%20h%C6%B0%C6%A1ng%20m%E1%BB%A9c%20100%25.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên