Giáo viên có thể góp ý sách giáo khoa thực chất, nghiêm túc được không?

23/12/2022 06:41
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nọ chồng chéo việc kia nên nhiều nơi góp ý qua loa, góp ý cho xong nhiệm vụ cũng là điều dễ hiểu.

Ngay tại thời điểm gần cuối học kỳ 1, các địa phương trong cả nước đã bắt đầu tổ chức thực hiện việc góp ý sách giáo khoa chương trình mới ở các khối lớp 4, 8, 11.

Đây là năm học thứ tư, ngành giáo dục tổ chức việc góp ý sách giáo khoa của chương trình mới. Dưới góc nhìn của một giáo viên cũng đã trực tiếp tham dự việc góp ý sách giáo khoa, được nghe, được biết những phản hồi từ đồng nghiệp, tôi xin chia sẻ một số vấn đề.

Gần 50 đầu sách giáo khoa mà yêu cầu góp ý trong vài ngày chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa (Ảnh minh hoạ của tác giả)

Gần 50 đầu sách giáo khoa mà yêu cầu góp ý trong vài ngày chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa (Ảnh minh hoạ của tác giả)

Tôi thấy rằng, việc góp ý sách giáo khoa còn mang nặng tính hình thức, đôi khi góp ý cho có, cho xong trách nhiệm.

Bởi thế, sau những góp ý của giáo viên, các nhà xuất bản cũng không có nhiều sự chỉnh sửa về nội ở những bộ sách, cho đến khi sách được chính thức đưa vào giảng dạy.

Minh chứng rõ nhất chính là việc cả 5 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của năm học 2020-2021 dù đã được các địa phương, các trường học tổ chức góp ý, lựa chọn nhưng đều dính sạn mà là những “hạt sạn” to đùng được dư luận chỉ ra (chứ không phải giáo viên).

Hay như những bộ sách giáo khoa lớp 6, lớp 10 của năm học này vẫn đang được dư luận “nhặt sạn”.

Sẽ có người thắc mắc, vì sao giáo viên góp ý sách giáo khoa lại chỉ mang tính hình thức? Góp ý cho có, cho xong trách nhiệm?

Lẽ nào các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy lại không thấy được những bất ổn về nội dung trong những bộ sách hay sao?

Nguyên nhân dẫn đến việc góp ý sách giáo khoa của giáo viên giống việc “cưỡi ngựa xem hoa”

a/ Thời gian góp ý thần tốc

Muốn làm bất cứ việc gì để đạt được kết quả (đặc biệt là những công việc mang tính nghiên cứu) cũng phải có sự đầu tư về thời gian và công sức. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này lại hoàn toàn thiếu vắng trong việc góp ý sách giáo khoa của giáo viên.

Thực tế, trước khi góp ý, giáo viên không có thời gian để nghiên cứu sách giáo khoa. Có cơ sở giáo dục yêu cầu phải góp ý gần 50 đầu sách của cả 3 bộ sách, thời gian phải nộp góp ý đôi khi chỉ có vài ngày.

Trong khi đó, thời gian góp ý thường tổ chức trong năm học. Thầy cô giáo nào cũng đang phải lên lớp mỗi ngày.

Đã thế, tối về lại còn biết bao công việc chuyên môn khác. Có những thời điểm giáo viên còn đang tham dự một số hội thi ở trường, ở huyện.

Việc nọ chồng chéo việc kia nên phần đông là góp ý qua loa, góp ý cho xong nhiệm vụ cũng là điều dễ hiểu.

b/ Không có sách giáo khoa

Nói là góp ý sách giáo khoa mà hầu như không có sách mẫu thì góp ý thế nào? Nếu có thì cả trường cũng chỉ có 3 bộ sách của các nhà xuất bản. Thế nên, giáo viên này lật giở đọc qua loa ít trang lại chuyển qua cho giáo viên khác.

Xem qua loa như thế, cũng chỉ lấy ra được vài cái nhận xét vô thưởng vô phạt về hình thức chứ làm sao có thể đi sâu vào nội dung?

c/ Buộc góp ý cả những cuốn sách giáo viên không dạy

Góp ý những cuốn sách đúng chuyên môn giảng dạy đôi khi còn không nhận ra những điều bất ổn. Thế nhưng trong thực tế, không ít địa phương buộc giáo viên phải góp ý cả những cuốn sách giáo khoa không thuộc chuyên môn của các thầy cô giáo ấy.

Ví như giáo viên tiểu học buộc phải góp ý cả sách Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc. Nói là giáo viên tiểu học phải dạy được tất cả các môn nhưng những môn học năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc vẫn có nhiều thầy cô chưa hiểu thế nào là bố cục hài hoà cho bức tranh đẹp hay không biết nhạc lý, không hiểu thế nào là trường độ, cao độ…nên buộc góp ý thì chỉ còn cách viết vài nhận xét chung chung cho xong việc.

d/ Góp ý sách giáo khoa không thù lao hoặc thù lao quá ít

Không chỉ tất cả giáo viên trong mỗi trường học đều phải góp ý sách giáo khoa nhưng không nhận được bất cứ một đồng thù lao nào mà ngay cả những giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn được cử ra phòng giáo dục, sở giáo dục vào vai ban giám khảo ngồi góp ý, bình chọn sách giáo khoa cả ngày cũng không nhận được một đồng tiền thù lao.

Hoặc có nhận được tiền bồi dưỡng cũng khá khiêm tốn. Góp ý sách giáo khoa cho năm học 2022-2023, ở địa phương người viết công tác, một ngày ngồi góp ý, bình chọn sách là 300 ngàn đồng.

e/ Trình độ một số giáo viên còn hạn chế

Dù không muốn nhưng vẫn phải nói ra một điều, không phải thầy cô giáo nào cũng có kiến thức sâu rộng để có thể góp ý sách giáo khoa. Trong đội ngũ nhà giáo hiện nay, vẫn có không ít những thầy cô còn hạn chế về chuyên môn.

Một số người vẫn cho rằng, viết sách là giáo sư tiến sĩ, lại đi qua biết bao vòng thẩm định mà không thấy sai. Trong khi mình, có là gì để phê bình, bắt lỗi họ chứ? Thế nên họ viết sao thì cứ dạy vậy.

Và thế là, những thầy cô giáo này thường rất trung thành với những gì được viết ra trong những bộ sách. Người viết cũng đã gặp, có những kiến thức chưa chuẩn, có kiến thức sai nhưng vẫn có những thầy cô dạy y chang như thế và bảo vệ ý kiến “sách họ viết thế mà”.

Giáo viên có thể góp ý sách giáo khoa thực chất và nghiêm túc được không?

Ông Trần Văn Luyện - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng (quận 5) cũng có ý kiến: “Nhà trường đưa việc nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt vào sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Đồng thời, ông đề xuất khi thực hiện góp ý sách giáo khoa ở các bộ sách, ở từng bộ môn, Sở GD-ĐT TPHCM nên giao về cho từng quận, huyện chịu trách nhiệm nghiên cứu sâu theo từng chương (từng nội dung) để có sự góp ý, đề xuất chuyên sâu, trách nhiệm nhất.

Để khuyến khích thầy cô làm hết trách nhiệm, nhà trường đều có các chế độ động viên thầy cô, thậm chí san sẻ bớt công việc để thầy cô có thời gian, điều kiện nghiên cứu sách một cách trọn vẹn nhất" [1]

Việc yêu cầu nhà trường “đưa việc nghiên cứu, tìm hiểu các bộ sách giáo khoa đã được phê duyệt vào sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu giáo viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm” như lời Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng cũng khó thực hiện được.

Đơn giản chỉ vì, theo quy định, cứ 2 tuần các tổ chuyên môn mới sinh hoạt một lần với biết bao công việc thì thời gian nào để ngồi nghiên cứu sâu theo từng chương (từng nội dung) mà góp ý?

Cũng cần khẳng định ngay rằng, giáo viên có đủ khả năng góp ý sách giáo khoa một cách thực chất. Để có được điều này, ngành giáo dục cần khắc phục một số nguyên nhân tác giả bài viết đã chỉ ra.

Đề xuất một số giải pháp

Thứ nhất, không nên tổ chức cho giáo viên góp ý sách giáo khoa một cách đại trà. Mỗi trường cần chọn lựa một vài thầy cô có năng lực chuyên môn tốt. Thời gian tập trung góp ý và bình chọn sách, những giáo viên này sẽ được nghỉ dạy để dành thời gian cho việc đọc và nghiên cứu. Nhà trường sẽ có chế độ tính tiền vượt tiết cho giáo viên đảm nhiệm dạy thay.

Thứ hai, không bắt buộc giáo viên phải góp ý và bình chọn tất cả các đầu sách mà cần phân công theo năng lực sở trường. Ví như giáo viên có năng lực về toán học thì tập trung nghiên cứu về sách toán. Giáo viên có hiểu biết xã hội, tập trung nghiên cứu về sách Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử & Địa lý…

Thứ ba, khi giáo viên góp ý bình chọn sách giáo khoa được hưởng một số quyền lợi thì cần gắn luôn trách nhiệm. Ví như đã góp ý, bình chọn bộ sách đó nếu để xảy ra sai sót lớn như sách lớp 1 năm 2020-2021 thì những người nằm trong nhóm góp ý, bình chọn sách phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có thế, giáo viên mới phải làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm mà không làm việc qua loa như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.phunuonline.com.vn/gop-y-sach-giao-khoa-can-nghiem-tuc-trach-nhiem-tranh-lam-cho-co-a1479258.html

Phan Tuyết