Nếu ngành sức khỏe thi riêng, ngành khác cũng muốn, vậy khác gì so với trước đây

15/12/2022 06:55
Vũ Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Võ Thanh Hải nêu quan điểm: "Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, không nhất thiết phải có một kỳ thi riêng để vào một khối ngành".

Lo ngại các khối ngành đều hướng đến tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng đối với khối ngành sức khỏe, Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân phân tích: Trước đây khá lâu, có nhiều đợt thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (từng trường tổ chức thi riêng). Điều này dẫn tới tình trạng thí sinh tham gia nhiều lần thi. Việc có nhiều đợt thi làm tốn kém ngân sách và kinh phí của từng gia đình. Thậm chí, tình trạng thí sinh, người nhà tập trung tại các điểm thi dẫn đến ùn tắc giao thông diễn ra ở nhiều nơi.

Từ khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tổ chức thống nhất trên toàn quốc, lấy kết quả thi làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, phân trách nhiệm tổ chức kỳ thi về cho từng địa phương, những điểm hạn chế này phần nào được khắc phục.

Vậy nếu tổ chức kỳ thi, tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe thì liệu rằng các khối ngành khác có ý định tổ chức kỳ thi riêng hay không? Khi tổ chức kỳ thi riêng đối với từng khối, từng trường thì sẽ chẳng khác nào quay lại hình thức thi như trước kia, gây ra sự lãng phí rất lớn.

“Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, không nhất thiết phải có kỳ thi riêng để vào một khối ngành nào đó. Nếu tổ chức thi riêng cho khối ngành sức khỏe thì cũng có thể các khối ngành khác sẽ có ý định tổ chức kỳ thi riêng.

Vì mỗi ngành đều có vị trí quan trọng khác nhau, như ngành sư phạm là đào tạo đội ngũ giáo viên giỏi, có tâm với nghề để giảng dạy cả một thế hệ; đào tạo kỹ sư xây dựng để nâng cao chất lượng của các công trình,...Như vậy, ở phương diện nào đó thì mỗi ngành sẽ có vai trò, nhiệm vụ riêng.

Phương thức xét tuyển của mỗi trường hướng đến từng nhóm đối tượng thí sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo. Như vậy, hợp lý hơn việc tổ chức kỳ thi riêng là các trường đào tạo khối ngành sức khỏe có thể lấy điểm chuẩn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao hơn hoặc kết hợp với các tiêu chí phụ khác như điểm học bạ loại giỏi đối với tổ hợp môn liên quan trực tiếp đến ngành, nghề... Điều này thuận lợi hơn đối với thí sinh, tránh tình trạng tổ chức nhiều kỳ thi khiến các em lo lắng, hoang mang, tốn kém”, Tiến sĩ Võ Thanh Hải nói.

Bên cạnh đó, việc đánh giá kết quả học tập cấp trung học phổ thông cần phản ánh đúng năng lực của học sinh. Có như vậy, các trường đại học mới có thể tuyển chọn được những thí sinh phù hợp và cũng tạo thuận lợi cho sinh viên trong quá trình học đại học sau này. Nếu ở bậc phổ thông chưa đánh giá đúng năng lực thì điểm vào trường chỉ là điểm ảo, trong quá trình học các em cũng sẽ bị sàng lọc, vừa phí công sức vừa phí tiền bạc.

Về nguyên tắc, các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu muốn bổ sung hình thức nào để tăng chất lượng đầu vào thì cần phải công bố sớm để thí sinh có sự chuẩn bị, không gây áp lực cho các em.

Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường Đại học Duy Tân trong tiết học. Nguồn: website nhà trường

Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường Đại học Duy Tân trong tiết học. Nguồn: website nhà trường

Chú trọng đến quá trình xét tuyển đầu vào, bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân nhấn mạnh quá trình đào tạo mới là yếu tố quyết định đầu ra của người học. Chính vì vậy, các trường cần nghiêm túc trong quá trình đào tạo, đánh giá đúng chất lượng, sớm phát hiện những sinh viên không theo được chương trình có thể cho học lại hoặc cho thôi học.

Hạn chế tình trạng chất lượng đầu vào tốt nhưng quá trình tổ chức đào tạo không đáp ứng được thì nguồn nhân lực sau khi ra trường sẽ không đảm bảo.

Kiến nghị tăng lương và đãi ngộ cho bác sĩ

Năm nay là năm rất đặc thù để tuyển sinh vào các ngành đào tạo khối ngành sức khỏe, những thí sinh đăng ký học năm nay thực sự phải rất yêu và đam mê với ngành.

“Trong 2 năm đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng y bác sĩ rất vất vả, áp lực và luôn trong trạng thái căng thẳng. Hơn nữa, thu nhập của các y bác sĩ, đặc biệt là những bác sĩ mới ra trường rất thấp, trong đó có ngành bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng - hàm - mặt có thời gian học dài nhất, học phí cao nhất, chương trình học vất vả nhưng thu nhập thì lại thấp hơn một số ngành khác.

Vì vậy, khi so sánh, thí sinh có xu hướng thiên về học các ngành có thời gian học ngắn, dễ tìm kiếm công việc, thu nhập đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

Điều này dẫn tới việc tuyển sinh của khối ngành khoa học sức khỏe yếu hơn các năm trước, cũng đánh dấu về sự chuyển biến ngành nghề lớn ở nước ta”, Tiến sĩ Võ Thanh Hải nói.

Là người trực tiếp trong ngành, Bác sĩ Trần Thị Yến, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, mức lương cơ sở của bác sĩ là 1.490.000 đồng, bác sĩ mới ra trường được bổ nhiệm chức danh bác sĩ áp dụng hệ số lương 2,34. Như vậy, chưa tính phụ cấp ưu đãi ngành 0.4 và độc hại 0.2, các bác sĩ mới ra trường được hưởng mức lương 3.486.600 đồng/tháng.

Chưa kể, bác sĩ mới thường không có thu nhập tăng thêm vì ở chế độ học việc (học việc trong khoảng thời gian 12 tháng), luân chuyển giữa các khoa. Vì vậy, nhiều bác sĩ mới ra trường khó mà đảm bảo được nhu cầu cuộc sống với mức lương này.

“Lương thấp nhưng công việc nhiều, vất vả. Áp lực đến từ số lượng bệnh nhân theo mùa, mùa đông bệnh nhân thì luôn quá tải, nhiều việc, không có thời gian nghỉ ngơi.

Riêng đối với khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực Sơ sinh, áp lực còn đến từ các ca bệnh nặng, trang thiết bị máy móc nhiều khi không đáp ứng được, còn thiếu thốn.

Vì vậy, nhiều bác sĩ đã bỏ việc hoặc chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư. Điều này dẫn tới thực trạng nhân sự ngành y ở các bệnh viện công lập ngày càng thiếu.

Vì vậy, tôi mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền sẽ có những chính sách về lương và đãi ngộ phù hợp để các bác sĩ yên tâm cống hiến với nghề. Đồng thời, tạo điều kiện để các trường tuyển sinh được nhiều sinh viên giỏi, củng cố nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế”, Bác sĩ Trần Thị Yến bày tỏ.

Vũ Lan