Tự chủ ĐH: Trường bị cắt chi thường xuyên nhưng chưa có nguồn kinh phí thay thế

16/12/2022 06:38
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần quan tâm hơn đến quản trị hệ thống giáo dục đại học, đặc biệt ưu tiên giải quyết vấn đề có quá nhiều cơ quan tham gia làm chính sách về quản lý trường ĐH.

Đổi mới quản trị đại học là một trong những vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh tự chủ hiện nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quản trị hệ thống giáo dục đại học ở nước ta còn mang tính phân mảnh trên nhiều bình diện, trong khi quản trị cấp độ cơ sở vẫn còn những rào cản, khó khăn nhất định.

Để tìm hiểu về những “nút thắt” trong quản trị giáo dục đại học hiện nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia.

Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm Hiệp, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của quản trị giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Nói về quản trị đại học cần phải đề cập đến hai khía cạnh, bao gồm: quản trị đại học cấp độ hệ thống và quản trị đại học cấp độ cơ sở giáo dục đại học.

Trong những năm qua, chúng ta đã bàn luận rất nhiều về quản trị đại học cấp độ cơ sở giáo dục đại học, với các vấn đề về Hội đồng trường; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình, ... Nhưng có lẽ, chúng ta cũng cần phải quan tâm đầy đủ hơn về quản trị đại học góc độ hệ thống, bao gồm vai trò của cơ quan chủ quản; vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mối liên hệ giữa các bộ ngành; cách thức điều hành, quản lý các trường đại học từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã đề ra những đổi mới về quản trị đại học, bao gồm từ cấp độ hệ thống đến cấp độ cơ sở, thế nhưng Luật Giáo dục đại học hiện hành dường như tập trung nhiều hơn vào quản trị cấp độ cơ sở, còn một số vấn đề ở cấp độ hệ thống chưa thực sự được quan tâm đầy đủ, đúng mức.

Có một số vấn đề trong quản trị hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã được giới chuyên môn chỉ ra từ lâu nhưng chưa được quan tâm giải quyết. Cụ thể như việc chúng ta có quá nhiều cơ quan chủ quản trường đại học, chúng ta từng đề xuất bỏ cơ chế cơ quan chủ quản nhưng đến nay vẫn không thực hiện được.

Một vấn đề nữa là có quá nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào quản lý giáo dục đại học chứ không riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý về hoạt động đào tạo thì Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý hoạt động khoa học công nghệ, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý tài chính, Bộ Nội vụ quản lý nhân sự, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về vấn đề đầu tư….

Chính điều này làm cho quản trị đại học cấp độ hệ thống bị phân mảnh và thiếu tính thống nhất để hướng tới mục đích chung là phát triển chất lượng giáo dục đại học. Với sự tham gia của quá nhiều bộ ngành, trong một số công việc cụ thể sẽ khó có sự kết nối ăn nhập với nhau, dẫn tới khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học.

Ví dụ khi đầu tư xây dựng, vận hành một phòng thí nghiệm trọng điểm ở một trường đại học, sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điều đương nhiên. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về phần đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho phòng thí nghiệm, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thường xuyên cho phòng thí nghiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý hoạt động khoa học công nghệ, Bộ Nội vụ quản lý nhân sự làm việc tại phòng thí nghiệm với tư cách là những viên chức. Một việc nhỏ như vậy nhưng có đến 5 Bộ tham gia dễ dẫn tới những vướng mắc giữa các bên trong quá trình triển khai thực hiện, thậm chí là làm mất đi tính hiệu quả của những đề án được đưa ra.

Có thể thấy, chúng ta vẫn đang thiếu cơ chế để sớm giải quyết những vấn đề này trong quản trị hệ thống giáo dục đại học.

Phóng viên: Thực hiện tốt tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình là vấn đề then chốt cho quản trị đại học ở cấp ở sở. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH14) đã có hiệu lực từ tháng 7/2019, nhưng đến nay, giới chuyên gia cho rằng, tự chủ đại học vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi, do còn khoảng cách khá lớn giữa chính sách và thực tiễn? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Chính sách và hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chưa thực rõ với một số khía cạnh của tự chủ đại học.

Tự chủ học thuật đã được triển khai tương đối tốt, tất nhiên đâu đó vẫn còn sự quản lý khá chặt về mặt chương trình, hoạt động nghiên cứu khoa học nhưng không ảnh hưởng hay gây nhiều khó khăn cho trường đại học.

Tuy nhiên, tự chủ về mặt tài chính, tài sản, tổ chức nhân sự vẫn còn đang “trói buộc” các cơ sở giáo dục đại học rất nhiều.

Ví dụ như về tổ chức nhân sự, tất cả giảng viên trường đại học công lập đều là viên chức. Và đã là viên chức thì phải tuân theo Luật Viên chức. Trường đại học muốn tuyển dụng một giảng viên xuất sắc, một tiến sĩ nước ngoài về thì cũng phải thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình tuyển dụng viên chức, một quy trình rất phức tạp, gây khó khăn cho các trường. Và với cơ chế này, cách thức tuyển dụng này cũng không thể hấp dẫn, thu hút được những nhà khoa học giỏi, có năng lực.

Hay khi trường đại học muốn đưa một giảng viên giỏi chuyên môn, có năng lực quản lý lên làm lãnh đạo cấp khoa/phòng cũng phải theo quy định bổ nhiệm viên chức quản lý theo quy định của Bộ Nội vụ. Đó là chưa kể đến những quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp lý liên quan.

Về tự chủ tài chính, chúng ta mất rất nhiều thời gian để thuyết phục nhau và đi đến một nhận định: tự chủ tài chính không có nghĩa là tự túc tài chính. Tuy vậy, các trường tự chủ vẫn bị cắt ngân sách chi thường xuyên. Dẫu chúng ta nói rằng tổng đầu tư cho các trường đại học đang ở mức cao nhưng khi chi thường xuyên bị cắt, hệ quả là học phí đã phải tăng lên để các trường có đủ chi phí trang trải cho hoạt động đào tạo.

Nhận định “tự chủ tài chính không phải là tự túc” dường như vẫn chỉ ở lời nói và trên các văn bản pháp lý chứ chưa đi vào thực tiễn. Các trường đại học bị cắt chi thường xuyên nhưng lại chưa có nguồn kinh phí nào thay thế.

Chúng ta có đề cập đến cơ chế cấp ngân sách theo đặt hàng đào tạo, giao nhiệm vụ nhưng đến nay, vẫn chưa có thông tư, nghị định, văn bản pháp lý nào hướng dẫn và “mở đường” để thực hiện việc này.

Tôi từng có đề xuất, Nhà nước đã cam kết chi 20% ngân sách cho giáo dục đại học nhưng thực tế trong những năm qua chỉ chi được 17- 18%. Vậy chúng ta có thể lấy 0.5% hay 1% trong 2-3% phần ngân sách chưa chi đủ đó để thành lập một quỹ dành riêng cho các trường tự chủ, các trường có thể đấu thầu, cạnh tranh nhau để xin ngân sách từ đó.

Phóng viên: Hiện vẫn còn những lo ngại về năng lực quản trị đại học của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình xã hội chưa hiệu quả. Vậy ông có kiến nghị giải pháp nào để hoàn thiện cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Có hai công cụ chính để trường đại học đảm bảo trách nhiệm giải trình mà chúng ta vẫn đang triển khai, đó là kiểm định chất lượng và công khai, minh bạch thông tin.

Kiểm định chất lượng hiện đang được triển khai rất rốt ráo, và chúng ta đã có cách tiếp cận đúng hướng. Song, quy trình làm kiểm định và cách thức vận hành kiểm định vẫn còn một số vướng mắc cần xử lý, cụ thể như tính độc lập của các trung tâm kiểm định, tính độc lập của kiểm định viên, cách xác định minh chứng trong kiểm định đang gây tốn kém cho các trường, … Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề nhỏ và nhìn chung, hoạt động kiểm định chất lượng đã đạt được nhiều kết quả tốt trong thời gian qua. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đại học đã đạt kiểm định quốc tế, đó cũng là những điều đáng ghi nhận trong hoạt động kiểm định chất lượng.

Về công khai và minh bạch thông tin, chúng ta đã có quy chế về 3 công khai từ năm 2009 và có Thông tư 36/2017 Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thay thế cho Thông tư 09/2009 với quy định rất rõ ràng, cụ thể.

Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu một hệ thống thông tin thống nhất về giáo dục đại học, các trường đã minh bạch thông tin nhưng những thông tin này chưa được tập hợp thống nhất vào một nguồn để người dân có thể truy cập, theo dõi, so sánh.

Phóng viên: Theo ông, trước mắt, chúng ta cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nào để làm tốt công tác quản trị đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tôi cho rằng ở cấp độ quản trị hệ thống, cần ưu tiên giải quyết vấn đề có quá nhiều cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào quản lý các trường đại học. Cần phải sớm ban hành các chính sách, cơ chế giúp điều hành quản trị các trường đại học hiệu quả hơn. Cụ thể như có thể thành lập một Ủy ban quốc gia hoặc Cơ quan thường trực Chính phủ với đại diện các bộ ngành liên quan để làm nhiệm vụ quản trị đại học và giải quyết các vấn đề về tự chủ.

Ở cấp độ cơ sở giáo dục đại học, cần sớm làm tốt công tác công khai thông tin với một hệ thống thông tin thống nhất về giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đầu tư nguồn lực để thực hiện việc này, website của Bộ cần cập nhật thông tin của các trường đại học để người học có thể theo dõi, tra cứu thông tin và đối sánh chất lượng giữa các cơ sở đào tạo.

Làm được việc này còn giúp tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học, các trường nhìn vào nhau, so sánh, đánh giá lẫn nhau và thúc đẩy cùng nhau phát triển. Hơn nữa, khi thống nhất hệ thống thông tin, bản thân cơ quan Nhà nước cũng thuận tiện hơn trong quản trị giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những giải pháp để nâng cao năng lực tự chủ của các trường đại học. Chúng ta nên có một chương trình cấp Nhà nước về nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nguồn, từ cấp phòng, khoa đến ban giám hiệu, hội đồng trường.

Trước nay đã có nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý do Bộ Nội vụ triển khai thực hiện nhưng là áp dụng chung cho các công chức, viên chức. Các khóa đào tạo này nên bớt đi và thay bằng các chương trình đào tạo riêng cho lãnh đạo, cán bộ, quản lý về giáo dục đại học với cách tiếp cận sát hơn công việc thực tế của các trường.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp!

Nguyên Phương