Hiệu trưởng nêu khó khăn khi tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

21/12/2022 06:37
Vũ Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhiều trường học chưa có giáo viên chuyên trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên phân công giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoạt động giáo dục bắt buộc đối với học sinh từ lớp 1 đến 12. Thế nhưng sau ba năm triển khai với một số lớp học, nhiều trường vẫn gặp một số khó khăn khi thực hiện.

Ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương (Bắc Kạn), do chưa có giáo viên chuyên trách nên chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm giảng dạy hoạt động này. Theo đó, 3 tiết học được phân như sau: Tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) do tổng phụ trách đội điều hành; tiết 2 (sinh hoạt chủ đề) và tiết 3 (sinh hoạt lớp) do giáo viên chủ nhiệm phụ trách.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thầm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương (Bắc Kạn) đánh giá, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đem lại nhiều dấu hiệu tích cực đối với các em học sinh. Môn học nâng cao tính thực tiễn, trải nghiệm cuộc sống, kích thích sự tò mò, sáng tạo tư duy của học sinh. Các em có thể vận dụng kinh nghiệm đã có của bản thân trực tiếp vào các chủ đề bài học. Vì vậy, mỗi khi đến tiết học này, học sinh rất háo hức.

Thuận lợi nhìn rõ nhưng theo cô Nguyễn Thị Thầm, khó khăn khi triển khai cũng không ít.

Thứ nhất, khó khăn về việc sắp xếp tiết dạy. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương là trường liên cấp nên riêng tiết 1 (sinh hoạt dưới cờ) của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường đã phải sắp xếp 2 giáo viên phụ trách 2 cấp học với thời gian khác nhau.

Cụ thể, giáo viên tổng phụ trách đội tổ chức hoạt động này đối với cấp trung học cơ sở vào tiết 1, thứ hai hàng tuần; một giáo viên khác phụ trách cấp tiểu học vào tiết 2, thứ hai hàng tuần.

Thay vì để một người tổ chức cùng một thời gian cho cả 2 cấp học như trước kia thì việc sắp xếp tách rời như này gây khó khăn, phức tạp cho nhà trường trong khâu sắp xếp, phân bổ thời lượng. Bản thân lãnh đạo quản lý còn rất nhiều việc nhưng vẫn phải dành thời gian tham gia cả 2 tiết này.

“Sinh hoạt dưới cờ là tiết đầu tiên của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong tuần, tổ chức cho các lớp đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 như lớp 1, 2, 3 cấp tiểu học và lớp 6, 7 cấp trung học cơ sở.

Ảnh minh họa: BN

Ảnh minh họa: BN

Một tiết nhưng giáo viên phụ trách phải thực hiện nội dung của cả khối 6 và 7 hoặc khối lớp 1, 2, 3. Mặc dù, có thể chủ đề dạy của các lớp tương đương nhưng nội dung theo hướng dẫn của chương trình nhiều khi không liên quan đến nhau nên việc tổ chức chung trong tiết sinh hoạt dưới cờ gây khó cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học”, cô Nguyễn Thị Thầm nói.

Những năm tới, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ trở thành hoạt động giáo dục bắt buộc triển khai đến tất cả các khối lớp trong nhà trường, lúc này Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương lo rằng, việc chỉ giao cho một giáo viên phụ trách, cùng lúc triển khai trong tiết sinh hoạt dưới cờ thì khó mà thực hiện hiệu quả.

Còn nếu tổ chức sinh hoạt dưới cờ kết hợp Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tách riêng từng khối lớp, dù có thể dạy sát với nội dung chương trình nhưng cũng có điều bất cập với trường miền núi vì sẽ có khối lớp ít học sinh. Như năm nay, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương có khối chỉ 19 em học sinh thì việc tổ chức một tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp như trên sẽ không được hợp lý.

Thứ hai, nhà trường khó tổ chức các chuyến đi tham quan thực tế. Từ đầu năm đến giờ, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương chưa thể tổ chức cho các em học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế ở các địa điểm, bảo tàng, khu di tích,...

Lý giải nguyên nhân, cô Nguyễn Thị Thầm cho hay, do địa bàn miền núi đi lại khó khăn kéo theo việc quản lý học sinh trong việc di chuyển đến các địa điểm cách xa trường sẽ rất phức tạp. Chưa kể, địa bàn xung quanh trường không có địa điểm phù hợp cho việc tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nên nhà trường chưa tổ chức được cho các em.

Chưa kể, học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương chủ yếu là con hộ nghèo và cận nghèo nên việc huy động phụ huynh hỗ trợ kinh phí phục vụ cho các chuyến đi thực tế rất khó, còn ngân sách của trường thì không thể đáp ứng đủ cho tất cả học sinh.

Chính vì vậy, trường chủ yếu tổ chức cho học sinh học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trên lớp, tích cực trình chiếu các video cho các em xem để các em có kiến thức.

Từ một số vướng mắc như vậy, cô Nguyễn Thị Thầm kiến nghị: “Thực tế, sinh hoạt dưới cờ là hoạt động để cho ban giám hiệu, phụ trách đội tổng kết, nhận xét những công việc trong tuần vừa qua và phổ biến triển khai kế hoạch cần thực hiện trong tuần tới. Vì vậy, khi thêm nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vào thì các trường sẽ rất khó cân đối được thời gian, nhiều khi không đủ thời gian để tổ chức. Vì vậy, tôi đề xuất có thể phân một giáo viên phụ trách dạy môn học này theo một chủ đề, không nhất thiết phải tổ chức vào tiết sinh hoạt dưới cờ.

Ngoài ra, để có điều kiện tổ chức cho các em được đi tham quan thực tế, tôi hi vọng rằng ngành giáo dục sẽ trích một khoản ngân sách cấp cho các nhà trường phục vụ riêng hoạt động này, tạo sự công bằng với các em học sinh. Đặc biệt là các em học sinh miền núi vốn đã chịu nhiều thiệt thòi hơn các em học sinh vùng đồng bằng, thuận lợi”.

Tiếp cận với hoạt động giáo dục mới này, bên cạnh những thuận lợi như học sinh hứng thú học tập, giáo viên được tìm tòi, mở mang kiến thức thì thầy Ma Thế Kiệm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Hiệu (Bắc Kạn) cũng nêu ra một số khó khăn khi thực hiện.

Cũng giống như Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yến Dương, Trường Trung học cơ sở Hà Hiệu chưa có giáo viên chuyên trách hoạt động này và đang cử giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy học sinh. Dù đã được tập huấn nhưng giáo viên vẫn hạn chế về mặt chuyên môn, cần tự học, trau dồi, học hỏi thêm nhiều ở các trường khác mới có kiến thức về dạy cho học sinh của mình.

“Nếu có giáo viên chuyên trách hoặc những người được đào tạo đúng chuyên môn này về trường giảng dạy thì việc tổ chức triển khai sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Trước đó, dù đã có hướng dẫn tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhưng vẫn có điểm không rõ ràng nên các trường gặp khó trong việc bố trí tiết dạy, phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Vì vậy, mỗi trường có cách tổ chức khác nhau, không thống nhất.

Chưa kể, để có một chuyến tham quan an toàn, hiệu quả thì cần đáp ứng được rất nhiều yếu tố từ việc đội ngũ phụ trách, kinh phí...”, thầy Ma Thế Kiệm nói.

Hiện tại, dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng muốn học sinh được trải nghiệm thực tế, vì vậy Trường Trung học cơ sở Hà Hiệu đang lên kế hoạch tổ chức một phiên chợ Tết thu nhỏ tại khuôn viên nhà trường trước Tết Nguyên đán 2023. Tại đây các em học sinh được hướng dẫn làm quà Tết, bày sạp hàng bán, gói các loại bánh,...Từ đó, rèn luyện kỹ năng và tạo sự hứng thú cho học sinh”, thầy Ma Thế Kiệm nói.

Vũ Lan