Vì sao sau 13 năm triển khai, khu đại học phố Hiến, Hưng Yên vẫn "ế ẩm"?

26/12/2022 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, khu đại học phố Hiến (Hưng Yên) đến nay vẫn "ế ẩm" là do hạn chế về sự kết nối giữa kinh tế, học thuật và giao thông. 

Đề án xây dựng khu đại học phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2009, quy mô sử dụng đất khoản 1.000 ha (đầu tư 5.530 tỷ đồng). Trong đó, diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700 ha và diện tích đất sử dụng xây dựng đô thị khoảng 300 ha.

Theo đề án, nơi đây gồm tổ hợp cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chất lượng cao, là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng.

Khu đại học phố Hiến dự kiến có khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 – 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên đến nay việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội, mới chỉ có Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Chu Văn An xây dựng cơ sở đào tạo tại đây.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên có tờ trình Thủ tướng cho kết thúc, đóng lại đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến và thu hẹp lại khu đại học, chỉ giữ lại khoảng 200ha đất để bố trí cho trường đại học có nhu cầu về xây dựng cơ sở đào tạo.

Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng 13 năm thực hiện đề án nhưng không thành công, đã gây ra sự lãng phí. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc các trường ngại di dời về khu đại học phố Hiến?

Khu đại học Phố Hiến (Ảnh: TL)Khu đại học Phố Hiến (Ảnh: TL)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, khái niệm khu đại học - đô thị Đại học theo cách nhìn nhận của thế giới có thể được hiểu theo hai cách chính như sau:

1/ Một đô thị có trụ sở chính của một hay nhiều nhà trường đại học, trong đó tỉ trọng sinh viên hay giảng viên/cán bộ khoa học/nhân viên làm việc cho các cơ sở giáo dục đại học phải chiếm tỉ lệ đáng kể;

2/ Một đô thị có nhà trường đại học và toàn bộ cuộc sống đô thị (thể hiện qua các loại hình dịch vụ) xoay quanh các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học có mặt trên địa bàn. Trong cả hai cách nhìn nhận về đô thị đại học nói trên, ta thấy có 2 chủ thể chính: 1/ Đô thị (có tư cách pháp lí rõ ràng) như thị trấn hay thành phố; 2/ Một hay nhiều cơ sở giáo dục đại học nằm trong địa giới hành chính của đô thị đã nêu.

Trong quan hệ giữa 2 chủ thể đó, vai trò của nhà trường đại học đối với thành phố/thị trấn và sinh viên đối với dân cư tại chỗ luôn là vấn đề cần được quan tâm. Quan hệ giữa các cơ sở giáo dục đại học trong cùng đô thị đại học cũng có thể có ý nghĩa nhất định khi xem xét, đánh giá sự đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học đến sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, khu vực và quốc gia vì với mỗi loại hình cơ sở giáo dục đại học sẽ có những liên kết và tầm ảnh hưởng kinh tế khác nhau.

Còn tại Việt Nam, cách hiểu về đô thị đại học vẫn mang tính khép kín về công năng và quản lý, chưa quan tâm nhiều đến sự tương tác của các bộ phận trong đô thị đại học với các hoạt động kinh tế – xã hội khác bên ngoài nhà trường đại học.

Các nhà quản lý và quy hoạch quan tâm nhiều nhất đến các chức năng giáo dục và dịch vụ phục vụ sinh viên và những người đang làm việc bên trong cơ sở giáo dục đại học. Bản thân các mô tả về đô thị đại học ở Việt Nam chưa nhấn vào khía cạnh thể chế pháp lý đô thị của đô thị đại học.

Năm 2009, tại Quyết định số 999/QĐ-TTg Chính phủ đã phê duyệt việc xây dựng khu đại học Phố Hiến tại Hưng Yên gồm 700 ha dành cho xây dựng các cơ sở đào tạo và nghiên cứu cũng như các công trình phục vụ sinh viên và giảng viên/cán bộ và khoảng 300ha cho xây dựng đô thị.

"Tuy nhiên, đến nay mới có hai trường đại học triển khai. Các trường đại học ban đầu quan tâm đến việc xây dựng ở đây đã dần rút lui vì không đủ các kết nối giao thông với các trung tâm đô thị khác ở Đồng bằng Bắc Bộ", Tiến sĩ Phương nhận định.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay, khu đại học Nam Cao ở Hà Nam được thành lập theo Quyết định 1748/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô diện tích lên tới 1580 ha cũng là một trong những nỗ lực tạo lập không gian cho các cơ sở giáo dục đại học ở Đồng bằng Sông Hồng.

Đến nay, đã có 17 trường đại học đăng kí về đầu tư, trong đó có hai trường đang thực hiện giai đoạn 1 thi công dự án. Khu đô thị đại học này dự kiến sẽ góp phần vào việc di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, các dự án xây dựng khu đại học ở phía Bắc đến nay vẫn không có nhiều chuyển động, sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học đến các khu đô thị đại học mới này cho chúng ta thấy tư duy quản lí mới dừng ở xây dựng mới hạ tầng cho giáo dục mà chưa suy xét đến mối quan hệ kinh tế – xã hội của các khu đại học với các địa phương lân cận.

Chính điều này dẫn đến sự lệch pha trong điều kiện về giáo dục và điều kiện đảm bảo các hoạt động xã hội của sinh viên và giảng viên cũng như thiếu kết nối giữa các dịch vụ đào tạo và nghiên cứu với các cơ sở sử dụng tiềm năng, dẫn đến sự e ngại về khả năng hoạt động khi các cơ sở giáo dục đại học chuyển đến các đô thị đại học dạng này.

"Quan trọng nhất giữa các đô thị đại học là mối cộng sinh giữa nhà trường với môi trường độc lập xung quanh. Cộng đồng xung quanh sẽ cung cấp các dịch vụ, hoạt động cho nhà trường, đồng thời nhà trường cũng đóng góp vào sự phát triển thông qua những hoạt động kinh tế, các hoạt động khoa học công nghệ, khởi nghiệp…

Để tồn tại được phải có kết nối với giao thông, và kết nối với kinh tế, học thuật. Đây là ba lĩnh vực kết nối mà bất kì một đô thị nào cũng cần phải có. Phố Hiến của chúng ta yếu cả ba lĩnh vực trên", Tiến sĩ Phương đánh giá.

Tiến sĩ Phương cũng đặt câu hỏi về nhận định việc các trường đại học trong nội đô làm tắc nghẽn giao thông, trong khi đó ông thấy rằng, thực tế nhiều sinh viên vẫn lựa chọn phương tiện công cộng như xe buýt, đi học. Đồng thời nếu di dời trường đại học lớn như Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế quốc dân… ra khỏi nội thành và thay vào đó là khu đô thị thì liệu có còn tắc nghẽn hay không?

Mạnh Đoàn