Thiếu GV tích hợp KHTN, trường phải “vay” tiết lớp 8,9 để dạy tăng ở khối 6,7

26/12/2022 09:01
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Phải “vay” tiết của lớp 8,9 để dạy tăng tiết khối lớp 6,7 vì trường không có đủ giáo viên để dạy cùng lúc tất cả các khối” - một Hiệu trưởng cho biết.

“Vay” tiết của lớp 8,9 để dạy tăng tiết khối lớp 6,7

Liên quan đến triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều địa phương than khó trong việc sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Hoàng Thị Quê (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Khai - thành phố Hà Giang) cho biết: “Đối với môn tích hợp, Lịch sử và Địa lý thì tạm ổn hơn, còn với Khoa học tự nhiên hiện nay rất khó khăn. Vì nhà trường đang triển khai dạy theo logic và chủ đề.

Học sinh một trường trung học cơ sở tại Hà Giang. Ảnh: Mộc Trà.

Học sinh một trường trung học cơ sở tại Hà Giang. Ảnh: Mộc Trà.

Do đó, cô giáo dạy Hóa có thể dạy được Sinh ổn hơn, nhưng với môn Lý lại không liên quan đến, còn các cô giáo dạy Lý thì lại không được đào tạo môn Hóa và Sinh, nên trong quá trình dạy, nhà trường vẫn xếp thời khóa biểu theo kiểu phân công “tích hợp” 3 cô giáo của 3 phân môn.

Vì vậy, các kiến thức của mỗi môn Lý - Hóa - Sinh vẫn không dạy song song được mà dạy cuốn chiếu theo chủ đề.

Có những bài, cô giáo phải lên rất nhiều tiết. Ví dụ, 1 chủ đề của môn Sinh có khoảng 4 tiết, sau khi dạy hết chủ đề, sẽ chuyển sang dạy Lý hoặc Hóa. Cô giáo dạy Sinh đã dạy nhiều rồi, 24 tiết/tuần (vượt khoảng 5 tiết/tuần) thì tuần sau đó được nghỉ tiết ở lớp đó, các môn Hóa, Lý còn lại sẽ tăng tiết lên. Làm như vậy, mặc dù vẫn đảm bảo số tiết trong năm theo khung quy định, nhưng việc xếp lịch cho giáo viên rất vất vả. Năm nay do đã có kinh nghiệm hơn, nên khoảng 2-3 tuần mới phải đổi thời khóa biểu/lần, còn như năm học trước, hầu như mỗi tuần đều phải xếp lại thời khóa biểu”.

Chia sẻ về việc tập huấn cho giáo viên tích hợp, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Khai cho hay: “Tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để dạy được đúng tinh thần tích hợp 3 môn, các thầy cô còn trẻ có thể cập nhật được, nhưng đối với các thầy cô có tuổi, không có kiến thức giỏi về môn Lý thì không thể vừa dạy Lý vừa dạy Hóa vừa dạy Sinh, không thể cập nhật được ngay lập tức. Cần phải có quá trình, tích lũy kinh nghiệm lâu năm, tích lũy trong quá trình truyền tải đến học sinh...

Cô giáo Hoàng Thị Quê (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Khai - thành phố Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Cô giáo Hoàng Thị Quê (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Minh Khai - thành phố Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Vì thế, việc tập huấn để đáp ứng ngay trong giai đoạn này, nói thật là rất khó khăn, chỉ có thể tập huấn kiến thức cơ bản, còn với các kiến thức chuyên sâu rất khó”.

Vị Hiệu trưởng cũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, đang có lợi ở chỗ, khối 8 và 9 vẫn đang học chương trình cũ, số tiết ít hơn, nên nhà trường có thể “vay” tiết của khối 8,9 để tăng tiết cho khối 6,7 học gói gọn chủ đề theo chương trình mới trong một tuần.

Tức là, khi các cô dạy, nếu môn Sinh khối 7 đã được xếp 4 tiết/tuần, cô giáo sẽ được giảm tiết của khối 8,9, chẳng hạn đang từ 2 tiết giảm còn 1 tiết/tuần. Sau khi chủ đề của môn Sinh đã xong, nhà trường lại chuyển tiết, bù vào cho khối 8,9 để cho kịp chương trình.

Vẫn phải làm như vậy vì trường không có giáo viên để dạy đủ số tiết. Nếu dạy cùng lúc tất cả các khối thì không thể đảm bảo, nên hiện nay, phải linh hoạt nội dung này.

Các năm học tới, chắc chắn sẽ phải có phương án khác: Một là tuyển bổ sung giáo viên; hai là nếu không đủ giáo viên, thì tính đến học trực tuyến.

Hiện nay, các trường ở thành phố, đang chuẩn bị cơ sở vật chất để học trực tuyến để nếu không đủ giáo viên thì khi trường khác có giáo viên dạy tiết đó, học sinh trường này có thể học trực tuyến cùng một nội dung. Tất nhiên đó chỉ là giải pháp để tạm thời khắc phục nếu chúng ta vẫn thiếu giáo viên, còn dạy trực tiếp vẫn sẽ hiệu quả hơn”.

Thiếu giáo viên, áp dụng dạy trực tuyến từ đầu năm học

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt với các môn tích hợp cũng là nỗi khó khăn chung, ngành giáo dục các huyện đã có một số giải pháp tạm thời khắc phục tình trạng trên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: “Ngay từ cuối năm học 2021-2022, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai năm học mới 2022-2023. Như đối với tình trạng thiếu giáo viên, phòng đã tham mưu chuẩn bị đầy đủ phòng học trực tuyến giữa các trường, để các thầy cô lên lớp không phải đi lại nhiều, để có thời gian lên lớp nhiều hơn.

Đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hiện tại, các trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Ông Hà Đình Phong - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh: Mộc Trà.

Với môn Khoa học tự nhiên, việc xếp 2-3 thầy cô cùng dạy một môn thì có thể vẫn xếp được, nhưng khó khăn ở chỗ, 3 thầy cô cùng ra đề, cùng chấm một bài kiểm tra. Giả sử, thầy cô nào trước đây học cao đẳng Hóa - Sinh thì một mình có thể chấm 2 môn; nhưng thầy cô nào học đại học 4 năm chỉ học duy nhất một môn thì không chuyên sâu được.

Hiện tại, mỗi trường sẽ chủ động linh hoạt xếp thời khóa biểu, tùy điều kiện và khả năng sắp xếp để dạy theo cuốn chiếu hoặc dạy đan xen. Đến phân môn nào thì thầy cô dạy môn đó”.

Thầy Phạm Đức Hằng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tả Lủng (huyện Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ: “Tại địa phương, chưa có chương trình bồi dưỡng cho các thầy cô đối với riêng bộ môn tích hợp, vì vậy, để dạy được kiến thức cả 3 môn thì phải phân công dạy luân phiên, đến phân môn nào, giáo viên phân môn đó sẽ giảng dạy.

Vì thế, mỗi tuần nhà trường lại phải xây dựng một thời khóa biểu mới. Chẳng hạn, giáo viên dạy Lý không chỉ dạy riêng chương trình mới, mà còn dạy cả các lớp 8,9 theo chương trình cũ, nên vẫn phải sắp xếp song song, đảm bảo 2 chương trình. Chính vì vậy, giáo viên bây giờ đang rất thiếu, hiện tại, trường vẫn đang thiếu khoảng 3 giáo viên riêng với bộ môn tích hợp”.

Bên cạnh đó, vị Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: “Dù có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên, cũng rất khó để đảm bảo giáo viên có thể dạy được hết các kiến thức yêu cầu của cả 3 môn Lý - Hóa - Sinh.

Điều đó càng đòi hỏi quá trình tích lũy và tự nghiên cứu của các thầy cô, đặc biệt, các thầy cô phải tăng thời gian tự nghiên cứu hơn nữa. Chẳng hạn, trước đây, các thầy cô chỉ thức đến 10 giờ đêm, thì bây giờ, mỗi thầy cô phải thức đến 12 giờ đêm để nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, để tự trau dồi đáp ứng chương trình”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Văn cũng thông tin thêm: “Đặc biệt với giáo viên Tin học và Ngoại ngữ, đang thiếu rất nhiều. Cả huyện hiện có 24 giáo viên Ngoại ngữ (thiếu hơn 20 giáo viên), nên không thể đáp ứng, bắt buộc phải dạy theo hình thức trực tuyến.

Trực tuyến ở đây không phải là cô giáo của một trường dạy trực tuyến cho chính những học sinh của mình, mà là theo các lớp khác, chẳng hạn, cô giáo dạy ở lớp này, trường này, nhưng lớp khác hay trường khác thiếu giáo viên, vẫn có thể tham gia học qua hình thức trực tuyến.

Mô hình này đã được triển khai từ đầu năm học 2022-2023, hiện đang áp dụng cho khoảng 2-3 trường, tức là mỗi giáo viên phải đảm nhận dạy cho cùng lúc 2-3 trường. Đây cũng chỉ là giải pháp để tạm thời đáp ứng, cho học sinh được tham gia học Tin học và Ngoại ngữ, theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện để tiếp tục trang bị đầy đủ thiết bị học tập cho học sinh”.

Mộc Trà