Nếu nộp phạt 3 thu về 10, trường đại học sợ gì không tuyển vượt chỉ tiêu

29/12/2022 06:48
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các chuyên gia, việc trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, cần có cách thức xử lý nghiêm minh.

Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin với báo chí rằng đã xử phạt hành chính 78 trường đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2021.

Theo đó, một số cơ sở đào tạo vi phạm điển hình như: Trường ĐH FPT tuyển sinh vừa vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực, vừa tuyển sinh không đúng đề án đã công khai, vượt chỉ tiêu cả trình độ đại học cả trình độ thạc sĩ; hay Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi đều tuyển vượt và đã bị xử lý… (1)

Điều này cho thấy dù không được phép làm trái quy định nhưng một số trường đại học vẫn “vượt rào”, tuyển quá số chỉ tiêu được giao.

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: VNU)

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: VNU)

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo cũng như chất lượng giáo dục đại học nói chung.

Vì chúng ta căn cứ vào điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, các điều kiện bảo đảm chất lượng để đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo cho từng cơ sở giáo dục đại học.

Nếu chỉ có chừng đó giảng viên nhưng số lượng tuyển sinh vượt quá quy định thì sĩ số lớp học phải tăng lên, chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng. Quy định về chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng thì các trường phải đáp ứng, thực hiện. Đây cũng cũng là cam kết của cơ sở đào tạo với người học, với xã hội về chất lượng giáo dục của mình.

Lý do phải hạn chế số lượng tuyển sinh vì chỉ tiêu được giao đã tương ứng với năng lực đào tạo của nhà trường. Quy định đã đặt ra, các trường phải nghiêm túc thực hiện.

“Phải thực hiện theo quy định, nếu năm nay trường nào tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, năm sau sẽ bị trừ đúng số chỉ tiêu đã vượt quá, như vậy mới có thể cân bằng được quy mô đào tạo của trường đại học trong một giai đoạn nhất định.

Một khi trường đã tuyển sinh rồi, chúng ta không thể can thiệp vào số lượng sinh viên đã trúng tuyển, vì nó ảnh hưởng tới lợi ích của người học.

Nhưng chúng ta có thể cân bằng theo cách trừ chỉ tiêu vào năm sau. Cần thực hiện nghiêm túc biện pháp này, vì đây là cách xử lý vừa có lý vừa có tình”, Giáo sư Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Theo Giáo sư Thi, việc xử phạt hành chính không đủ sức răn đe. Cần xem xét lại cách thức xử phạt đối với những cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không đúng đề án đã công khai.

Việc ra quy định xử phạt như thế nào để phát huy hiệu quả là điều cần phải chú ý. Xử phạt không đơn thuần là một thủ tục mà phải làm sao để răn đe, để các trường chấp hành nghiêm các quy định cũng như điều kiện bảo đảm chất lượng.

Nếu vẫn chỉ xử phạt bằng tiền thì khó giải quyết được vấn đề, vì mức tiền nộp phạt là không đáng kể so với nguồn tiền thu về nếu vi phạm.

Cần phải có hình thức xử phạt mạnh tay hơn, hiệu quả hơn. Ngoài việc trừ chỉ tiêu vào năm học sau nếu năm học này tuyển sinh quá chỉ tiêu, với trường hợp đơn vị nào vi phạm nhiều lần, vượt chỉ tiêu quá cao thì có thể áp dụng hình thức đình chỉ tuyển sinh.

Chính vì vậy, đưa ra cách thức xử phạt như thế nào rất quan trọng, tương ứng với từng mức độ vi phạm khác nhau sẽ có cách thức xử phạt phù hợp, nhằm ngăn chặn những vi phạm tiếp diễn.

Khi đã có quy định chặt chẽ, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là phải giám sát được việc thực hiện của các trường đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh, Bộ cũng là cơ quan quản lý nhà nước do đó cần phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường một cách nghiêm túc và xử phạt những trường hợp vi phạm một cách nghiêm minh.

Cùng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, năng lực đào tạo của trường đại học có hạn nhưng lại tuyển sinh vượt quá năng lực của mình thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh)

“Việc này phải xử phạt thật nghiêm để răn đe và ngăn chặn những vi phạm tiếp diễn. Hiện nay, xử phạt hành chính là chưa đủ nghiêm, hơn nữa, tiền nộp phạt và tiền thu được là chênh lệch rất lớn, nên trường không sợ phải đóng phạt. Nếu nộp phạt chỉ có 3 mà thu về 10 thì họ không ngại vi phạm.

Nếu trường nào tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu cho phép, đặc biệt vượt quá với số lượng lớn thì cần phải cấm tuyển sinh. Vì khi đơn vị nào không đủ năng lực nhưng vẫn “làm liều” sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Tôi ủng hộ những giải pháp xử lý cứng rắn, nếu không ngành giáo dục sẽ đánh mất niềm tin của người học và làm mất uy tín của giáo dục đại học Việt Nam. Nếu đào tạo không bảo đảm chất lượng thì chúng ta cũng cần nhìn lại giá trị của bằng cấp.

Từ câu chuyện này, chúng ta phải nhìn rộng ra, không chỉ với tuyển sinh, đào tạo đại học mà ngay cả đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng phải quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng.

Nếu giáo dục chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng sẽ gây ra hậu quả khó lường. Chính vì vậy, không được buông lỏng quản lý chất lượng và phải có hướng xử lý đủ nghiêm minh với những trường hợp vi phạm”, Giáo sư Phạm Tất Dong khẳng định.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/kien-quyet-xu-ly-cac-truong-dai-hoc-bat-chap-tuyen-vuot-chi-tieu-i678811/

Căn cứ vào khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 10 Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, mức phạt vượt chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:

3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

4. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Kim Ngọc