Hiệu quả từ mô hình gắn kết 3 nhà “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp”

13/12/2022 07:44
Phạm Linh
GDVN- Nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa “nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp”, ngành GDNN Quảng Ninh đang từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, quyết định sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.

Chất lượng lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nhu cầu cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp FDI đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh là 735.000 người, hằng năm lực lượng lao động tỉnh Quảng Ninh cần bổ sung từ khoảng 30.000 đến 60.000 lao động.

Nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2025 cần 821,94 ngàn người; năm 2030 cần 874,25 ngàn người.

Nhằm đột phá về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội cùng mục tiêu tập trung thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, kinh tế tuần hoàn bền vững tại tỉnh Quảng Ninh.

Việc tăng cường sự liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

FLC Hotel Grand Hạ Long và Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng tổ chức lễ ký kết Chương trình Thỏa thuận hợp tác, cung ứng nguồn nhân lực (Ảnh: CTV)

FLC Hotel Grand Hạ Long và Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng tổ chức lễ ký kết Chương trình Thỏa thuận hợp tác, cung ứng nguồn nhân lực (Ảnh: CTV)

Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp các trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay, đồng thời đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động.

Trong những năm qua, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Quảng Ninh.

Việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng lấy đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài; tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiệu quả từ mô hình gắn kết giữa 3 nhà

Thời gian vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp.

Qua đó, công tác đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực; các hình thức hợp tác chủ yếu giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực. Nhà trường cùng với doanh nghiệp tiến hành sơ tuyển ban đầu để học sinh, sinh viên yên tâm học tập.

Nhà trường có trách nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thực tập và cam kết đầu ra đối với học sinh, sinh viên.

Biên bản hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp; tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp; giới thiệu học sinh, sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp xây dựng chương trình đào tạo.

Ngành giáo dục nghề nghiệp Quảng Ninh ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Ngành giáo dục nghề nghiệp Quảng Ninh ưu tiên tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn với thị trường lao động và doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Cụ thể, từ việc tham khảo tính chất công việc và vị trí việc làm của từng lĩnh vực nghề nghiệp trong doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo hoặc chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Đồng thời, gửi cho doanh nghiệp tham gia giáo trình, khung chương trình đào tạo; phối hợp với doanh nghiệp khảo sát nhu cầu lao động để xây dựng chương trình sát với các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Phối hợp bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động tại doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: đánh giá kỹ năng nghề, bồi dưỡng nâng bậc cho công nhân;

Cử cán bộ, nhà giáo đến tham quan dây chuyền sản xuất, hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp là hình thức được thực hiện thường xuyên, phổ biến nhất tại các cơ sở đào tạo nghề.

Chương trình hợp tác này được đánh giá cao nhất so với các nội dung khác, có ảnh hưởng nhiều nhất tới kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

Không riêng sự phối hợp từ phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp cũng đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên, nhà giáo thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những hoạt động hợp tác đa dạng với cơ sở đào tạo nghề (Ảnh: CTV)

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những hoạt động hợp tác đa dạng với cơ sở đào tạo nghề (Ảnh: CTV)

Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Với sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giới thiệu, cung ứng 10.384 lao động cho doanh nghiệp; phối hợp (hợp đồng đào tạo) tổ chức đào tạo 4.250 lao động cho các doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 67 nhà giáo; bồi dưỡng dưỡng kỹ năng nghề nâng bậc cho 2.790 lao động của doanh nghiệp và phối hợp xây dựng 27 chương trình đào tạo.

Phạm Linh