Cấm mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi: Hiệu trưởng THPT rất đồng tình

15/01/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Không cho thí sinh mang thiết bị thu, phát vào phòng thi có ưu điểm là chống gian lận, đạt mục đích cuối cùng nhằm đảm bảo chất lượng kỳ thi”, cô Hòa nói.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định liên quan đến trách nhiệm đối với thí sinh đã nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận.

Cụ thể, theo dự thảo, thứ nhất, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và Atlat Địa lý Việt Nam khi thi môn Địa lý.

Như vậy, so với quy chế hiện hành, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền phát tín hiệu.

Thứ hai, thí sinh không rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian tự luận, phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi. Với quy định hiện hành, thí sinh có thể rời phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Bàn về một số thay đổi trong dự thảo thông tư đối với trách nhiệm của thí sinh, lãnh đạo trường trung học phổ thông bày tỏ quan điểm đồng tình.

Ảnh minh họa: Phạm Linh.

Ảnh minh họa: Phạm Linh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Như Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Mường Khương (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) chia sẻ, dự thảo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số điểm sửa đổi, bổ sung liên quan đến thí sinh là hợp tình, hợp lý.

“Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo diễn ra công bằng, khách quan.

Nếu bản thân thí sinh, phụ huynh nhận thức và thực hiện nghiêm các quy chế thi thì cũng không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhiều người vẫn cho rằng, việc mang thiết bị thu, phát ghi hình vào phòng thi là thể hiện sự giám sát khách quan, nhưng theo tôi không hẳn như vậy vì còn xảy ra nhiều vấn đề khác nữa”, thầy Quỳnh cho biết.

Theo thầy Quỳnh, việc thí sinh không mang thiết bị ghi âm, ghi hình cho dù không kết nối ra bên ngoài là nhằm đảm bảo tính bảo mật, nghiêm túc và tránh nguy cơ tiềm ẩn gian lận, lộ đề thi.

Thực tế gần đây, với sự phát triển như vũ bão của thiết bị công nghệ số, chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng, thí sinh có thể thuê hoặc mua tai nghe, camera siêu nhỏ hay các thiết bị công nghệ cao khác để mang vào phòng thi, nhằm thực hiện hành vi gian lận thi cử.

Chính vì thế, trước nội dung dự thảo quy định mới của Bộ, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Huy (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có tính chất đặc biệt quan trọng nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả rất lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Huy, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Báo Tuyên Quang).

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Huy, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Báo Tuyên Quang).

Theo cô Hòa, quy định khu vực coi thi, chấm thi hay phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ và bảo quản thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ là phù hợp. Không cho thí sinh mang thiết bị thu, phát vào phòng thi có ưu điểm là chống gian lận, đạt mục đích cuối cùng nhằm đảm bảo chất lượng kỳ thi.

“Ưu điểm của quy định mới là không để xảy ra tình trạng gian lận trong kỳ thi. Về mặt khách quan, không thể cho thí sinh mang các thiết bị quay hình, ghi âm vào phòng thi được. Bởi vì theo tôi, khi mang các thiết bị này vào phòng thi, trong thời gian làm bài, thí sinh có thể sẽ thực hiện hành vi quay, chụp đề thi, đáp án rồi gửi, phát ra bên ngoài, giám thị không phát hiện ra thì hệ quả thế nào?”, cô Hòa nói.

Liên quan đến dự thảo quy định thí sinh “Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm, cô Hòa chia sẻ rằng, thời gian làm bài thi trắc nghiệm các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là 50 phút/môn, Tiếng Anh là 60 phút, thời gian quá ngắn nên để học sinh ra khỏi phòng thi sẽ không đảm bảo thời gian làm bài. Trong trường hợp bất khả kháng như thí sinh đi vệ sinh thì mới cho ra và cần có người giám sát (nhưng khó).

“Nếu không có quy định này thì thí sinh sẽ có lý do để xin ra khỏi phòng thi ồ ạt khiến cho giám thị, cán bộ coi thi không thể quản lý hết, tiếp tay cho hành vi gian lận.

Thứ nhất, bài thi trắc nghiệm diễn ra trong thời gian ngắn. Thứ hai, thi trắc nghiệm rất dễ trao đổi đáp án nếu trùng mã đề.

Ví dụ, bài thi trắc nghiệm, thí sinh trùng mã đề với nhau có thể thảo luận, chia sẻ đáp án rất nhanh vì chỉ cần lựa chọn đáp án A, B, C, D, hoặc gợi ý cho nhau theo từ khóa”, cô Hòa chia sẻ.

Liên quan đến thời gian thi tự luận tại dự thảo quy chế thi, cô Hòa cho hay, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi là quy định phù hợp.

Bởi, khi có thí sinh ra khỏi phòng thi sớm trong khi các thí sinh còn lại chưa kết thúc bài thi, rất có thể thí sinh này sẽ chụp đề thi, đáp án và phát tán lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè.

Chưa kể, sẽ có trường hợp thí sinh hoàn thành bài thi rất nhanh nhưng lại rất ẩu. Do vậy, việc quy định hết 2/3 thời gian thí sinh mới được ra khỏi phòng thi sẽ giúp các em có ý thức kiểm tra lại thông tin cá nhân ghi trên giấy thi, rà soát lại những câu trắc nghiệm không may bỏ sót…

Tiếp cận dưới góc độ thí sinh, khi được hỏi về quy định thí sinh không được mang thiết bị thu, phát thông tin vào phòng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em Trần Xuân Giao, hiện là học sinh lớp 12 của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Tới đây em sẽ tham gia thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Em cảm thấy quy định này sẽ giúp cho thí sinh tập trung vào bài thi của mình. Nếu mang các thiết bị như điện thoại, máy ghi hình vào phòng thi dù không sử dụng đến nhưng ít nhiều sẽ tạo tâm lý phụ thuộc cho thí sinh.

Hơn nữa, thử hỏi, các bạn đang làm bài thi, tự dưng có người khác bỏ máy quay ra quay hay chụp ảnh thì sẽ mất tự nhiên, khó tập trung làm bài tốt, chưa kể đến việc trao đổi đáp án online, lộ đề, nhờ người khác giải hộ”.

Ngọc Mai