Kiểm định chất lượng giáo dục đừng chỉ đi vào vấn đề hành chính, quy trình

29/01/2023 06:43
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung lưu ý, kiểm định chất lượng nên đi vào các vấn đề chuyên môn chứ không chỉ là những vấn đề về hành chính, quy trình.

Ngày 14/1/2022, Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030” khẳng định vai trò của kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, đặc biệt trong bối cảnh các trường thực hiện tự chủ như hiện nay.

Kiểm định và bảo đảm chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ sở giáo dục thực hiện cam kết chất lượng đối với xã hội và người học. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cùng với sự phát triển, các nhà trường cần chú trọng nâng cao văn hóa bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài.

Để hiểu rõ hơn về kiểm định chất lượng, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn (CEA-SAIGON).

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung. Ảnh: NVCC

Ra đời nhiều chính sách khẳng định vai trò của kiểm định chất lượng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, hiện nay ở Việt Nam, tự chủ đại học ngày càng được khẳng định và các chính sách nâng cao mức độ tự chủ đại học đang được Chính phủ và các Bộ, ngành, các trường quan tâm nhiều hơn, cùng với đó là các hướng dẫn cụ thể.

Phải khẳng định, tự chủ đại học đã giúp cho các nhà trường, ban giám hiệu, hội đồng trường phát huy được tính trách nhiệm xã hội của mình. Tự chủ đại học “giải phóng” cho các trường rất nhiều mặt để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng với việc tự chủ ngày càng cao thì nhiệm vụ giải trình và vấn đề giám sát của Nhà nước đối với các trường có vai trò then chốt. Nếu giao quyền tự chủ nhưng không thực hiện được vai trò giám sát, đánh giá, kiểm tra thì nguy cơ, chất lượng nhà trường đi xuống rất cao. Vì vậy, Nhà nước cần có công cụ hữu hiệu để giám sát.

Kiểm định chất lượng là một trong số những công cụ thực hiện được nhiệm vụ đó; đồng thời cũng là công cụ mà tất cả các nước đang sử dụng để yêu cầu các trường đại học có biện pháp duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

“Có thể nói rằng, kiểm định chất lượng đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển các trường đại học và là một công cụ của Nhà nước trong việc yêu cầu các trường vừa tự chủ vừa tự chịu trách nhiệm”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh.

Trong những năm qua, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, thể hiện ở việc ra đời rất nhiều chính sách quan trọng. Cụ thể, trong Luật Giáo dục đại học 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018; Luật Giáo dục 2019 có những điều, khoản yêu cầu các trường phải xem kiểm định chất lượng là một trong những công tác trọng tâm của nhà trường.

Thứ hai, sự ra đời của các trung tâm kiểm định chất lượng công lập, ngoài công lập và yêu cầu các trung tâm này phải độc lập với các trường đại học cũng cho thấy công tác kiểm định cần mang tính khách quan hơn.

Thứ ba, nước ta mở cửa cho một số trung tâm kiểm định, đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài để hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam. Điều này phù hợp với xu thế hội nhập.

Trước đây, trường đại học được vận hành, quản trị theo kinh nghiệm của các nhà chuyên môn nhiều hơn. Thông thường họ vận dụng các kinh nghiệm cũ, chưa được tập huấn bài bản cách quản trị đại học, cách sử dụng số liệu tin cậy và có giá trị làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định.

Chính vì vậy, khi tiếp cận và làm việc với các đơn vị, trung tâm kiểm định bên ngoài nhà trường, đặc biệt là các đơn vị nước ngoài sẽ là cơ hội để các trường đại học được tập huấn, nâng cao hiểu biết trong việc xây dựng chương trình đào tạo, quản trị nhà trường, kiểm tra đánh giá cơ sở vật chất và các điều kiện khác.

Bảo đảm chất lượng bên trong còn mang tính đối phó

Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn cho rằng, hoạt động kiểm định chất lượng dù đã đạt được một số kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại hạn chế, gặp khó trong quá trình triển khai thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: VNU

Ảnh minh họa. Nguồn: VNU

Việc thực hiện bảo đảm chất lượng bên trong còn mang tính đối phó với yêu cầu của bên ngoài chứ chưa phải là một nhu cầu tự thân với mục đích tự cải thiện chất lượng các sản phẩm đào tạo mà nhà trường cung cấp cho xã hội. Kiểm định chất lượng yêu cầu cần đạt những yếu tố nào thì trường đại học cố gắng đáp ứng yếu tố đó nhưng có trường hợp chưa hiểu rõ bản chất, cách làm máy móc dẫn tới không hiệu quả.

Nhân sự hoạt động trong toàn hệ thống đảm bảo chất lượng quốc gia tuy đã được tăng cường nhưng còn hạn chế về năng lực, số lượng. Khi các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng, ngành mới và quy mô sinh viên ngày một nhiều nhưng nhân sự về kiểm định chất lượng chưa được đầu tư tương xứng.

Những văn bản quy định về kiểm định chất lượng có sự chồng chéo, mâu thuẫn không chỉ gây khó trong việc các trường đáp ứng các tiêu chí mà còn khó cho các trung tâm, đơn vị kiểm định.

Hiện nay, chúng ta đưa ra nhiều văn bản chặt chẽ về các yếu tố kiểm định buộc các trường thực hiện theo nguyên tắc cố định. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học đang có xu hướng mở rộng chương trình đào tạo, thay đổi để phát triển tốt hơn thì những quy định cụ thể này lại trở thành yếu tố cản trở, nảy sinh tâm lý đối phó của các nhà trường.

Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung cho rằng, muốn chất lượng đại học đi lên thì các cơ sở giáo dục cần tăng cường văn hóa về bảo đảm chất lượng. Bản thân các cơ sở phải có một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong nhà trường. Nếu lực lượng bên trong không mạnh thì dù có công tác kiểm định chất lượng bên ngoài vào cũng không thể giúp cho cơ sở giáo dục phát triển toàn diện được.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2022-2025 hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao. [1]

Ngoài ra, tổ chức các dự án nhằm bồi dưỡng chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực. Các dự án này mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ trong việc đào tạo các chuyên gia kiểm định bên ngoài và chuyên gia bảo đảm chất lượng bên trong.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại các văn bản, chính sách quy định về kiểm định chất lượng giáo dục để hạn chế những mâu thuẫn, chồng chéo, giúp cho quá trình kiểm định được thuận lợi hơn.

“Bảo đảm và kiểm định chất lượng tạo ra sự phân luồng rất rõ ràng. Trường học hiểu đúng, sử dụng và đầu tư một cách hiệu quả thì kiểm định chất lượng sẽ giúp nâng cao sự chuyên nghiệp của những người quản trị, hỗ trợ việc điều hành cơ chế phức tạp như trường đại học được thuận lợi và đơn giản hơn. Cơ sở giáo dục đại học sẽ dễ dàng thực hiện được ba mục tiêu chính đó là dạy và học; nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.

Ngược lại, nếu lãnh đạo nhà trường không quan tâm đến chất lượng thực sự, coi kiểm định chỉ là một công cụ để đối phó Nhà nước thì sẽ nảy sinh những hạn chế nghiêm trọng, chất lượng giáo dục đi xuống”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung nói.

Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng Giáo dục Sài Gòn lưu ý, kiểm định chất lượng nên đi vào các vấn đề chuyên môn chứ không chỉ là những vấn đề về hành chính, quy trình. Như với các đơn vị kiểm định nước ngoài họ làm theo nguyên tắc tập trung vào tính hiệu quả và chất lượng người học.

“Tôi nghĩ rằng kiểm định chất lượng giáo dục cần tập trung vào các vấn đề có liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng việc phát triển chuyên môn nghề nghiệp, nghiên cứu chính sách và phục vụ cộng đồng. Những tiêu chí/yếu tố về mặt hành chính thì đã có các đơn vị thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát.

Vì vậy, chúng ta cần có các tiêu chuẩn, tiêu chí hợp lý, vừa đủ và không quá nặng nề, phù hợp với xu thế cải tiến chất lượng giáo dục đại học trên thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung kiến nghị.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nguon-nhan-luc/phat-trien-he-thong-bao-dam-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-cao-dang-su-pham.html

Anh Trang