40 năm đi dạy, tôi nghiệm ra hiệu trưởng quản lý thiếu dân chủ dễ sinh bè phái

21/01/2023 06:48
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có hướng dẫn quy trình bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên cả nước, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi kiểu.

Sau bài viết “HT THPT Lương Văn Can cách chức 9 người vì không bỏ phiếu tín nhiệm hiệu phó” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải, bạn đọc nói chung, giáo viên nói riêng rất bất bình, bức xúc.

Thầy Nguyễn Sĩ Trung, giáo viên một tỉnh phía nam chia sẻ: “Tôi đọc bài báo nhiều lần, chia sẻ trên mạng xã hội, coi như là hình thức để “chia sẻ” cùng quý thầy cô bị “cách chức” tổ trưởng, tổ phó, thư ký.

Giáo viên nghỉ dạy có khi không phải chỉ vì lương thấp, còn vì trường học không hạnh phúc, lãnh đạo tự cho mình luôn luôn đúng, không tôn trọng ý kiến của giáo viên, đó là một thực tế, đã và đang xảy ra.

Chính vì thế, giáo viên thường phản kháng khi bỏ phiếu kín, đó là cách duy nhất giáo viên “lên tiếng” an toàn, khi mà "đấu tranh thì tránh đâu", vì thế, không ít hiệu trưởng lầm tưởng giáo viên "nín" nên lấn tới, coi mình như "vua con".

Trong trường học, hiệu trưởng quản lý thiếu dân chủ, dễ sinh bè phái, đó là sự thật tôi thấy sau khi đi dạy học gần 40 năm qua.

Chính sự “o ép” của lãnh đạo đã vô hình trung tạo ra sự chống đối ngầm, chống đối chính hiệu phó, hiệu trưởng, khi có dịp bỏ phiếu kín, nên khi thăm dò ý kiến tín nhiệm, lãnh đạo độc đoán thường có số phiếu tín nhiệm thấp.

Những người “bất mãn” với “chế độ” do lãnh đạo nhà trường đặt ra cùng “tần số”, nên tập hợp làm “cách mạng”, sinh bè phái là điều dễ hiểu.

Vì vậy, muốn xóa tệ nạn bè phái phải bắt đầu từ hiệu trưởng, hiệu trưởng công tâm, minh bạch, tệ nạn bè phái nói riêng, các tiêu cực khác nói chung trong trường học tự biến mất, hoặc suy giảm.

Hiệu trưởng mệnh lệnh hóa, văn bản hóa, không lắng nghe, chia sẻ cùng giáo viên, lãnh đạo nhà trường dựa trên quyền lực, sẽ không bao giờ có trường học hạnh phúc.

Trong nhà trường hiện nay, hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ, nên hiệu trưởng phải là hạt nhân đoàn kết, chứ không phải ai khác, nhà trường lủng củng nội bộ, mất đoàn kết, trách nhiệm đầu tiên phải là hiệu trưởng.

Tôi rất buồn khi phải đọc những thông tin như thế này, dù nó là sự thật, nhưng tôi rất cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin.

Thông tin chính xác, kịp thời của quý báo về những phản ánh, tiếng nói của giáo viên trong nhà trường cũng là cách góp ý, xây dựng ngành giáo dục, là bài học kinh nghiệm cho chính hiệu trưởng và cả chính giáo viên”.

Nhà trường nên làm công tác bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó như thế nào cho hợp tình, hợp lý

Đầu năm học 2022-2023, trường người viết công tác khuyết 3 chức danh, 01 tổ trưởng, 02 tổ phó, do giáo viên nghỉ hưu và chuyển công tác.

Để bổ nhiệm 01 tổ trưởng, 02 tổ phó, trường tôi làm theo quy trình như sau:

Bước 1: hiệu trưởng nhờ 01 tổ trưởng, 02 tổ phó cũ đề xuất nhân sự.

Bước 2: hiệu trưởng lên lịch cho tổ chuyên môn họp, cho tổ viên thảo luận, đề xuất nhân sự hay tự ứng cử.

Bước 3: các thành viên bỏ phiếu tín nhiệm, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là kênh quan trọng để hiệu trưởng bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

Kết quả bỏ phiếu được công khai ngay tại cuộc họp của tổ, nếu các ứng viên có số phiếu bằng nhau, sẽ quyết định bằng phiếu của hiệu trưởng và hiệu phó.

Sau khi có kết quả bầu tổ trưởng, tổ phó của tổ chuyên môn, hiệu trưởng ban hành quyết định bổ nhiệm.

Quy trình bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó đã có bàn thảo, có tiêu chuẩn ở cuộc họp hội đồng trước đó ai có ý kiến thì đóng góp, xây dựng.

Chính vì thế, tổ trưởng, tổ phó, được tín nhiệm, dễ chỉ đạo và điều hành công việc trong tổ, nói có người nghe, không răn đe nhưng có người sợ, người nể, người trọng.

Sau khi hết nhiệm kì, nếu tổ hoạt động bình thường, không có ai có ýkiến gì, hiệu trưởng sẽ ký quyết định tái bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

Trường hợp có vấn đề, các cơ quan đoàn thể sẽ họp cùng tổ, lắng nghe ý kiến các phía, rút kinh nghiệm, cần thiết thì bỏ phiếu tín nhiệm.

Nếu số phiếu tín nhiệm dưới 70%, nhà trường sẽ tiến hành quy trình bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

Đã hàng chục năm nay, quy trình bổ nhiệm của trường người viết công tác đã được áp dụng trên nhiều trường khác, tuyệt đối không có “dư âm” sau khi bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Không phải giáo viên nào cũng muốn làm tổ trưởng, tổ phó

Trong quá trình đề cử, giới thiệu nhân sự để bình bầu, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó, không ít người từ chối nhận nhiệm vụ. Cũng có giáo viên đang là tổ trưởng, tổ phó, cũng làm đơn xin nghỉ tổ trưởng, tổ phó.

Thầy giáo Nguyễn Hà Trung, người từ chối làm tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên đầu năm học 2022-2023 này, chia sẻ: “Làm giáo viên đã áp lực, kiêm thêm tổ trưởng, tổ phó áp lực gấp bội phần, công việc gì cũng tới tay tổ trưởng.

Nhiệm vụ thì nhiều, quyền lợi cũng chẳng đáng bao nhiêu, nên tôi xin nghỉ, đề nghị nhà trường chọn người khác”.

Tổ chuyên môn có nhiệm vụ gì mà làm tổ trưởng, tổ phó áp lực vậy?

Khoản 2 Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ: Tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

d) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

3. Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.[1]

Nhiệm vụ tổ chuyên môn nặng nề, chẳng kém phó hiệu trưởng là mấy, nên cần người có tâm, có tầm, tận tụy với công việc để thực hiện, nhưng trước hết là sự chia sẻ, động viên của hiệu trưởng, sự tin tưởng của anh em trong tổ.

Tổ chuyên môn là cánh tay nối dài của hiệu trưởng, tổ chuyên môn làm việc tốt, hiệu quả, hiệu trưởng sẽ nhàn nhã và ngược lại.

Chọn được nhân sự tổ trưởng, tổ phó tốt, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, còn tạo ra đội ngũ cán bộ kế cận có chất lượng.

Vì vậy, cần có "chuẩn" tổ trưởng, tổ phó, có hướng dẫn quy trình bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó, thống nhất trên cả nước, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi nơi mỗi kiểu.

Hướng dẫn quy trình bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó thống nhất trên cả nước, góp phần tăng hiệu quả trong xây dựng trường học hạnh phúc, sẽ tránh được những điều không đáng xảy ra, gây mất uy tín trường học nói riêng, ngành giáo dục nói chung.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai