Sách giáo khoa có "sạn", lẽ nào Hội đồng thẩm định cứ an yên?

22/03/2023 06:48
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau mỗi sự cố về sách giáo khoa không thấy ai trong Hội đồng thẩm định lên tiếng và ai bị kỷ luật hay chịu bất kỳ một hình thức nhắc nhở nào.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 và đến năm học 2022-2023 này đã triển khai đến lớp 3, lớp 6 và lớp 10. Theo lộ trình cuốn chiếu, đến năm học 2024-2025 sẽ thực hiện xong ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Điều mà dư luận đã thấy là sách giáo khoa chương trình 2018 có những sơ suất mà mọi người hay gọi là “sạn” đã được phát hiện khá nhiều ở 5 bộ sách giáo khoa trong năm học đầu tiên triển khai và 3 bộ sách giáo khoa hiện nay.

“Sạn” đến nỗi mà ngay năm học đầu tiên, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (bộ Cánh Diều) phải phát hành tài liệu bổ sung cho những trường học sử dụng bộ sách này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không phải phát hành tài liệu bổ sung nhưng khi tự rà soát cũng đã phát hiện ra nhiều lỗi phải chỉnh sửa, bổ sung ở năm học sau.

Để xảy ra tình trạng này, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ở đâu mà để xảy ra những lỗi đáng tiếc như vậy? Hội đồng thẩm định không phát hiện ra “sạn” hay đã phát hiện ra “sạn” mà các tác giả sách giáo khoa, nhà xuất bản không sửa?

Ảnh minh họa: P.L.

Ảnh minh họa: P.L.

Khi “người gác đền” không hoặc chưa phát hiện ra lỗi ở sách giáo khoa?

Mặc dù, ai cũng biết công việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông là “làm dâu trăm họ” rất khó khăn và chịu rất nhiều áp lực bởi vì khi những sản phẩm này đến tay người dạy, người học vẫn còn gặp rất nhiều những lời thị phi từ dư luận.

Những người làm công tác biên soạn sách giáo khoa- nhất là những môn học nhiều tiết như môn Tiếng Việt (tiểu học), Ngữ văn (trung học cơ sở, trung học phổ thông) và những môn học mới như Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên lại càng khó khăn hơn.

Cũng chính vì thế, Bộ đã chủ trương các khâu thực hiện sách giáo khoa hiện trải qua nhiều vòng kiểm duyệt. Đầu tiên là tác giả sách giáo khoa biên soạn, chỉnh sửa; biên tập của nhà xuất bản; thẩm định của Hội động thẩm định; góp ý của giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà; Bộ phê duyệt; các nhà xuất bản in ấn, phát hành đến các nhà trường.

Một vòng tròn khép kín về biên soạn, biên tập, thẩm định nhiều vòng như vậy nhưng vẫn có những lỗi xảy ra không chỉ ở một đầu sách mà ở nhiều đầu sách của các bộ sách giáo khoa chương trình mới đều có “sạn” và đã được các chuyên gia, nhà giáo phát hiện trong thời gian qua.

Để xảy ra “sạn” trong sách giáo khoa, không thể không nói đến vai trò của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Bởi lẽ, đây là Hội đồng làm việc độc lập, riêng biệt, được ngân sách nhà nước chi trả chế độ thẩm định đối với từng tiết trong mỗi cuốn sách giáo khoa.

Điều này được thể hiện rõ trong Thông tư số 29/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cụ thể như sau:

1. Nội dung và mức chi thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông:

Mức chi tiền công họp thẩm định đối với Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Tối đa 200.000 đồng/người/buổi; đối với Phó Chủ tịch, ủy viên, thư ký Hội đồng thẩm định: Tối đa 150.000 đồng/người/buổi.

Chi tiền công đọc thẩm định tài liệu trước phiên họp cho thành viên Hội đồng thẩm định: tối đa 50.000 đồng/tiết/người.

Chi tiền công chuyên gia: Căn cứ đề xuất của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và dự toán được giao thực hiện nhiệm vụ thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định việc xin ý kiến chuyên môn của chuyên gia là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các bản mẫu sách giáo khoa cần tổ chức thẩm định. Mức chi tiền công xin ý kiến chuyên gia tối đa 50.000 đồng/tiết/cá nhân (cơ quan, đơn vị, tổ chức).

2. Nguồn kinh phí thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, những thành viên trong Hội đồng thẩm định còn được thanh toán tiền đi lại, ăn ở… theo hướng dẫn của Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. [1]

Như vậy, để thẩm định được một cuốn sách giáo khoa, ngân sách nhà nước đã chi khá nhiều tiền để những thành viên trong Hội đồng tìm ra những đơn vị kiến thức, từ ngữ chưa phù hợp để yêu cầu tác giả thay thế, chỉnh sửa.

Chẳng hạn, khi thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thì Hội đồng thẩm định có tới 15 thành viên [2] cùng thẩm định. Điều này cho thấy Bộ đã rất chú trọng và tin tưởng vào Hội đồng thẩm định để hạn chế tối đa những sai sót.

Thế nhưng, không hiểu sao những Hội đồng thẩm định này vẫn để xảy ra những sai sót, hạn chế trong nhiều cuốn sách giáo khoa mà dư luận đã chứng kiến trong thời gian qua.

Những con số biết nói về “sạn” trong sách giáo khoa

Ngay trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Thế nhưng, đã có tới 20 tỉnh đặt bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC.

Theo đại diện đơn vị biên soạn sách “Cánh Diều” (ở thời điểm năm học 2020-2021) nhận được thông báo đặt sách của 20 sở giáo dục đào tạo. Với 20 tỉnh đầu tiên, các đơn vị làm bộ sách này đang chuẩn bị cung ứng 3 triệu bản sách.

Nhiều địa phương có tỉ lệ chọn bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” cao như: 100% các trường ở tỉnh Long An chọn toàn bộ 9 quyển (Toán 1, Tiếng Việt 1, Tự nhiên và Xã hội 1, Đạo đức 1, Âm nhạc 1, Mĩ thuật 1, Giáo dục thể chất 1) và hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm 1).

Ở Sơn La 100% trường chọn sách giáo khoa 5 môn: Toán, Đạo đức, Âm nhạc, Giáo dục Thể chất, Hoạt động trải nghiệm. Tại Phú Thọ 100% trường chọn sách giáo khoa bốn môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội và Giáo dục Thể chất.

Thái Nguyên 100% trường chọn sách giáo khoa 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên Xã hội. Tương tự tại Nam Định 100% trường chọn sách giáo khoa hai môn: Tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội.

Tỉ lệ chọn sách giáo khoa "Cánh Diều" tính theo số học sinh ở nhiều tỉnh khác cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86 %, Thái Bình: 64,08%, Hậu Giang 77%...” [3].

Điều này cho thấy, khi sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) thì các đơn vị chủ quản phải in bổ sung hàng trăm ngàn cuốn tài liệu Tiếng Việt để gửi đến các địa phương, các nhà trường. Đồng thời, cuốn sách này cũng phải chỉnh sửa, bổ sung lại trong lần tái bản sau và những sách giáo khoa năm đầu tiên học xong không thể sử dụng vào năm tiếp theo.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì việc phải hủy, chỉnh sửa lại sách giáo khoa cũng lên đến con số hàng trăm ngàn cuốn.

Điều này thể hiện rõ vào ngày 12/01/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 104/BGĐT-GDTrH trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy.

Trong công văn này, Bộ đã thông tin: “Khi tiếp nhận báo cáo của các nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung theo phản ánh.

Đối với sách giáo khoa Khoa học tự nhiên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngay sau khi nhận được góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học, Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của môn học đó kịp thời điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh sửa và hướng dẫn giáo viên lưu ý vấn đề này trong sách giáo viên Khoa học tự nhiên 6.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; rà soát, đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lí 6 và một số môn học khác”. [4]

Rõ ràng, việc các nhà xuất bản phải chỉnh sửa, bổ sung khi tái bản hoặc phải hủy sách giáo khoa là một điều vô cùng lãng phí- cho dù sách giáo khoa của chương trình 2018 là chủ trương xã hội hóa. Nhưng, một khi kinh doanh thì các đơn vị này phải tính vào giá thành cho các lần tái bản sau chứ không bao giờ họ chịu lỗ.

Việc sách giáo khoa có “sạn” có một phần trách nhiệm rất lớn của Hội đồng thẩm định khi họ đã không phát hiện ra những lỗi cơ bản hoặc lỗi sơ đẳng từ nội dung kiến thức môn học. Vì thế, sách giáo khoa đã giảm đi chất lượng và người chịu thiệt nhất là học trò.

Nhiều sách giáo khoa phụ huynh, nhà trường mua xong nhưng không thể sử dụng vào năm sau vì “sạn” đã được nhà xuất bản chỉnh sửa, bổ sung. Ngân sách nhà nước thì đầu tư rất nhiều tiền để chi trả chế độ cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa.

Thế nhưng, sau mỗi sự cố về sách giáo khoa thì không thấy một vị nào trong Hội đồng thẩm định lên tiếng và cũng chưa nghe ai bị kỷ luật hay chịu bất kỳ một hình thức nhắc nhở nào.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dongthap.edu.vn/tin-tuc2/bo-tai-chinh-huong-dan-kinh-phi-tham-dinh-sach-giao-khoa-gia.html

[2] https://vnexpress.net/13-tieu-chi-tham-dinh-sach-giao-khoa-3981572.html

[3]https://khoinghieptre.tuoitrethudo.com.vn/cac-dia-phuong-chay-dua-lua-chon-sach-giao-khoa-lop-1-cho-nam-hoc-2020-2021-9493.html

[4] https://giaoduc.net.vn/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-thu-hoi-110000-cuon-sgk-de-sua-chua-post225318.gd

NHẬT DUY