Đà Nẵng chỉ ra vướng mắc khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

08/02/2023 07:26
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp khó khăn trong tổ chức dạy học các môn nghệ thuật do thiếu giáo viên cục bộ.

Ngày 7/2, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân thành phố để giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì.

Vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập

Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có tác động tích cực rất lớn đối với giáo dục phổ thông.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: AN

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: AN

Giúp chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học; chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.

“Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã tạo được những chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục ngày được quan tâm đầu tư, môi trường học tập của học sinh được cải thiện.

Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý giáo dục, năng lực giáo viên và chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng nâng cao. Từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân cũng như cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục”, ông Chinh nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng nêu ra những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn.

Đó là việc tổ chức dạy học các môn nghệ thuật còn nhiều trở ngại do thiếu giáo viên cục bộ; tỉ lệ học sinh trên lớp ở một số cơ sở giáo dục còn cao so với sĩ số quy định; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học còn chậm;

Chưa tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên để dạy học các môn học/hoạt động giáo dục mới như môn Khoa học tự nhiên đối với cấp trung học cơ sở, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) đối với cấp trung học phổ thông... Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại thành phố.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thì việc thực hiện chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các cán bộ quản lý.

Một số giáo viên còn ngại đổi mới, tiếp cận và thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực chưa hiệu quả; chưa mạnh dạn xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng thời với việc đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên theo Luật Giáo dục 2019 đã ảnh hưởng đến thời gian của một số thầy cô do vừa phải đi dạy vừa phải đi học.

Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng và kéo dài trên địa bàn đã tác động đến tâm lý của học sinh. Điều kiện học tập trực tuyến của một bộ phận học sinh chưa đảm bảo.

Ngoài ra, một số ít đơn vị, trường học phải dùng phòng chức năng làm phòng học. Trang thiết bị dạy học cho lớp 2, lớp 6 chưa được mua sắm kịp thời. Việc tổ chức góp ý, lựa chọn, tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần nhiều thời gian hơn để đảm bảo hiệu quả...

Khắc phục khó khăn để thực hiện

Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đánh giá cao những nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện nội dung đổi mới chương trình, sách giáo khoa của ngành Giáo dục.

Qua đó khẳng định, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cơ bản phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Qua hoạt động giám sát trực tiếp tại một số trường, một số địa phương, cũng như làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố cho thấy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Đây là cơ sở để kiến nghị với Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 như thế nào. Từ đó, hướng đến việc ổn định chính sách phát triển giáo dục như mong muốn, đề xuất của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố”, ông Quảng cho hay.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố phản ánh đầy đủ các mặt đạt được cũng như các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình.

Trong đó tập trung làm rõ hơn hai nhóm vấn đề chính gồm: khó khăn, vướng mắc về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học (bao gồm hạ tầng trường lớp và các trang thiết bị phục vụ dạy - học) và khó khăn về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Ông Quảng cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, rà soát về thực trạng, nhu cầu biên chế phục vụ cho công tác giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh biên chế thừa thiếu cục bộ giữa các đơn vị, địa phương và cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

“Đã đến lúc chúng ta cần phải bàn đến việc có cơ chế linh hoạt hơn cho việc điều chỉnh giáo viên giữa các cơ sở giáo dục và giữa các địa phương với nhau”, ông Quảng nói.

AN NGUYÊN