Lạng Sơn đề nghị tuyển dụng không qua thi tuyển đối với SV sư phạm diện NĐ116

23/02/2023 06:44
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lạng Sơn đề nghị cho hợp đồng GV để thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” đối với trường hợp không được giao bổ sung biên chế.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, những năm qua, với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiến độ và cho thấy hiệu quả bước đầu khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022, tỉnh Lạng Sơn nêu khó khăn và kiến nghị về quá trình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phòng Giáo dục và đạo tạo thành phố Lạng Sơn

Học sinh Trường Trung học cơ sở Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Phòng Giáo dục và đạo tạo thành phố Lạng Sơn

Đánh giá tính khả thi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, việc triển khai tương đối thuận lợi, được sự ủng hộ đồng thuận của toàn xã hội. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ dạy học, nhất là ở lớp 3, 7, 10 còn khó khăn trong khâu thẩm định giá, đấu thầu; số lượng đơn vị có khả năng cung cấp thiết bị còn hạn chế nên việc trang bị thiết bị dạy học còn chậm.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nơi điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên học sinh bị hạn chế về cơ hội tiếp cận với khoa học, công nghệ, thiết bị hiện đại, năng lực thực hành. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp còn gặp khó khăn ở nhiều phương diện. Trong nội dung sách giáo khoa chương trình mới, tính vùng miền theo yêu cầu chưa rõ, nhất là vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Bàn về công tác thực hiện lựa chọn sách giáo khoa, theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, chất lượng sách giáo khoa đảm bảo đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cấu trúc các bộ sách, ngữ liệu trong sách có sự khác nhau, một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh của tỉnh Lạng Sơn. Đối với gia đình vùng khó, việc mua sách cho con em còn gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm hiện nay, Lạng Sơn là một trong số ít tỉnh hoàn thiện sớm tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Song, việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương sau phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp khó khăn do không có đơn vị thẩm định giá phát hành tài liệu. Do vậy, giáo viên, học sinh hiện phải sử dụng bản điện tử, bản phô tô không đảm bảo cho tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương.

Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 10 đang được sử dụng bản nội bộ, bản điện tử; tài liệu lớp 6 bản giấy được cấp phát cho 100% các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 bản giấy cấp cho 100% các trường thuộc 03 huyện thụ hưởng dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2, gồm có các huyện Bình Gia, Cao Lộc, Đình Lập.

Đối với các huyện còn lại và thành phố Lạng Sơn, do khó khăn trong việc định giá, công tác in ấn nên các trường sử dụng bản nội bộ, bản điện tử phục vụ dạy và học tại các trường học.

Thực hiện một số văn bản còn gặp khó khăn

Theo báo cáo, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn còn nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, và thực hiện các văn bản quy định về triển khai chương trình mới.

Thứ nhất, về đội ngũ.

Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên chưa đồng đều, cơ cấu đội ngũ còn chưa thực sự cân đối (thừa giáo viên một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; thiếu giáo viên môn văn hóa, Tin học, Tiếng Anh).

Một số giáo viên chưa tiếp cận kịp thời với những đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, thiếu chủ động, linh hoạt trong xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học. Một số cơ sở giáo dục còn có lớp ghép với các trình độ khác nhau ở cấp tiểu học làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy.

Số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đạt chuẩn còn chiếm tỷ lệ đáng kể, trong khi công tác đào tạo, bồi dưỡng phải tiến hành song song với tổ chức dạy học trong điều kiện thiếu giáo viên. Mặt khác, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học chưa thực sự hiệu quả do thiếu nguồn tuyển giáo viên. Chính sách thu hút giáo viên, tiền lương chưa đảm bảo cho giáo viên an tâm công tác ở những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Thứ hai, về cơ sở vật chất.

Điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường, điểm trường còn thiếu thốn, chưa có phòng học bộ môn, phòng chức năng; thiếu đồ dùng, thiết bị dạy học ở một số bộ môn như: Tiếng Anh, Tin học. Nhiều điểm trường lẻ không có mạng Internet hoặc chất lượng đường truyền kém, thiếu thiết bị nên khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tài liệu bổ trợ.

Hiện nay, tỷ lệ phòng học chưa được kiên cố hóa còn khoảng 20%. Việc tổ chức mua sắm trang thiết bị gặp khó khăn do việc thẩm định giá thấp hoặc không có đơn vị đảm nhận thẩm định giá do thiết bị giáo dục không sẵn có trên thị trường dẫn đến phải hủy gói thầu thiết bị.

Thứ ba, về công tác bồi dưỡng

Việc triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ yếu bằng hình thức trực tuyến nên giáo viên ít tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới và tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới. Đối với giáo viên, cán bộ quản lý công tác tại các trường, điểm trường vùng khó khăn việc cập nhật kiến thức công nghệ thông tin còn yếu, đường truyền Internet còn hạn chế.

Đối với công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên hằng năm gặp khó khăn về kinh phí biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp.

Thứ tư, thực hiện một số văn bản của Trung ương còn gặp khó khăn

Đầu tiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có liên quan đến chế độ chính sách của người dân ở một số thôn, xã, đã ảnh hưởng đến công tác huy động ra lớp; việc duy trì hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú; điều kiện sinh hoạt và học tập của đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh đó, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học còn khó khăn do tỉnh thiếu giáo viên giảng dạy, trong khi một bộ phận giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn dẫn đến việc bố trí giáo viên ở một số cơ sở giáo dục khó khăn.

Thêm nữa, việc triển khai các Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, 38/2021/TT-BGDĐT, 39/2021/TT-BGDĐT gặp khó khăn do thiết bị không có sẵn trên thị trường, số lượng nhà cung cấp ít, việc thẩm định giá không thực hiện được dẫn đến chậm trang bị thiết bị dạy học cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chưa kể, công văn số 6220/BGDĐT-KHTC ngày 25/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hướng dẫn cụ thể việc định giá, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức tổng hợp, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng (theo Công văn số 5687/BGDĐT-KHTC ngày 28/10/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) song chưa có hướng dẫn thêm công tác mua sắm, trang bị sách giáo khoa cho thư viện các nhà trường.

Đề nghị cho hợp đồng lao động với trường hợp không được giao bổ sung biên chế

Do vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, trên cơ sở ưu điểm và hạn chế tồn tại, tỉnh Lạng Sơn đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, Quốc hội xem xét, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập. Quan tâm có chế độ, chính sách ưu đãi, cải cách tiền lương đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhất là cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý giáo dục.

Hai là, sửa đổi Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, tại điểm b) khoản 1 Điều 4, quy định: “Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo”

Đề nghị sửa lại thành: “là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú và định cư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo”.

Xem xét nâng mức hỗ trợ để bảo đảm phù hợp hơn. Bởi, hiện nay mỗi học sinh được hỗ trợ hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Định mức hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh. Vậy trường hợp dưới 30 học sinh cần có hướng dẫn hoặc giao cho tỉnh quy định cụ thể.

Ba là, sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Trong đó, công tác tuyển dụng sinh viên đăng ký hưởng chính sách cần có cơ chế tuyển dụng không qua thi tuyển đối với đối tượng sinh viên đào tạo theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP sau khi tốt nghiệp (hiện đối tượng này vẫn phải qua kỳ thi tuyển dụng theo quy định).

Cũng theo quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, trường hợp phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ là “sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp”. Do vậy, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đề nghị có chỉ đạo, hướng dẫn thêm về việc bồi hoàn kinh phí đối với trường hợp sinh viên dự tuyển 2 năm liên tục không trúng tuyển.

Cấp ngân sách triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên những năm tiếp theo để thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP cho địa phương do ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn.

Bốn là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục theo định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐTBNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Năm là, kịp thời ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 giữa Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Bởi, tại khoản 2 Điều 2 quy định mức học bổng mỗi học sinh/tháng bằng “80% mức lương tối thiểu của Nhà nước” là thấp, không đảm bảo cho nấu ăn cho học sinh.

Hay tại khoản 4 Điều 2 quy định trang cấp hiện vật: chăn bông cá nhân, áo bông, nilon đi mưa... là không phù hợp với thực tế hiện nay.

Sáu là, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với hệ thống trường phổ thông có nhiều cấp học về thực hiện các hoạt động, chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên, nhân viên...

Bảy là, hàng năm, đề nghị các cấp có thẩm quyền giao bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hợp không được giao bổ sung biên chế, đề nghị cho hợp đồng lao động theo các văn bản quy định của nhà nước để bảo đảm thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Tám là, có hướng dẫn cụ thể đối với việc đưa Quyền con người tích hợp trong chương trình giáo dục theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 và Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngọc Mai