Cùng với quy hoạch cơ sở GDNN, cần sắp xếp lại hệ thống các ngành nghề đào tạo

24/02/2023 06:46
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo các chuyên gia, cần có bộ tiêu chí đảm bảo một cơ sở GDNN chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển của của đất nước.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến 31/12/2022, cả nước có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tăng 01 cơ sở so với năm 2021), trong đó: 410 trường cao đẳng (96 trường ngoài công lập, chiếm 23,4%), tăng 03 cơ sở so với năm 2021; có 437 trường trung cấp (229 trường ngoài công lập, chiếm 52,4%), giảm 02 cơ sở so với năm 2021; có 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (358 trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, chiếm 33,8%).

Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 683 cơ sở, chiếm 35,8%, đạt mục tiêu Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ. Năm 2022, khối giáo dục nghề nghiệp trong cả nước tuyển sinh được 2.259.140 người. [1]

Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ngày càng được chú trọng quan tâm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động. Điều này thể hiện rõ qua con số hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, nhiều người sau khi tốt nghiệp ra trường đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. [2]

Từ những thành tựu đạt được và với mong muốn giáo dục nghề nghiệp nước ta thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay:

“Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của nước ta trong nhiều năm nay là hướng tới xã hội hóa trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực và đồng thời thu hút nguồn lực của xã hội đầu tư, hội nhập.

Tuy nhiên, việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo tôi đánh giá thì chưa được tập trung vào các giải pháp cụ thể và đồng bộ”.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC).

Theo ông Tuấn, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta còn khá cồng kềnh, sự đầu tư không đồng đều, không tập trung. Đặc biệt là trong chuyển đổi các ngành nghề cũng như sự đầu tư cho các trang thiết bị, đội ngũ nhân lực giáo viên cho thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập thị trường lao động quốc tế, tiến tới cuộc cách mạng công nghệ 4.0 - chưa được tập trung cao.

Với mục tiêu cụ thể trong Quyết định 73/QĐ-TTg của Chính phủ là đến năm 2025 sẽ giảm 20% số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Quyết định này cũng nêu, mục tiêu đến năm 2045 là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đây là một mục tiêu hết sức đúng đắn vì vừa làm tinh gọn lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuyên sâu để đào tạo tập trung các ngành nghề phù hợp theo hướng phát triển thị trường lao động, vừa mở rộng xã hội hóa để kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực.

Không những vậy, đây cũng là mục tiêu hết sức rõ nét, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, bắt kịp với trình độ nhân lực tiên tiến của thế giới.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, đây mới chỉ là một mục tiêu chung, còn giải pháp cụ thể thì vẫn cần phải xúc tiến rất nhiều. Để thực hiện được tốt hơn và phát huy đúng mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp dựa trên Quyết định này, ông Tuấn nêu ra một số giải pháp:

Thứ nhất, cần phải tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá lại một cách khách quan hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta một cách quyết liệt nhất, trung thực nhất (cả cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục).

Bởi, không chỉ riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Nhà nước cũng cần phải tính tới việc tinh giảm một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chỉ mang tính hình thức, không đảm bảo được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển.

Thứ hai, trên cơ sở của Quyết định số 73/QĐ-TTg, cần lập nên một bộ tiêu chí cụ thể, khách quan, nêu rõ những yêu cầu đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đảm bảo đào tạo nguồn lực chất lượng cao...

Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải được tăng cường kiểm định, phải có những ngành nghề đào tạo đảm bảo phù hợp hội nhập phát triển kinh tế quốc tế.

Để làm được việc này, các ban, bộ, ngành liên quan phải tính toán thị phần của thị trường lao động khi bước vào giai đoạn mới. Như nhu cầu nhân lực lao động trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề sẽ chiếm tỉ trọng bao nhiêu, từ đó mới tính được con số cụ thể, quy hoạch tổng số trường, tổng số ngành nghề cần thiết cho sự phát triển.

Sau khi làm được những yếu tố trên thì mới nêu ra được những cơ sở nào không đảm bảo tiêu chuẩn, cần phải sáp nhập hoặc giải thể.

Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, cùng với việc quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần quy hoạch lại hệ thống các ngành nghề đào tạo. Xem xét, đánh giá về ngành nghề nào hiện nay không còn phù hợp, không cần thiết nữa thì bắt buộc phải giải thể hoặc tái cấu trúc, tạo ra những ngành nghề mới thì mới xây dựng được một môi trường giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, chất lượng.

“Vấn đề của giáo dục nghề nghiệp nước ta hiện nay là phải đánh giá được nguồn lực, xây dựng được các tiêu chí đảm bảo cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp được mạnh hơn, thu hút được nhiều hơn sự đầu tư của doanh nghiệp và tạo được niềm tin của người dân nói chung và học sinh, phụ huynh nói riêng thì mới có thể phát triển được bền vững và mạnh mẽ”, ông Tuấn nói.

Cũng bàn về vấn đề trên, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta vẫn luôn hướng tới mục tiêu nâng cao về chất lượng.

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

“Hiện nay các địa phương đều đang từng bước thực hiện công tác quy hoạch như sáp nhập các trường lại với nhau để tạo nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô, sức mạnh lớn hơn. Từ đó giúp tăng được hiệu quả đầu tư, thuận lợi nâng cao chất lượng và hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp”, thầy Khánh chia sẻ.

Theo thầy Khánh, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới với chất lượng ngày càng được chú trọng, số sinh viên học nghề ra trường có việc làm với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong hệ thống.

Hơn nữa, các ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hiện nay như ngành nghề công nghệ cao, tự động hóa chưa được chú trọng đầu tư, một số trường chưa đa dạng hóa ngành nghề theo nhu cầu của xã hội.

Mặt khác, trình độ của cán bộ giảng viên, hoạt động trong nghiên cứu khoa học của các trường nghề vẫn còn hạn chế,...

Để khắc phục những tồn tại trên, thầy Khánh cho rằng, trước hết, cần phải có giải pháp, chính sách để thu hút được nhiều người học hơn vào đào tạo học nghề, giúp người học hiểu rõ được năng lực của bản thân để chọn môi trường đào tạo phù hợp lại có cơ hội việc làm tốt.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở để đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của Nhà nước với giáo dục nghề nghiệp. Không những vậy, sinh viên học nghề đòi hỏi được thực hành nhiều nên cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, giáo trình, nghiên cứu khoa học phải được chú trọng đầu tư hơn.

Ngoài ra, cần phải nâng cao sự gắn kết của các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất để đào tạo theo nhu cầu cũng như đào tạo theo đặt hàng để vừa đáp ứng được thị trường lao động vừa đáp ứng được mong muốn của người học.

Tài liệu tham khảo:

[1]: http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39697/seo/Tong-cuc-Giao-duc-nghe-nghiep-trien-khai-nhiem-vu-giao-duc-nghe-nghiep-nam-2023/Default.aspx

[2]: https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-102221226130631246.htm

Khánh An