Dùng chứng chỉ IELTS xét tuyển thẳng ở phổ thông là “sự nhầm lẫn tai hại”

22/02/2023 06:33
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia GD, tuyển thẳng với chứng chỉ IELTS là biểu hiện chuộng bằng cấp, sự nhầm lẫn tai hại về chức năng của 2 kỳ thi: ĐGNL ngôn ngữ và tuyển sinh.

Chứng chỉ IELTS có thể… đánh mất cơ hội cho kỹ năng quan trọng hơn của trẻ

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Chuyện một số trường phổ thông coi chứng chỉ IELTS là một “tấm vé” để tuyển thẳng thí sinh cũng là một biểu hiện của chuộng bằng cấp. Nhắc đến chuộng bằng cấp, đây không phải là chuyện chỉ tồn tại ở Việt Nam, mà ở các nước khác trên thế giới cũng nhiều nơi như vậy, người ta xem đó là một “thước đo” để tuyển dụng...

Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, trí tuệ nhân tạo có thể thay thế rất nhiều phương tiện để hỗ trợ con người một cách tối ưu, trong đó, có cả việc học ngoại ngữ. Do đó, nếu chúng ta vẫn bước đi theo con đường cũ thì chắc chắn sẽ không có kết quả mới, nếu chỉ tập trung cho con học và học tiếng Anh, sẽ đánh mất thời gian, đánh mất cơ hội cho những kỹ năng khác quan trọng hơn.

Bên cạnh đó, ngoại ngữ là công cụ, chứ không phải là nhu cầu học thuật, chỉ trừ một số ít người sử dụng ngoại ngữ để viết văn hay nghiên cứu, còn lại, hầu hết đến 90% dân số sử dụng ngoại ngữ làm công cụ giao tiếp. Mà công cụ giao tiếp bây giờ có rất nhiều phương thức khác nhau, chứ không chỉ là ngoại ngữ. Chưa kể, bằng cấp cũng có nhiều loại bằng và cũng có những người thậm chí không có chứng chỉ IELTS nhưng vẫn sử dụng ngoại ngữ rất tốt…”.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. Ảnh: NVCC.

“Do đó, khi có ai đó cố tình “đánh bóng” cho một loại bằng cấp nào đó, có nghĩa chính là đang “mị dân”, đang khiến cho mọi người bị che mắt, dẫn đến, thay vì những thứ khác quan trọng hơn đối với một đứa trẻ thì phụ huynh lại chạy theo những trào lưu, những thứ vốn được “thần thánh hóa” qua các quảng cáo rầm rộ, trong khi những thứ được quảng cáo ấy lại vô tình gây hại cho cộng đồng.

Chẳng hạn, ở độ tuổi mầm non và tiểu học, việc giao tiếp trực tiếp giữa người với người là rất quan trọng chứ không phải tiếp cận và sử dụng công nghệ nhiều; tương tự, đứa trẻ ở độ tuổi này cần phải học về cách tư duy chứ không chỉ là dùng tiếng Anh để giao tiếp.

Vậy nên, việc gia đình nào đó cho con đi học IELTS từ khi còn đang chập chững học tiểu học, theo tôi là một sai lầm… Khi lớn lên, đứa trẻ cũng không nhất thiết phải dùng chứng chỉ IELTS mới nói được tiếng Anh.

Thậm chí, tôi được biết, ở Việt Nam còn có những trường hợp, mặc dù gia đình hoàn toàn là người Việt, nhưng bố mẹ “sính ngoại” nên cho con sử dụng tiếng Anh để giao tiếp ngay khi ở nhà, không cho con dùng tiếng Việt.

Những gia đình trí thức thực sự sẽ không như vậy, họ vẫn xem tiếng Việt và văn hóa Việt là “cái gốc”. Còn gia đình nào mà chăm chăm ép trẻ phải giỏi tiếng Anh hay buộc trẻ phải dùng tiếng Anh trong giao tiếp, là vô tình gây hại cho con, đứa trẻ sau này thậm chí sẽ không giao tiếp được bằng tiếng Việt…” - chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên nhấn mạnh.

Nhầm lẫn chức năng kỳ thi tạo ra những phong trào sai lầm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Thanh Vũ - ngành Giảng dạy tiếng Anh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục, Đại học Durham (Anh) phân tích: “Mỗi kỳ thi được thiết kế ra nhằm một mục đích riêng và chỉ nên được sử dụng cho mục đích đó. Kỳ thi IELTS được tạo ra nhằm đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh; với phiên bản academic nhằm kiểm tra khả năng sử dụng tiếng Anh ở bậc đại học, cao học tại một nước nói tiếng Anh, phiên bản general đánh giá khả năng tiếng Anh để định cư (cũng tại một nước nói tiếng Anh).

Hiện tại, chưa có đầy đủ các nghiên cứu chỉ ra tác dụng đánh giá khả năng thành công về mặt học thuật của người thi IELTS, do đó tôi nghĩ việc dùng chứng chỉ này để xét tuyển vào các bậc học là chưa có cơ sở.

Luyện IELTS sẽ tăng năng lực ngôn ngữ của các em học sinh, nhưng còn có giúp các bạn học tốt ở các bậc hay không thì còn là một câu hỏi lớn”.

Thạc sĩ Trần Thanh Vũ - ngành Giảng dạy tiếng Anh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục, Đại học Durham (Anh). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Trần Thanh Vũ - ngành Giảng dạy tiếng Anh, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Giáo dục, Đại học Durham (Anh). Ảnh: NVCC.

Từ đó, Thạc sĩ Trần Thanh Vũ cho rằng: “Có những trung tâm hay thậm chí các trường phổ thông tổ chức luyện thi IELTS cho học sinh từ khi còn rất nhỏ. Và theo tôi, việc luyện IELTS cho học sinh từ tiểu học có thể hiểu theo nhiều cách. Vì thực ra không phải ai học IELTS từ đầu cũng tiếp xúc với cấu trúc đề và nội dung của bài thi IELTS. Dù thi chứng chỉ nào thì tiếng Anh căn bản là giống nhau. Tức là IELTS căn bản hay TOEFL căn bản hay PTE căn bản gì cũng phải học những nội dung như vậy.

Năng lực ngôn ngữ, tri nhận và hiểu biết phổ thông của học sinh tiểu học chưa phù hợp với những nội dung được kiểm tra trong bài thi IELTS, hoặc bất kỳ bài thi nào không được thiết kế riêng cho các em. Do đó, tôi cho rằng, có thể người ta dùng từ IELTS chỉ nhằm vào mục đích marketing, quảng bá, thu hút người học/phụ huynh, chứ thực ra vẫn dạy những nội dung dành cho thiếu nhi”.

“Theo tôi, việc một số trường phổ thông cho phép sử dụng chứng chỉ IELTS là căn cứ xét tuyển thẳng học sinh, là đang biến một kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ thành một kỳ thi tuyển sinh. Đây là sự nhầm lẫn tai hại về chức năng của hai kỳ thi riêng biệt.

Chủ trương trên sẽ tạo ra sự hiểu lầm tai hại về mục đích cũng như năng lực của bài thi IELTS và tạo ra những phong trào sai lầm.

Giống như nhiều năm trước, người ta đổ xô đi luyện thi đại học, luyện thi tốt nghiệp, luyện thi tuyển sinh đầu cấp…, thì bây giờ người ta kéo nhau đi luyện IELTS, nhưng mà là để thi tuyển” - Thạc sĩ Trần Thanh Vũ bày tỏ.

Mộc Trà