Hải Phòng: Giáo dục STEM góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong trường học

01/03/2023 11:35
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo dục STEM mang lại hiệu quả nâng cao năng lực của học sinh cũng như góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các nhà quản lý giáo dục, lãnh đạo các cấp, các nhà trường, nhất là đối với giáo viên và học sinh, phụ huynh.

Trong đó, phương thức tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM là một cách tiếp cận phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục hướng đến phát triển bền vững, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông cũng đã khẳng định, giáo dục STEM là một hướng đang được quan tâm phát triển trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, góp phần đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cốt cán dạy STEM

Tại quận Hồng Bàng (Hải Phòng), nhằm thúc đẩy giáo dục STEM và chuyển đổi số trong trường học, quận đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn; hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về chuyển đổi số, giáo dục STEM gắn với nhiệm vụ năm học và phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngành giáo dục quận Hồng Bàng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cốt cán nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM. (Ảnh: Phạm Linh)

Ngành giáo dục quận Hồng Bàng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cốt cán nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM. (Ảnh: Phạm Linh)

Cụ thể, ngành giáo dục quận đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy giáo dục STEM; phát hiện, bồi dưỡng giáo viên có kinh nghiệm, năng lực trong việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM để xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán.

Đồng thời, chủ động liên hệ với các đơn vị, tổ chức, chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm trong triển khai dạy học STEM như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, các công ty có kinh nghiệm về giáo dục STEM để tổ chức hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Kêu gọi các tổ chức ủng hộ, tài trợ trang thiết bị phòng học STEM tại các đơn vị như Trường Tiểu học Ngô Gia Tự được trao tặng phòng học STEM robot lego education do công ty về đồ chơi công nghệ giáo dục trao tặng.

Tại một số trường khác như: Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng, Trường Trung học cơ sở Quán Toan,… cũng được thí điểm xây dựng phòng học STEM với đầy đủ trang thiết bị phù hợp dạy và học STEM.

Ngày 28/2, nhằm đánh giá, ghi nhận việc triển khai giáo dục STEM của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng đã tổ chức “Ngày hội STEM năm 2023”.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng - bà Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM. (Ảnh: Phạm Linh)

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng - bà Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM. (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu khai mạc chương trình, bà Nguyễn Thị Vân Anh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng nhấn mạnh: “Việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, đảm bảo giáo dục toàn diện.

Các hoạt động giáo dục STEM hướng tới việc vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Học sinh được hoạt động trải nghiệm và thấy được ý nghĩa của tri thức với cuộc sống, tạo hứng thú học tập của học sinh đối với các môn học thuộc lĩnh vực STEM.

Đồng thời, định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thông qua các bài dạy, các chủ đề STEM, các hoạt động trải nghiệm STEM, học sinh được hợp tác với nhau, chủ động và tự lực thực hiện các nhiệm vụ học tập, được làm quen với hoạt động có tính chất nghiên cứu khoa học kỹ thuật, góp phần tích cực vào hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”.

Các sản phẩm STEM có tính ứng dụng cao

Tại ngày hội STEM năm 2023, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giới thiệu hơn 450 sản phẩm tiêu biểu tại 6 gian hàng trưng bày.

Trong đó, có nhiều sản phẩm của học sinh tiểu học, trung học cơ sở có hình thức bắt mắt và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày như: máy bắn keo tự động, mô hình ngôi nhà 3 chức năng, son dưỡng, đèn dầu,…

Hơn 450 sản phẩm STEM được trưng bày trong ngày hội. (Ảnh: Phạm Linh)

Hơn 450 sản phẩm STEM được trưng bày trong ngày hội. (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày. (Ảnh: Phạm Linh)

Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày. (Ảnh: Phạm Linh)

Sản phẩm của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ. (Ảnh: Phạm Linh)

Sản phẩm của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ. (Ảnh: Phạm Linh)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Vũ Ngọc Khôi – học sinh lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi chia sẻ: “Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây có rất nhiều vụ cháy xảy ra. Gần đây nhất, ở thành phố Hải Phòng cũng liên tiếp có những vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản và con người.

Xuất phát từ nguyên nhân đó, em và các bạn đã có ý tưởng thực hiện ngôi nhà thông minh 3 chức năng để chúng ta có thể sống an toàn hơn.

Ngôi nhà này được trang bị 3 chức năng: báo động cháy, cảnh báo động đất và phun sương. Hệ thống này hoạt động dựa vào những cảm biến được lắp đặt quanh nhà.

Em mong muốn sau này có thể phát triển hiệu quả mô hình này bởi hiện nay chỉ các căn hộ ở chung cư là được lắp đặt hệ thống báo cháy, còn nhà ở khu vực dân cư các ngõ xóm, đa số người dân không lắp các hệ thống báo cháy cá nhân.

Giá thành các hệ thống báo cháy hiện tại theo em tìm hiểu cũng cao, nên nếu có cơ hội được học tập, trau dồi thêm, em hi vọng có thể làm ra một sản phẩm vừa chất lượng vừa phù hợp với thu nhập của người Việt Nam.

Trước hết, trong thời gian tới, em cùng các bạn trong nhóm đã có kế hoạch phát triển sản phẩm từ dùng pin sang dùng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường”.

Sản phẩm ngôi nhà 3 chức năng của học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi. (Ảnh: Phạm Linh)

Sản phẩm ngôi nhà 3 chức năng của học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi. (Ảnh: Phạm Linh)

Thầy Nguyễn Văn Nghĩa – giáo viên phụ trách hướng dẫn học sinh thực hiện mô hình ngôi nhà 3 chức năng cho biết: “Để thực hiện sản phẩm này, tôi hướng dẫn học sinh tìm tòi các thông tin trên mạng xã hội. Sau này, nếu có điều kiện hơn về chi phí nghiên cứu, sẽ mua các sản phẩm có chức năng tương tự (trong khả năng cho phép) để các em quan sát, hiểu hơn nguyên lý hoạt động từ đó có nền tảng hoàn thiện các mô hình với các chức năng như các em mong muốn.

Hoạt động STEM theo tôi rất bổ ích và hiệu quả đối với học sinh trong quá trình học tập.

Thứ nhất là các em có ý thức quan tâm hơn đối với các tin tức thời sự để lên ý tưởng.

Thứ hai là quá trình tìm tòi nghiên cứu sẽ đòi hỏi ở các em sự đam mê và khả năng vận dụng những kiến thức đã được học trên lớp để tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống”.

Trong ngày hội cũng diễn ra “Hội thi sáng tạo Robot” với sự tham gia của 40 đội thi đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Giáo dục STEM gắn với phát triển năng lực học sinh và chuyển đổi số

Tại ngày hội STEM 2023, hai trường Trung học cơ sở Hồng Bàng và Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã đóng góp tham luận cho thấy việc phát triển giáo dục STEM không chỉ nâng cao năng lực của học sinh mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong các nhà trường.

Phát triển giáo dục STEM giúp nâng cao năng lực học sinh. (Ảnh: Phạm Linh)

Phát triển giáo dục STEM giúp nâng cao năng lực học sinh. (Ảnh: Phạm Linh)

Đại diện Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm khi triển khai giáo dục STEM: “Một là tạo mọi điều kiện về học tập, trải nghiệm cho quản lý, giáo viên, học sinh các nhà trường tiếp cận và học tập từ Liên minh STEM Việt Nam và các cơ sở triển khai thành công mô hình này.

Hai là cần rà soát lại cơ sở vật chất, có kế hoạch sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có, đầu tư, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng giáo dục STEM.

Vì vậy tuỳ thực tế của từng trường cũng như các chương trình đào tạo STEM dự kiến được triển khai, quy mô và mức độ sẽ được điều chỉnh phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo tinh thần giáo dục STEM và các giá trị cốt lõi của không gian học tập.

Ba là đào tạo cốt cán tại chỗ để có thể chủ động các hoạt động giáo dục STEM của từng nhà trường, hỗ trợ kịp thời cho giáo viên và học sinh.

Liên hệ thường xuyên với các chuyên gia, đặc biệt là các tổ chức phi lợi nhuận (như Liên minh STEM Việt Nam) để có sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi cần thiết.

Bốn là giáo dục STEM phải gắn liền với văn hóa đọc và các hình thức tiếp cận kiến thức khác để giúp học sinh hình thành thói quen, phát triển kỹ năng và tư duy khoa học, đặc biệt định hướng nghề nghiệp cho tương lai để từ đó tạo ra miền sinh thái STEM rộng và bền vững.

Năm là tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về mô hình STEM tới cha mẹ học sinh để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ về cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các câu lạc bộ STEM đạt hiệu quả”.

Đại diện Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cũng giới thiệu phần mềm mô phỏng nhà trường bằng công nghệ thực tế ảo VR360 trên nền tảng website HTMLS do đội ngũ giáo viên thực hiện.

Phần mềm mô phỏng nhà trường bằng công nghệ thực tế ảo VR360 của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Phạm Linh)

Phần mềm mô phỏng nhà trường bằng công nghệ thực tế ảo VR360 của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Phạm Linh)

Phần mềm này sẽ thay thế các phương pháp vận hành thủ công hiện tại và người dùng chỉ cần truy cập đường link là có thể nhanh chóng xử lý các công việc cần thiết trực tuyến.

Cụ thể, phần mềm mô phỏng khuôn viên và các phòng chức năng của nhà trường để giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể trực tiếp thăm quan, sử dụng các ứng dụng liên kết trực tiếp bằng điện thoại, máy tính góp phần tăng cường sự gắn kết.

Tất cả các công tác quản lý, giảng dạy và học tập trong nhà trường cũng được số hoá. Đồng bộ cơ sở dữ liệu toàn trường và liên kết các bộ phận chuyên môn cũng như tối ưu công tác truyền thông của nhà trường.

Ví dụ như học sinh có thể truy cập để mượn sách, tài liệu hoặc đọc trực tuyến; phụ huynh có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến cũng như tìm hiểu về lịch sử phát triển, truyền thống nhà trường.

Phạm Linh