Có học bạ điện tử nhưng HS đi du học, xuất khẩu lao động vẫn cần học bạ giấy

18/03/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Cơ sở dữ liệu của Bộ đã có nhưng chưa được chuẩn hoá hết, không tập trung triển khai nên học bạ điện tử chỉ dừng ở mức nửa vời.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý trường học là lợi ích của học bạ điện tử. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thể đồng bộ hóa, vẫn sử dụng học bạ giấy song song cùng phần mềm quản lý học bạ điện tử khiến công tác quản lý hồ sơ trường học gặp nhiều bất cập.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm – Tổ trưởng Tổ Công nghệ thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết, quá trình chuyển đổi số trong triển khai học bạ điện tử còn khó khăn. Nguyên nhân do chưa có hành lang pháp lý của học bạ điện tử.

Ảnh minh hoạ: Báo điện tử VTV

Ảnh minh hoạ: Báo điện tử VTV

"Học bạ điện tử nếu không có hướng dẫn của Bộ, được quy định bằng các văn bản pháp quy thì không thể triển khai hiệu quả, hiện chỉ là học bạ điện tử nửa vời.

Một số trường thay vì viết tay thì sử dụng phần mềm nhập điểm cho học sinh, sau đó in ra giấy để giáo viên ký, hiệu trưởng đóng dấu, chứ không phải học bạ điện tử đúng nghĩa”, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm chia sẻ.

Theo đúng nghĩa của học bạ điện tử, thì giáo viên, lãnh đạo nhà trường phải có chữ ký số và chạy trên hệ thống nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ. Trường hợp học sinh chuyển trường, hay tuyển sinh đầu cấp thì không cần sử dụng học bạ giấy mà học bạ hoàn toàn điện tử hóa.

“Đa phần các trường hiện nay vẫn sử dụng học bạ giấy. Chỉ có một số ít trường đang sử dụng phần mềm quản lý nhà trường được Sở cho phép nhập điểm, in ra giấy để ký và đóng dấu. Tức là, thay vì viết tay vào sổ học bạ thì giáo viên nhập điểm lên phần mềm và in ra”, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm nói.

Năm trước, tất cả các học sinh khối 12 chưa có dữ liệu điện tử phải nhập lại điểm học tập từ lớp 10 để các trường đại học, cao đẳng có căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn phải sử dụng học bạ giấy bản gốc để đối chiếu. Do vậy, phải có chữ ký điện tử thì mới triển khai được học bạ điện tử đúng nghĩa - Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm chia sẻ.

Trước những vướng mắc, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm cho rằng, để triển khai học bạ điện tử hiệu quả thì cần đồng nhất, đồng bộ, đồng lòng.

Thứ nhất, cần Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa ra hệ thống sử dụng học bạ điện tử đồng nhất ở tất cả các địa phương.

Không có chỉ đạo của Bộ nên khi các địa phương tự làm, mỗi nơi một kiểu khiến cho dữ liệu không kết nối được với nhau.

“Công nghệ thông tin chỉ làm nền tảng, ứng dụng chữ ký số có thể thực hiện toàn bộ được nhưng tính pháp quy ở đâu để ngành giáo dục địa phương triển khai học bạ điện tử hiệu quả?

Ví dụ, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy thì tất cả những văn bản, thông tư, nghị định liên quan đến sổ hộ khẩu đều phải sửa đổi để phù hợp, tạo thống nhất, đạt hiệu quả.

Tương tự, muốn chuyển từ học bạ giấy sang học bạ điện tử thì cần có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Vụ, Cục chức năng nghiên cứu để tham mưu Chính phủ ban hành hướng dẫn chỉ đạo chung mới tạo sự quyết liệt”, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm chia sẻ.

Thứ hai, hiện các địa phương đang lựa chọn nhiều phần mềm quản lý khác nhau.

Mỗi đơn vị nhà trường có điều kiện, kinh tế không giống nhau nên phải chủ động lựa chọn phần mềm phù hợp với kinh phí khiến mỗi trường triển khai một kiểu học bạ điện tử.

“Hiện cơ sở dữ liệu của Bộ đã có nhưng chưa chuẩn hóa được hết và không tập trung triển khai nên khó đồng bộ. Chỉ khi Bộ ra văn bản yêu cầu các địa phương thống nhất cùng triển khai cùng hệ thống học bạ điện tử, liên kết dữ liệu thì mới đồng nhất và chuẩn hóa”, Thạc sĩ Bùi Ngọc Lâm chia sẻ.

Hiện có quá nhiều hệ thống quản trị gây vất vả, mệt mỏi cho giáo viên. Nhiệm vụ chính của giáo viên là lên lớp dạy học, chứ không phải mất quá nhiều thời gian vào nhập dữ liệu. Phải tạo được hệ thống quản lý thông suốt toàn bộ từ các cấp học dưới lên đến Bộ để giáo viên sử dụng nhanh chóng, chính xác.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên – Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước đây, các Sở đã có ý kiến mong Bộ sớm ban hành quy định pháp lý về học bạ điện tử. Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản nào nên học bạ điện tử chỉ dừng lại ở mức thí điểm, giới thiệu mô hình.

“Nếu Bộ có quy định pháp lý về học bạ điện tử thì các địa phương trên cả nước sẽ có cơ sở chính thống triển khai đồng bộ.

Hiện, có phần mềm quản lý trường học đã tích hợp chữ ký số, nhưng cũng có trường chỉ triển khai dưới góc độ giáo viên nhập điểm, tính toán tự động, sau đó in ra để giáo viên, Hiệu trưởng ký, đóng dấu.

Do chưa có quy định pháp lý nên sẽ có trường hợp, học sinh của tỉnh này chuyển sang trường ở tỉnh khác học bạ điện tử chưa được tỉnh khác chấp nhận. Thêm nữa, học sinh đi du học, xuất khẩu lao động đến một số nước vẫn yêu cầu sử dụng học bạ giấy, chữ ký “tươi” của giáo viên, đóng dấu đỏ của lãnh đạo nhà trường thì làm thế nào?”, ông Tuyên cho biết.

“Hiện, Sở không định hướng các trường phải lựa chọn một phần mềm quản lý trường học nào vì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế từng trường. Sản phẩm nào tốt, phù hợp thì các trường chủ động lựa chọn. Chưa có phần mềm thống nhất nên hiện tỉnh Tuyên Quang có 2 phần mềm được các trường lựa chọn để quản lý thông tin của học sinh, giáo viên, trong đó có tích hợp thêm modul học bạ điện tử”, ông Tuyên chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Tuyên, việc triển khai học bạ điện tử và ứng dụng chuyển đổi số trong trường học đặt ra thách thức mới về vấn đề quản lý ở mỗi trường học, nhất là đối với những trường học ở vùng sâu vùng xa, điều kiện giáo viên còn khó khăn về cơ sở vật chất, không có trang thiết bị để sử dụng học bạ điện tử. Hạ tầng mạng internet với các trường vùng sâu, vùng xa chưa hẳn đã đáp ứng được vì tốc độ truy cập còn hạn chế.

Về mặt kỹ thuật phải đảm bảo tính liên thông giữa các nền tảng. Để làm được điều này, Bộ phải ban hành quy định chung về chuẩn dữ liệu để tạo thống nhất giữa các nền tảng.

Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang lấy ví dụ, khi các trường sử dụng nền tảng khác nhau thì sẽ có tình trạng ở trường này môn Toán ký hiệu là TO nhưng trường khác ký hiệu là TN, không tạo thống nhất. Do đó, cần có quy định chung về chuẩn dữ liệu đối với học bạ điện tử.

Ngọc Mai