"Người trong cuộc" chia sẻ những trở ngại lớn của trường cao đẳng nghề hiện nay

22/03/2023 06:46
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đại diện các trường cao đẳng nghề mong muốn Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB-XH sớm thống nhất việc chia sẻ dữ liệu để công tác tuyển sinh hiệu quả hơn.

Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị thuộc khối giáo dục nghề nghiệp đảm bảo mức tuyển sinh đều và ổn định trong nhiều năm nay.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Kim Tuyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết hiện nay trường vẫn đang thực hiện quyết liệt công tác tuyển sinh trên mọi kênh thông tin.

Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh có 2 nhóm đối tượng tuyển sinh chính: bậc cao đẳng với khoảng trên 1000 học viên và bậc trung cấp với khoảng trên 500 học viên. Theo đánh giá của thầy Tuyền, với nhóm trung cấp, nguồn tuyển sinh nhiều cùng chính sách hỗ trợ miễn học phí 100% của nhà nước nên chỉ tiêu hàng năm luôn có sự ổn định hơn so với nhóm cao đẳng.

Ngược lại, tuyển sinh khối cao đẳng thường gặp nhiều khó khăn hơn, tuy nhiên, thầy hiệu trưởng cho rằng với sự ra đời của Thông tư 15 mới đây, tình hình tuyển sinh hứa hẹn sẽ khả quan hơn.

Tiến sĩ Trần Kim Tuyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Tiến sĩ Trần Kim Tuyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Cụ thể, Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, thông tư ra đời đã giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở tổ chức dạy các môn văn hóa và cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Còn đối với người học, sau khi học xong chương trình trung cấp, các em có thể được học liên thông lên bậc học cao hơn nếu đáp ứng yêu cầu. Việc học văn hóa kết hợp với học kỹ năng nghề sẽ hướng học sinh đến con đường học tập suốt đời.

Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần sớm tiếp cận học sinh ngay từ bậc trung học cơ sở, thay vì chờ đến lớp 12 mới tuyển sinh - điều này sẽ làm thu hẹp đối tượng tuyển sinh của khối giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, ngay từ khi kết thúc bậc trung học cơ sở, học sinh nếu không học ở hệ thống trường trung học phổ thông công lập hoặc tư thục sẽ chuyển sang học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Trường cao đẳng nghề cần tận dụng nguồn này để tiếp cận và tuyển sinh từ sớm. Thầy Tuyền đánh giá, đây là cách tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với cách tiếp cận với các trường phổ thông.

Trung tâm giáo dục thường xuyên dạy các môn văn hóa, kết hợp trường nghề đào tạo nghề nghiệp sẽ giúp cho học sinh đảm bảo được việc làm ổn định ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

“Điều kiện để đảm bảo tuyển sinh tốt chính là chất lượng đào tạo của nhà trường, từ đó, có thông tin với người học sau về chất lượng sinh viên đã tốt nghiệp. Trong quá trình tuyển sinh, kỹ thuật tiếp cận cũng đặc biệt quan trọng.

Nhà trường cần có sự hợp tác với các đơn vị như trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên… nhằm đa dạng nguồn tuyển sinh và có cơ sở để tiếp cận với người học dễ dàng hơn”, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của khối các trường cao đẳng hiện nay cũng đang gặp một số trở ngại lớn. Theo thầy Tuyền, hiện cả trường cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học cùng tiếp cận học sinh phổ thông để tuyển sinh, tuy nhiên nguồn cơ sở dữ liệu này lại chưa được đồng bộ với nhau, điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều tới công tác tuyển sinh của các trường nghề.

“Hiện nay tuyển sinh đại học 1 bộ hồ sơ, xét tuyển vào các trường cao đẳng lại một bộ khác. Khi các em học sinh lớp 12 đăng ký nguyện vọng, các mục lựa chọn chỉ mới dừng lại ở chọn các trường đại học.

Như vậy nếu 2 đơn vị là Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng nhau thống nhất được việc sử dụng chung nguồn dữ liệu sẽ giúp tạo điều kiện phát triển cả hai - giáo dục văn hóa và giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo đúng đối tượng đúng mục tiêu phát triển”.

Học sinh trải nghiệm thực tế trên mô hình sản xuất bóng đèn tự động. Hình ảnh tại gian hàng của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trong Ngày hội việc làm và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại Quận Cẩm Lệ năm 2022. Ảnh: Fanpage nhà trường

Học sinh trải nghiệm thực tế trên mô hình sản xuất bóng đèn tự động. Hình ảnh tại gian hàng của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trong Ngày hội việc làm và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại Quận Cẩm Lệ năm 2022. Ảnh: Fanpage nhà trường

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Giới thiệu việc làm Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, thầy Nguyễn Văn Như cũng thừa nhận có nhiều bất cập khi các cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ với nhau.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Như cho hay: “Hiện nay, việc tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề mang tính chủ động là chính mà không có kênh hỗ trợ giống như của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ nguồn dữ liệu thông tin thì công tác tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị; Đồng thời, về phía các em học sinh cũng được chủ động và cơ hội tiếp cận thông tin các trường dễ dàng hơn”.

Được biết, năm nay Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh khoảng 1700 chỉ tiêu. Công tác tuyển sinh đã được nhà trường khởi động từ đầu năm và các lớp học được mở linh hoạt khi đã đạt đủ số lượng học viên.

“Hiện trường đang tổ chức đào tạo theo tín chỉ, do vậy khi đủ số lượng học viên thì trường sẽ tiến hành mở lớp và đào tạo, thay vì phụ thuộc vào niên khóa năm học; điều này cũng tạo sự thuận lợi hơn cho người học”, thầy Như nói.

Theo Giám đốc trung tâm tuyển sinh - Giới thiệu việc làm của Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, hiện các trường nghề đang gặp khó khăn chung trong công tác tuyển sinh chính là tâm lý thích học đại học hơn cao đẳng. Đáng ngại hơn khi ngày nay việc xét tuyển vào các trường đại học ngày càng dễ dàng, điều này khiến cánh cửa của các trường cao đẳng lại thêm phần khó khăn.

“Việc thay đổi tư duy của học sinh, phụ huynh không phải là câu chuyện ngày một ngày hai...”, thầy Như nêu băn khoăn.

Chia sẻ thêm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay việc đầu tư trang thiết bị cho các trường nghề còn khá rải rác, chưa nhanh và đồng bộ. Do vậy, thầy Trần Kim Tuyền kiến nghị cơ quan chủ quản cùng các đơn vị chức năng ưu tiên hơn cho việc trang bị cơ sở vật chất cho các trường nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho người học.

Bắc Sơn