Sau 10 năm, các tỉnh khu vực Tây Nguyên giảm được 52 điểm trường

29/03/2023 06:39
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng còn 1.633 điểm trường, giảm 52 điểm trường so với năm học 2010 - 2011.

Theo Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tất cả các xã vùng Tây Nguyên đều có trường tiểu học; các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản, buôn, sóc vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đi học.

Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 của Tây Nguyên đạt 99,93%. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 của Tây Nguyên đạt 99,93%. Ảnh minh họa: Nguyên Phương

Hầu hết các xã đã có trường trung học cơ sở, các huyện đều có trường trung học phổ thông. Nhiều địa phương đã xây dựng các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông liên xã.

Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 2.116 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 64 cơ sở giáo dục so với năm học 2010 - 2011), với 1.221.784 học sinh (giảm 79.660 học sinh so với năm học 2010 - 2011), trong đó có 459.654 học sinh là dân tộc thiểu số (chiếm 37,6%).

Các địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch với mục tiêu và lộ trình cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Kết quả, nhiều điểm trường lẻ đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định, thực hiện dồn dịch, sáp nhập vào các điểm trường chính, nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cho các hoạt động dạy và học trong nhà trường. Theo số liệu thống kê, năm học 2020 - 2021, toàn vùng còn 1.633 điểm trường, giảm 52 điểm trường so với năm học 2010 - 2011.

Có thể thấy, tỷ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực Tây Nguyên còn thấp so với bình quân cả nước và các vùng kinh tế - xã hội khác (chỉ cao hơn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ).

Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chỉ số này cho thấy quy mô các cơ sở giáo dục phổ thông trong vùng còn tương đối nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu học tập của hơn 1 triệu học sinh các cấp.

Các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi ở cả ba cấp học đều gia tăng.

Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,93% (tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác); tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp trung học cơ sở đạt 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương đạt 68,3%.

Các địa phương đã chú trọng việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 như: tổ chức lớp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ (khoảng 1 đến 2 tháng) trước khi vào lớp 1; biên soạn tài liệu chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt phù hợp với địa phương; cấp phát miễn phí sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và đồ dùng học tập cho học sinh học tiếng dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào học trung học cơ sở đạt tỉ lệ 99,03% (tăng 1,61% so với thời điểm năm học 2010 - 2011). Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương giáo dục tiểu học đạt 99,4% (tăng 1,4% so với năm học 2010 - 2011).

Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học thời gian qua được giữ vững và từng bước được nâng cao. Năm học 2020 - 2021, 05/05 tỉnh khu vực Tây Nguyên duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%.

Tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 1 là 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 97%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 53,9%.

Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 đạt 38,7% (bình quân cả nước năm học 2020 - 2021 là 48,98%). Chi tiết về tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học cơ sở các mức độ được nêu trong biểu đồ dưới đây:

Tỷ lệ các xã, huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở các mức độ ở 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tỷ lệ các xã, huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở các mức độ ở 5 tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 1 là 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 97%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 53,9%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 đạt 38,7% (bình quân cả nước năm học 2020 - 2021 là 48,98%).

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các địa phương triển khai thực hiện tích cực, số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học.

Kết quả, tính đến năm học 2020 - 2021, tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 94,1% (tăng 41,1% so với năm học 2010 - 2011); tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 73,4% (tăng 31% so với năm học 2010 - 2011).

Tỷ lệ cơ sở giáo dục trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 84% (tăng 48% so với năm học 2010 - 2011). Tỷ lệ cơ sở giáo dục trung học phổ thông tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 78% (tăng 28% so với năm học 2010 - 2011).

Bên cạnh các chính sách chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực người dân tộc thiểu số.

Về cơ bản, tại các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên đã có trường phổ thông dân tộc nội trú. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 59 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm 18,5% tổng số trường phổ thông dân tộc nội trú trong toàn quốc), với khoảng 13.533 học sinh và 68 trường phổ thông dân tộc bán trú (chiếm 5,9% tổng số trường phổ thông dân tộc bán trú trong toàn quốc), với khoảng 12.494 học sinh. Trong đó, có 49 trường phổ thông dân tộc nội trú (chiếm tỷ lệ 83,05%) được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của vùng đã triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành.

Ngoài ra, các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú còn tích cực tổ chức các nội dung giáo dục đặc thù nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được cải thiện qua từng năm học. Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 98,7%.

Chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%, học sinh bán trú cấp trung học cơ sở hoàn thành cấp học đạt 92%.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở vùng Tây Nguyên hiện nay; sự phát triển ổn định về quy mô, số lượng và chất lượng đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục; góp phần củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở vùng Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh người dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Tính đến năm học 2021 - 2022, toàn vùng Tây Nguyên có 112 trường, 844 lớp, với 15.924 học sinh và 126 giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, trong đó, có 111 giáo viên là người bản ngữ (chiếm 88,1%).

Việc dạy tiếng dân tộc thiểu số góp phần quan trọng vào việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông.

Học sinh được học tiếng mẹ đẻ giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, chất lượng dạy học môn tiếng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được kỳ vọng, kết quả đạt được còn thiếu ổn định do phần lớn đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đầy đủ theo chuẩn. Các địa phương còn thiếu các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn thường xuyên và định kỳ dẫn tới hạn chế về chất lượng của đội giáo viên tiếng dân tộc thiểu số.

Triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo và chủ động thực hiện phân luồng học sinh bằng nhiều biện pháp phù hợp với thực tế địa phương.

Kết quả: Tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở lên học trung học phổ thông có xu hướng giảm; Tỷ lệ học sinh chuyển cấp từ trung học cơ sở vào giáo dục thường xuyên có xu hướng tăng dần; Số lượng học sinh học nghề ngày càng tăng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu việc làm của các địa phương.

Nguyên Phương