Giảng viên phải giảm thu nhập khi trường đại học tự chủ tài chính

05/05/2023 06:48
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Khó tự chủ tài chính, dự kiến trường ĐH phải thu hẹp quy mô tuyển sinh, cắt giảm đội ngũ đồng thời đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ. 

Việc thực hiện tự chủ tài chính đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay đang gặp khó khăn.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường của một trường đại học ở miền Bắc cho rằng, hầu hết các trường đại học đang thí điểm tự chủ, tự chủ theo mức độ, tự chủ một phần, hay hoàn toàn, thì trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều bất cập. Khó khăn nhất là tự chủ tài chính.

"Phải thừa nhận, tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển giáo dục. Song, ở Việt Nam, một số trường đại học khi chuyển mình sang cơ chế tự chủ hầu như bị cắt chi thường xuyên (có trường thậm chí bị cắt cả nguồn chi đầu tư). Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa, trong khi thực tế hiện nay, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở này chưa được quan tâm nhiều.

Thực hiện tự chủ, tương tự như các trường đại học trên thế giới, các trường đại học, học viện ở nước ta vẫn cần nhiều đến sự hỗ trợ tài chính từ nhà nước, xã hội để phát triển.

Có một số cách thường thấy hiện nay để trường đại học "gỡ khó" khi tự chủ tài chính đó là tăng các nguồn thu từ học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, tăng học phí cũng phải theo lộ trình và gắn với trách nhiệm giải trình xã hội đảm bảo tin cậy, đúng đắn.

Chưa kể, để có nguồn thu, trường đại học phải thu hút được sinh viên vào trường (để tăng nguồn thu học phí). Điều này dễ vô tình tiếp tay cho việc nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong công tác tuyển sinh", vị này chia sẻ.

Nguồn ảnh: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên

Nguồn ảnh: Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên

Cùng chia sẻ với phóng viên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, việc tự chủ tài chính của nhà trường thực hiện chủ yếu từ nguồn thu học phí của sinh viên. Trước đây, mỗi khoá, trường tuyển trên 2.000 sinh viên. Tuy nhiên, những năm gần đây, trường chỉ tuyển được trên dưới 400 sinh viên/khoá.

"Thực tế, để giáo dục đại học tốt khi thực hiện tự chủ, các trường vẫn cần nhà nước đầu tư”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, Trường Đại học Nông Lâm chưa thực sự tự chủ hoàn toàn nhưng đã và đang tự chủ tài chính. Theo vị này, tự chủ đại học nghĩa là các trường được tự quyền quyết định về giáo dục đào tạo, tuyển sinh, mở ngành trên tinh thần thực hiện đúng luật. Tuy nhiên, trường nằm trong đại học vùng (Đại học Thái Nguyên- PV) nên còn phải tuân thủ theo quy định của đại học vùng. Trong đó, trường phụ trách đào tạo lĩnh vực nào thì chỉ được phép đào tạo ngành học thuộc lĩnh vực đó.

Trường Đại học Nông Lâm chỉ được mở ngành đào tạo lĩnh vực nông, lâm, không được mở ngành lĩnh vực khác. Ngành học chưa đa dạng, khó thu hút sinh viên trong khi vẫn phải tự chủ tài chính khiến trường gặp muôn vàn khó khăn.

Hơn nữa, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 năm gần đây, lĩnh vực nông, lâm nghiệp là một trong bốn lĩnh vực có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất cả nước. Do đó, trường vừa đào tạo lĩnh vực tuyển sinh khó nhất, vừa nằm trong đại học vùng, vừa có vị trí địa lý ở khu vực vùng núi nên việc thu hút sinh viên vào trường học rất thấp.

"Cách đây khoảng 5 năm, nhà trường được cấp kinh phí 30-40 tỷ/năm. Nhưng những năm trở lại đây, mỗi năm, ngân sách chỉ cấp 15-20 tỷ cho trường, còn lại, trường phải tự xoay xở khi thực hiện tự chủ tài chính”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, kinh phí cấp cho trường sẽ càng ngày càng giảm trong thời gian tới. Do vậy, để khắc phục khó khăn, nhà trường chỉ có một cách là giảm lương của cán bộ giảng viên.

“Trước đây, giảng viên của trường được hưởng nhiều chính sách tiền lương vì có giờ giảng tăng. Song, hiện nay, giảng viên muốn dạy thêm cũng không có giờ để đứng lớp, thu nhập không tăng. Tự chủ tài chính khó khăn, dần dần có khi với lương cơ bản của giảng viên, nhà trường cũng không có nguồn để đảm bảo chi trả”, Giáo sư nói.

Trước những khó khăn về tài chính, trường tính đến việc cắt giảm số lượng giảng viên. Tuy nhiên, chưa cần thực hiện thì những giảng viên giỏi đã chủ động chuyển trường, chuyển việc do thu nhập hạn chế.

“Điều này dẫn đến việc suy giảm chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng giáo dục đào tạo của trường. Chất lượng đào tạo càng giảm thì chắc chắn chất lượng tuyển sinh càng giảm, nhà trường càng khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Về việc thu hút đầu tư, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết, Trường Đại học Nông Lâm là một trong những đơn vị thu hút rất tốt nguồn tài chính từ hoạt động khoa học công nghệ. Tuy khoa học công nghệ đã góp phần lớn trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo nhưng về cơ bản, nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ không hỗ trợ được cho trường trong thực hiện tự chủ tài chính.

Lý giải nguyên nhân, thầy Hùng cho biết, khoản kinh phí từ khoa học công nghệ phải để phục vụ cho hoạt động khoa học công nghệ theo đề cương chi tiết đã được phê duyệt và hỗ trợ cho cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu có thêm thu nhập. Do đó, nguồn thu từ khoa học công nghệ không đóng góp được vào quỹ lương của nhà trường hiện nay.

“Các hoạt động của trường được trích từ nguồn thu học phí của sinh viên. Còn nguồn thu từ các dịch vụ trong trường đại học không đáng kể”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Trong tương lai, nếu cắt hết nguồn kinh phí nhà nước trợ cấp, tự chủ tài chính hoàn toàn, dự kiến nhà trường sẽ phải thu hẹp quy mô tuyển sinh, cắt giảm đội ngũ giảng viên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ.

Trước những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, tự chủ tài chính, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng đề xuất một số kiến nghị:

Thứ nhất, trường đại học nằm trong đại học vùng hay không nằm trong đại học vùng phải được tự chủ đại học thực sự.

Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, trực thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm muốn tự chủ đại học một cách thực sự thì phải bỏ một số quy định của đại học vùng. Bỏ quy định đại học vùng, Trường Đại học Nông Lâm sẽ được phép mở các ngành đào tạo phục vụ yêu cầu của xã hội (đào tạo đa ngành) thay vì chỉ được đào tạo ngành học liên quan đến lĩnh vực nông, lâm nghiệp như hiện nay.

"Để đào tạo đa ngành, khắc phục khó khăn tự chủ tài chính, có thể thực hiện theo 2 cách. Một là, phải ra khỏi đại học vùng. Hai là, đại học vùng phải cho phép trường đại học trực thuộc được hoạt động như các trường đại học không thuộc đại học vùng. Khi đó, trường sẽ được phép mở đào tạo đa ngành, thu hút nhiều sinh viên”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Thứ hai, tự chủ tài chính phải đi sau tự chủ đại học.

Thực tế hiện nay, các trường chưa được tự chủ nhưng tự chủ tài chính lại đi trước nên rất khó khăn.

“Thực hiện tự chủ đại học, các trường còn quá nhiều nội dung phải phụ thuộc. Một trường đại học hoạt động đâu chỉ dừng lại ở việc thực hiện Luật Giáo dục đại học mà còn chi phối bởi các văn bản luật khác như viên chức, công chức, kế toán, kiểm toán…

Luật Giáo dục đại học cơ bản thông thoáng, nhưng tự chủ đại học gặp khó trong thực hiện các văn bản luật khác. Do đó, nói là tự chủ đại học nhưng thực tế trường chưa được tự chủ nhiều”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Thứ ba, nhà nước cần đầu tư cho giáo dục đại học. Muốn có chất lượng đào tạo tốt, đội ngũ nhân lực tốt thì phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đại học chứ không phải tự chủ đại học là cắt nguồn đầu tư của nhà nước đối với các cơ sở giáo dục.

Chia sẻ thêm, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cho biết chế độ lương giảng viên của Trường Đại học Nông Lâm thực hiện trên tinh thần có bao nhiêu chi trả bấy nhiêu.

Trong năm vừa qua, các vị trí còn trống của một số giảng viên nghỉ hưu, chuyển việc, nghỉ việc, nhà trường không dám tuyển dụng vì không có ngân sách để chi trả tiền lương. Chưa kể, số lượng đội ngũ giảng viên của trường hiện đang quá mức đáp ứng nhu cầu giảng dạy thực tế.

Hiện tại, trường có tổng gần 4 nghìn sinh viên. Đào tạo 25 ngành đào tạo cử nhân, 9 ngành đào tạo Thạc sĩ, 8 ngành đào tạo Tiến sĩ.

Ngọc Mai