Kiểm tra học kỳ sớm vừa khổ cho giáo viên vừa thiệt thòi cho học sinh

21/05/2023 06:36
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên thì khản tiếng mà học sinh không học, thậm chí không mang sách vở theo, nhiều em nghỉ học nên những bài học phía sau gần như không có hiệu quả.

Theo khung thời gian năm học của Bộ, các địa phương kết thúc năm học 2022-2023 chậm nhất vào ngày 31/5/2023 nên khoảng thời gian từ ngày 20/5 cho đến hết tháng thì các trường mầm non, phổ thông sẽ tổng kết năm học.

Tuy nhiên, dù tổng kết ở tuần nào thì điểm chung của đa phần các địa phương cũng đều tổ chức kiểm tra học kỳ II trước khi tổng kết năm học từ 1-2 tuần lễ. Đặc biệt, năm nay dịp nghỉ Lễ 30/3;1/5; giỗ tổ Hùng Vương kéo dài đến 5 ngày nên số tiết còn lại sau khi kiểm tra học kỳ II còn khá nhiều.

Vì thế, kiểm tra học kỳ II xong, bài học vẫn còn, giáo viên vẫn còn tiết dạy, vẫn phải lên lớp nhưng học sinh thì đã biết điểm học kỳ, điểm tổng kết năm học qua sổ điểm điện tử nên gần như các em không còn chú tâm vào học nữa.

Giáo viên thì khản tiếng mà học sinh không học bài, thậm chí không mang sách vở theo, nhiều em thì nghỉ học nên những bài học phía sau gần như không có hiệu quả.

Ảnh minh họa: TTXVNẢnh minh họa: TTXVN

Chương trình học còn nhiều mà thầy cô khó khăn để giảng dạy cho học trò

Theo hướng dẫn hiện hành của Bộ đối với các cấp học phổ thông, mỗi năm học có 35 tuần, học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần thực học. Vì thế, lịch kiểm tra học kỳ II ở các nhà trường thường rơi vào tuần 34 của năm học nhưng cũng có địa phương, trường học kiểm tra vào thuần 33.

Chính vì kiểm tra sớm nên số lượng bài học, số tiết học phía sau còn lại khá nhiều. Chẳng hạn như cấp Trung học cơ sở hiện nay, môn Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên có đến 4 tiết/ tuần (140 tiết/ năm); môn Lịch sử và Địa lý; Tiếng Anh có tới 3 tiết/ tuần (105 tiết/ năm).

Vì thế, nếu kiểm tra ở tuần 34 cũng đồng nghĩa mới học xong tuần 33 nên các môn học nhiều tiết sẽ còn 6-8 tiết học. Nếu kiểm tra ở tuần 33 thì mới hoàn thành xong chương trình học ở tuần 32, các môn học trên sẽ còn lại 9-12 tiết chưa dạy và học.

Đặc biệt, năm nay lịch nghỉ lễ nhiều đến 5 ngày ( trừ chủ nhật còn 4 ngày thực học) nên số tiết còn lại càng nhiều hơn (nếu nhà trường chưa tổ chức dạy bù).

Với một số lượng tiết học còn nhiều như vậy, đương nhiên là nhà trường và giáo viên phải tổ chức dạy cho học trò cho hết chương trình, nếu không dạy là vi phạm quy chế chuyên môn của ngành.

Đặc biệt, đối với những lớp đang thực hiện chương trình mới thì chương trình, sách giáo khoa thiết kế theo từng chủ đề riêng biệt, mỗi chủ đề có một nội dung kiến thức riêng biệt với nhiều bài học khác nhau.

Nếu giáo viên không dạy thì kiến thức chủ đề đó học sinh sẽ không nắm được, dẫn đến tình trạng bị hổng kiến thức đối với những năm sau này.

Thế nhưng, kiểm tra học kỳ II xong, việc bắt buộc là giáo viên phải nhập điểm lên phần mềm. Khi giáo viên nhập điểm thì học sinh sẽ biết tức thì. Một khi học sinh đã biết điểm tổng kết của mình cũng đồng nghĩa những bài học phía sau hết giá trị vì không phục vụ cho điểm số, kết quả của học trò.

Chính vì thế, đa phần học sinh không còn động lực, tâm thế học hành. Giáo viên vào lớp mà dạy cho học trò là các em nhao nhao lên xin thầy cô không học…để chơi vì tổng kết điểm rồi.

Những môn còn lại 1-2 tiết thì “chơi” đã đành nhưng những môn còn đến trên dưới 10 tiết chẳng lẽ hôm nào cũng chơi.

Giáo viên không dạy thì mấy chục học sinh ồn như cái chợ, quản không nổi. Nhưng dạy thì học sinh cũng không chú ý, không chịu thực hiện làm các nhiệm vụ giáo viên giao bằng cách…cười trừ hoặc “thưa thầy (cô) em không biết làm.

Vì vậy, những buổi học, tuần học sau khi kiểm tra học kỳ là những ngày mà giáo viên cực vô cùng. Dạy cũng khản cổ để la học sinh, không dạy càng mệt hơn mà không đúng với trách nhiệm vì bài học còn mà thầy cô không dạy. Nhưng, dạy mà học sinh không học, không hợp tác, giáo viên lại càng vất vả và mệt mỏi hơn nhiều.

Kiểm tra càng sớm, học sinh bị mất kiến thức càng nhiều hơn

Việc các địa phương, nhà trường tổ chức kiểm tra học kỳ II sớm không phải là chuyện mới mà tình trạng này vẫn thường xảy ra ở các năm học. Không chỉ trường tổ chức sớm mà nhiều năm Sở ra đề lại càng sớm hơn.

Việc tổ chức kiểm tra sớm so với khung thời gian năm học dẫn đến nhiều vất vả cho thầy cô giáo mà cực nhất là các tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường. Bởi lẽ, kiểm tra sớm bắt buộc các tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng lại phân phối chương trình để đảo tiết đối với các tuần cuối cùng của năm học. Những bài ôn tập bắt buộc phải đẩy lên trên để giáo viên ôn tập cho học trò.

Giáo viên dạy lớp thì cũng tất bật soạn lại giáo án cho phù hợp với số tiết đảo, đẩy từ dưới lên trên nhằm hướng tới việc ôn tập cho học trò được tốt nhất.

Khi kiểm tra xong, số lượng bài học một số môn còn nhiều nhưng phải khẳng định một điều là lúc này cả dạy và học đều không có hiệu quả. Khi đã có kết quả giảng dạy cũng là lúc giáo viên lại chuẩn bị với việc làm bản tự đánh giá viên chức; đánh giá chuẩn giáo viên; xét thi đua cuối năm với vô vàn những hồ sơ, hội họp.

Học sinh biết điểm, biết hạnh kiểm (rèn luyện), em nào được khen thưởng, xếp hạng mấy thì phần mềm điểm điện tử đã hiện hữu cụ thể nên các em cũng chẳng thiết tha gì với chuyện ngồi học ở các tiết cuối năm học.

Bởi, suy cho cùng khi giáo viên tổng kết điểm, xếp loại và các số liệu này đã được thống kê báo lên cấp trên và thông báo đến toàn nhà trường thì xem như tất cả đã an bài.

Lúc này, giáo viên đã vào điểm học bạ, học sinh đã biết được kết quả học tập, rèn luyện trong 1 năm, dù học, dù không những buổi học cuối cùng cũng không còn ý nghĩa. Vì thế, bài còn nhiều thì học sinh cũng chẳng đoái hoài chuyện dạy hay không dạy nữa, miễn là thầy cô không dạy là học trò vui.

Chính vì vậy, việc mất bài, hoặc dạy nhưng không có hiệu quả đối với những bài học sau khi kiểm tra học kỳ là điều hiển nhiên, ai cũng nhìn thấy.

Thế nhưng, gần như năm nào các địa phương cũng tổ chức kiểm tra học kỳ sớm. Đối với những lớp cuối cấp thì việc kiểm tra sớm còn có lý do là hoàn thành các loại hồ sơ để xét, thi tốt nghiệp và tổ chức ôn tập cho học trò đã đành.

Các lớp đầu cấp, giữa cấp cũng tổ chức kiểm tra sớm sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy và học tập đối với nhiều đơn vị kiến thức ở cuối học kỳ. Trong khi, bây giờ việc làm điểm, báo cáo đơn giản vô cùng. giáo viên chỉ cần nhập điểm lên phần mềm là có tất cả các số liệu thống kê cụ thể từng lớp, từng môn, từng giáo viên...

Chương trình 2006 thiết kế theo từng bài học riêng lẻ thì việc mất như vậy không ảnh hưởng nhiều nhưng chương trình 2018 thiết kế theo chủ đề của từng năm học. Thông thường, mỗi học kỳ, mỗi môn có 5 chủ đề. Nhưng, những trường tổ chức kiểm tra sớm đến 2 tuần lễ thì nó cũng tương đương mất đi 1 chủ đề học tập cho học trò.

Trong khi, mỗi chủ đề học hướng đến một lượng kiến thức mới, chung mà dạy và học sau khi kiểm tra học kỳ nhiều khi có dạy cũng như không. Thậm chí là giáo viên lên lớp ngồi hết tiết rồi ghi sổ đầu bài cho đúng thủ tục chứ những tiết học cuối cùng học sinh đâu còn động lực để học tập

Rốt cuộc, giáo viên thì vất vả quản lý học trò sau khi kiểm tra học kỳ, học sinh thì vào lớp nhưng cũng không học hành gì cả. Tất nhiên, những thiệt thòi thuộc về học trò khi các em không được học nhiều kiến thức ở những bài cuối cùng của năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG