Phụ cấp hiệu trưởng, hiệu phó vùng núi, vùng khó khăn hiện chưa tương xứng

25/05/2023 06:21
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cống hiến nhiều năm trong công tác lãnh đạo, hiệu trưởng, hiệu phó vùng sâu, vùng biên giới mong mỏi có mức phụ cấp tương xứng hơn.

Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập có quy định về phân hạng trường mầm non. Đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo trường hạng I được quy định có từ 6 nhóm, lớp trở lên; trường hạng II có dưới 6 nhóm, lớp.

Theo đó, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của từng hạng trường cũng có sự khác biệt, cụ thể hiệu trưởng trường hạng I có mức phụ cấp là 0,5 và hạng II là 0,35; phó hiệu trưởng trường hạng I có hệ số phụ cấp là 0,35 và hạng II là 0,25.

Một số ý kiến cho rằng việc căn cứ vào hạng trường để phân loại mức phụ cấp chức vụ đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là chưa phù hợp. Bởi trên thực tế, lãnh đạo các cơ sở giáo dục mầm non đều có chức trách, khối lượng công việc như nhau.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) cho biết trường được xếp vào vùng III (vùng đặc biệt khó khăn) và hạng I theo quy định. Trường hiện có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó quản lý 10 lớp, 199 trẻ.

Theo cô Đào, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ở các trường mầm non phần lớn đều đảm nhận các đầu việc tương đối giống nhau. Có chăng chỉ khác biệt về số lượng lớp và học sinh, đơn cử như với Trường Mầm non Trung Chải có nhiều trẻ hơn thì đã có tới 2 phó hiệu trưởng chia sẻ nên khối lượng công việc nhiều hơn hạng II không đáng kể.

Do vậy việc phân chia mức phụ cấp theo hạng trường như hiện tại có phần bất cập, thiếu công bằng. Cô Đào kiến nghị nên quy định một mức phụ cấp cụ thể đối với hiệu trưởng và không phân theo hạng trường.

Vấn đề tiếp theo được vị Hiệu trưởng chia sẻ là mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo ở các trường mầm non miền núi, vùng khó có phần chưa tương xứng với khối lượng công việc.

Cô Đào bày tỏ: “Công việc của các giáo viên ở các trường vùng cao, vùng biên giới thường khó khăn, vất vả hơn các trường đồng bằng”.

Do đặc thù của trường vùng núi, học sinh thường sinh sống theo từng điểm bản cụ thể, vì vậy ngoài trường trung tâm còn có các điểm trường nhỏ. Chính thực tế này khiến cho việc quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường vùng cao gặp nhiều gian nan hơn.

“Đều đặn hàng tuần, hay những khi cần chỉ đạo gấp ngoài trao đổi qua điện thoại thì hiệu trưởng, hiệu phó của trường còn phải chia nhau ra đến từng điểm bản để thông báo, kiểm tra hay thăm nom cuộc sống, sinh hoạt của học sinh tại mỗi điểm trường”, cô Đào chia sẻ.

Ngược lại, ở các vùng thuận lợi, vùng đồng bằng thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chỉ cần ở tại một trường để bao quát, quán xuyến công việc được giao. Hơn nữa, về môi trường giáo dục, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại, sự phát triển của xã hội cũng giúp cho công việc có phần thuận lợi.

Cô Đào nhận định, vùng miền nào cũng có khó khăn riêng, ngay cả các cơ sở giáo dục vùng đồng bằng. Tuy nhiên, trên cương vị là một người lãnh đạo nhiều năm tại các trường vùng núi, vùng khó khăn cô vẫn mong muốn được ưu tiên về mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo để phần nào thu hút được giáo viên giỏi.

Theo vị Hiệu trưởng, việc chiêu mộ được người giỏi sẵn sàng lên vùng khó để cống hiến giúp cải thiện chất lượng giáo dục, phần nào giúp vùng theo kịp sự phát triển của xã hội, từ đó dần xóa bỏ phân biệt các vùng miền.

Một Phó hiệu trưởng của một trường mầm non thuộc vùng biên giới (đề nghị không nêu tên) hiện đang được hưởng hệ số phụ cấp là 0,35 chia sẻ, căn cứ theo quy định phân hạng trường, trường mầm non cô phụ trách hiện có 13 lớp, ở miền núi nên được xếp vào trường hạng I.

Theo cô, đối với khu vực miền núi các trường hạng I sẽ có phần thuận lợi hơn trường hạng II. Trong khi đó trường hạng II theo quy định chỉ được sắp xếp 1 phó hiệu trưởng vì thế mà khối lượng công việc khá nặng nề, vất vả khi vừa cáng đáng công việc quản lý, vừa tham mưu với hiệu trưởng để xây dựng trường có hiệu quả hơn.

Vì vậy, theo vị Phó hiệu trưởng này nên để cùng một mức phụ cấp theo vị trí việc làm đối với lãnh đạo trường mầm non. Tuy nhiên, cô cũng đưa ra kiến nghị cần có cơ chế chi tiết về vấn đề này để tránh gây thiệt thòi cho giáo viên có thâm niên, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó lâu năm.

Cô phân tích nếu phân chia theo vị trí việc làm cần chú trọng hơn trong việc chia theo cả thâm niên trong nghề, ví dụ như 5 năm, 10 năm, 20 năm. Bởi sẽ có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cống hiến 15-20 năm ở vùng khó, vùng biên giới, hải đảo mà mức phụ cấp cũng được xếp bằng với người lãnh đạo ở vùng đồng bằng, thuận lợi hay bằng những người có thâm niên thấp hơn thì rất bất cập.

Cùng chung ý kiến với cô Đào, vị Phó hiệu trưởng này cho biết mức phụ cấp chức vụ hiện tại đối với giáo viên mầm non nói chung và đối với vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo nói riêng còn thấp.

Cô chia sẻ: “Làm giáo viên mầm non khá áp lực, phần lớn đều làm việc từ 10-12 tiếng/ ngày. Ngược lại, mức lương và đãi ngộ lại quá eo hẹp khiến nhiều giáo viên đôi khi cũng không còn tâm huyết với nghề”.

Vị Phó hiệu trưởng lý giải thêm, ở các vùng cao, miền núi, ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ còn hạn chế, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chuyên môn, cung cấp kiến thức. Ngoài ra, các điểm bản không tập trung nên công tác quản lý dù cố gắng đến đâu cũng khó đảm bảo được đồng đều, toàn diện. Đặc biệt, tại một số điểm trường không có điện lưới quốc gia cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ.

Vì vậy, những người làm lãnh đạo của nhà trường như cô còn phải gánh vác trách nhiệm đảm bảo những điều kiện tối thiểu nhất cho học sinh chứ không đơn thuần chỉ chăm sóc, giáo dục.

Từ đó, vị Phó hiệu trưởng kiến nghị cần có cơ chế quan tâm hơn về các mức phụ cấp, ưu tiên đối với giáo viên mầm non. Đồng thời đối với các cá nhân đã cống hiến nhiều năm ở vùng sâu, vùng xa cần có một chính sách để động viên, khích lệ tạo động lực để giáo viên bám nghề, cống hiến, phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Phương Nga