Dự thảo Khung năng lực số: Nên quy định năng lực tối thiểu mỗi cấp học, bậc học

25/10/2024 06:40
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khung năng lực số là nền tảng để xây dựng công dân số, nhưng để áp dụng vào chương trình đào tạo, cần xây dựng phù hợp với người học các cấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực: Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh.

Mức độ thành thạo của người học được chia thành 4 trình độ bao gồm cơ bản, trung cấp, nâng cao và chuyên sâu, bên cạnh đó, xác định 8 cấp độ từ cơ bản đến chuyên gia.

Phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động về nguồn nhân sự số

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Theo tôi, đây là một trong những khung năng lực được xây dựng cẩn thận, chi tiết, tổng thể và mang tính chất nền tảng. Phải khẳng định, bất kỳ công dân nào muốn hội nhập với môi trường toàn cầu, đều phải có năng lực số, đặc biệt khi công nghệ thông tin và AI đang rất phát triển trong cuộc cách mạng 4.0 này.

Điều đó yêu cầu trong thời gian tới, tất cả cơ sở giáo dục đào tạo từ cấp tiểu học đến đại học, sau đại học sẽ phải nâng cao trình độ năng lực số của học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh. Ngay cả những người đã qua thời kỳ đi học vẫn phải cập nhật hằng ngày nhằm nâng cao kỹ năng của mình. Vì vậy, khung năng lực số về cơ bản là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết”.

gs-ts-chu-duc-trinh.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Về triển khai khung năng lực số, thầy Trình chia sẻ: “Đối với những sinh viên có kiến thức, kỹ năng chuyên ngành tốt, nếu được trang bị thêm năng lực số, sẽ có cơ hội việc làm rộng mở hơn. Ngay cả các doanh nghiệp toàn cầu cũng nhận xét rất rõ ràng rằng, nếu công dân ở các quốc gia phát triển không có năng lực số sẽ rất chật vật trong cuộc sống sau này, không chỉ riêng các nước đang phát triển.

Vì vậy, đối với khung năng lực số, các cơ sở giáo dục đại học cần đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, đồng thời chính sinh viên cũng phải tự tìm hiểu, nâng cao năng lực số của bản thân dựa trên cơ sở vật chất và nền tảng kiến thức nhà trường cung cấp”.

Đồng quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Việc đưa khung năng lực số vào chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam là một vấn đề bức thiết, giúp chuẩn hóa và phát triển năng lực số cho người học.

Từ đó, tạo ra những công dân số có khả năng sử dụng công nghệ thông minh hiệu quả, tận dụng được các cơ hội phát triển trong thế giới số, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này đặc biệt cần thiết hơn để thực hiện mục tiêu Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Phó Giáo sư Trần Thành Nam cũng cho biết, khung năng lực số được nêu trong dự thảo với các miền năng lực đã có sự cập nhật và tương thích với khung năng lực số của UNESCO, khung năng lực số Châu Âu - DigComp 2.0; khung năng lực số của Microsoft - Digital Literacy Standard Curriculum; hay khung năng lực số của Hội đồng Thủ thư Đại học Úc (CAUL - Council of Australian University Librarians).

Bên cạnh đó, khung này cũng được cập nhật thêm nội dung về trí tuệ nhân tạo tạo sinh (một dạng AI có thể tạo ra nội dung và ý tưởng mới). Có thể nói, rất phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn nhân sự số của thị trường lao động.

Theo dự thảo, khung năng lực số hướng đến mục đích làm căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, trở thành khung tham chiếu về tiêu chuẩn và hướng dẫn cho việc phát triển các năng lực số, để các cơ sở giáo dục xác định nội dung, phương thức giúp người học có được năng lực số phù hợp đối với từng cấp học, bậc học.

Cần yêu cầu tích hợp khung năng lực số vào chuẩn đầu ra chương trình đào tạo

Đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết, nếu áp dụng khung năng lực số như dự thảo này vào chương trình đào tạo của các nhà trường, việc triển khai sẽ không quá phức tạp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam chỉ ra, khi đã xác định được khung năng lực số tương ứng với các trình độ, cấp học, bậc học cụ thể, việc xây dựng tài liệu, chương trình bồi dưỡng sẽ đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục, hoạt động đánh giá năng lực số hình thành qua từng giai đoạn cũng dễ định lượng và đối sánh.

Tuy nhiên, đào tạo sinh viên theo khung năng lực số vẫn gặp nhiều thách thức, bao gồm sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị Internet và chi phí kết nối giữa các vùng miền; ngoài ra, còn là bài toán về năng lực số của đội ngũ giảng dạy hiện nay.

Sự khác biệt giữa những thuận lợi, khó khăn của các cơ sở giáo dục, nếu không có chính sách đặc thù hỗ trợ có thể tạo ra bất bình đẳng và khoảng cách số ngày càng xa giữa các vùng miền, đặc biệt là ở nông thôn, vùng núi.

PGS.TS Trần Thành Nam.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website trường.

Nhằm nâng cao khả năng áp dụng khung năng lực số tại cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam bày tỏ: “Cần yêu cầu các cơ sở giáo dục, đặc biệt là học viện, trường đại học, cao đẳng phải tích hợp khung năng lực số vào chuẩn đầu ra của tất cả chương trình đào tạo của nhà trường, đảm bảo quá trình thiết kế và phát triển chương trình đào tạo có học phần cụ thể hướng đến mục tiêu thành phần của khung năng lực số.

Theo đó, bản thân các cơ sở giáo dục cần tập huấn nâng cao năng lực cho giảng viên theo mô hình TPACK (ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy). Mô hình này cung cấp một lộ trình tích hợp AI vào giáo dục, giúp giảng viên phát triển năng lực và kiến thức cần thiết để dạy học phần liên quan tới năng lực số một cách hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục nên tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Edtech (ứng dụng công nghệ trong ngành giáo dục nhằm cải thiện quá trình học tập), để trang bị cung cấp phần mềm, thiết bị, cơ sở vật chất cho giảng viên và sinh viên.

Ngoài ra, cũng cần tạo môi trường khuyến khích, các bộ công cụ chuẩn đánh giá năng lực số định kỳ, để đo lường sự tiến bộ của người học về năng lực số, từ đó điều chỉnh chương trình nội dung đào tạo cho phù hợp hơn”.

Hướng tới chương trình đào tạo tích hợp khung năng lực số, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho biết, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đầu tư cho sinh viên kiến thức chuyên ngành, kỹ năng chuyên sâu liên quan đến công nghệ, lập trình, ứng dụng công nghệ thông tin từ sớm. Do đó, sinh viên khi tiếp cận khung năng lực số, sẽ không có gì quá bỡ ngỡ.

“Trong thời gian qua, nhà trường có những chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác quản trị số. Trường hiện đang áp dụng công nghệ số vào chương trình đào tạo, phân bổ đến từng môn học, từng buổi học và cả trong các kỳ họp. Tất nhiên, để đạt được điều này, cần sự đầu tư về cơ sở vật chất và cả tinh thần, thái độ học hỏi của chính người trong cuộc”, Giáo sư Chử Đức Trình cho biết.

Thầy Trình cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư nội dung trong chương trình giảng dạy. Để sinh viên tiệm cận nhất với khung năng lực số, các trường cần rà soát tất cả các môn học, sao cho chuẩn đầu ra của những học phần về lĩnh vực công nghệ thông tin khớp với yêu cầu sinh viên cần đạt được trong khung năng lực số.

“Quan trọng hơn nữa, khi chúng ta thiết kế ra môn học hướng tới mục tiêu thành phần của khung năng lực số, phải đi liền với tài liệu học tập, môi trường học tập được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá. Ngoài ra, chương trình đào tạo phải đáp ứng yêu cầu của sinh viên và phù hợp với trình độ giảng dạy của giảng viên. Việc khảo sát, tạo công cụ đánh giá mức độ đáp ứng của công dân đối với khung năng lực cũng là điều cần thiết”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Cần bổ sung và xây dựng văn bản hướng dẫn trong dự thảo

Bên cạnh những mặt cấp thiết được nêu trong dự thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) nhận định, cần có những hướng dẫn cụ thể về năng lực số tối thiểu cho mỗi cấp học, bậc học.

Đánh giá về khả năng đáp ứng khung năng lực số trong đào tạo đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền chia sẻ: “Sự không đồng đều về năng lực số của người học từ khi học phổ thông sẽ gây ra những khó khăn nhất định trong việc tổ chức đào tạo. Điển hình như học sinh học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, cơ hội tiếp xúc với công nghệ thông tin cũng khác.

Tới đây, học sinh tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng có sự chênh lệch khá nhiều về năng lực số, do việc lựa chọn/không lựa chọn môn Tin học trong chương trình trung học phổ thông”.

Vị phó giáo sư cũng cho biết thêm, năng lực số áp dụng cho tất cả người học, tuy nhiên tùy thuộc vào cấp học, bậc học, mà từng đối tượng sẽ đạt được mức độ thành thạo riêng đối với mỗi năng lực thành phần (trong 24 năng lực thành phần) và ở bậc nào (trong 8 bậc).

PGS.TS Trần Ngọc Tuyền.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế). Ảnh: Website trường.

“Đến nay, khung năng lực số mới chỉ là dự thảo với những quy định chung. Tôi cho rằng, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra những quy định cụ thể hơn về năng lực số tối thiểu cho mỗi cấp học, bậc học. Lúc đó, chúng ta mới có sở để nhận định, đánh giá khung này có phù hợp cho hệ thống giáo dục quốc dân hay không.

Chẳng hạn, trong dự thảo, bậc 8 thuộc mức độ thành thạo "chuyên sâu" của năng lực thành phần số (mục 6.3 "Đánh giá trí tuệ nhân tạo") quy định, người học đạt được mức này có thể nghiên cứu và phát triển các phương pháp đánh giá mới cho hệ thống AI, lãnh đạo dự án đánh giá hệ thống AI và đưa ra báo cáo chi tiết.

Trên thực tế, điều này rất khó để sinh viên, học viên cao học hay ngay cả nghiên cứu sinh về lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin đạt được. Vì người học có thể nghiên cứu, vận dụng công nghệ thông tin theo hướng khác trong quá trình học tập. Còn những sinh viên theo học ngành không liên quan đến công nghệ số, chắc chắn sẽ không thể đạt được cấp bậc cao đối với năng lực này”, Phó Giáo sư Trần Ngọc Tuyền chia sẻ.

Thầy Tuyền cho rằng: "Dự thảo chưa có công thức để có thể quy 24 năng lực thành phần với 4 trình độ, 8 bậc về một cấp bậc chung, nên việc đánh giá sinh viên tốt nghiệp đạt đến trình độ nào và bậc bao nhiêu là một việc khó.

Do đó, nhà trường mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung, hoàn chỉnh khung năng lực số nếu áp dụng vào hệ thống giáo dục quốc dân".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tuyền cũng khẳng định: “Trước hết, chúng ta cần hoàn thiện về khung năng lực số, phù hợp với thực tiễn và có tính đến sự phát triển của khoa học tại Việt Nam trong thời gian tới. Sau khi hoàn thiện khung năng lực số, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định cụ thể về năng lực tối thiểu cho mỗi cấp học, bậc học, thậm chí cho từng ngành học ở trình độ đại học.

Bên cạnh đó, chúng ta cần huy động các nhà khoa học, các giáo viên phổ thông, giảng viên đại học cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho mỗi cấp học, bậc học. Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học, có tính tự chủ cao trong xây dựng chương trình, cần có các bước chuẩn bị ngay từ bây giờ để xác định năng lực số cho sinh viên nhà trường.

Đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về các kỹ năng mới trong năng lực số; xem xét kế hoạch triển khai biên soạn giáo trình, tài liệu; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ cho việc đào tạo sinh viên theo khung năng lực số”.

Ngọc Huyền