GV Ngữ văn nêu 3 áp lực với nghề, có phụ huynh gọi điện chỉ than phiền điểm số

06/12/2024 06:42
Trần Văn Tâm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Môn Ngữ văn có sự thay đổi nhiều từ thiết kế chương trình, tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá nên gây ra nhiều áp lực cho người dạy so với những môn dạy khác.

Với Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, học sinh bắt buộc học và kiểm tra đánh giá bằng điểm số 4 môn trong suốt cấp trung học phổ thông là Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh và Lịch sử. Trong đó, chỉ có môn Ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, 3 môn còn lại thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp.

Đến nay, Chương trình mới đã triển khai được hơn 2 năm học và đang hướng đến kỳ thi tốt nghiệp với lứa học sinh đầu tiên của chương trình mới. Đợt đổi mới giáo dục phổ thông lần này, môn Ngữ văn thay đổi nhiều nhất từ thiết kế chương trình, tổ chức dạy và học, kiểm tra đánh giá nên gây ra nhiều áp lực cho người dạy so với những môn dạy khác.

4-4766.png
Giáo viên đang phải đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Áp lực từ cha mẹ học sinh

Mới đây, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố những áp lực của nhà giáo bao gồm: áp lực từ phụ huynh học sinh; áp lực với các quy định về chuẩn mực nhà giáo, thái độ với học sinh; áp lực với thời gian hoạt động ngoài dạy; áp lực với thời gian giảng dạy; áp lực với công việc liên quan đến chuyên môn.

Nhóm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Phú Trần Tình đã phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp và khảo sát khoảng 12.500 giáo viên mầm non và phổ thông ở 3 địa phương Tây Ninh, Bình Thuận, Hậu Giang trong tháng 9 và tháng 10.

Là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, tôi không bất ngờ với kết quả có tới 70,21% giáo viên nói rằng họ bị áp lực từ phụ huynh. Trong đó, có khoảng 40,6% giáo viên từng có ý định bỏ nghề do áp lực từ cha mẹ học sinh.

Tại nơi người viết đang công tác, bên cạnh đa số phụ huynh chú trọng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất, sở trường của con cái, khéo léo phối hợp với giáo viên trong suốt quá trình giáo dục con cái thì vẫn có một bộ phận không nhỏ những bậc phụ huynh nuông chiều con cái đến mức thái quá.

Họ thường không tiếp thu ý kiến từ phía giáo viên mà chỉ ưa nhận những lời khen ngợi về con mình, thậm chí còn bênh vực con cái để tránh bị xử lý khi vi phạm nội quy nhà trường.

Trong số đó có cả những phụ huynh là giáo viên đang công tác ở các trường khác trên địa bàn. Do đặt kỳ vọng quá lớn vào khả năng của con cái nên họ thường can thiệp sâu vào chuyên môn của đồng nghiệp và thường xuyên gọi điện chỉ để than phiền về điểm số thấp của con họ. Lẽ ra, thay vì vậy, họ nên nhờ giáo viên tư vấn về phương pháp học tập hiệu quả hoặc giới thiệu tài liệu hỗ trợ con em mình học tập.

Ngoài ra, có phụ huynh chỉ tin theo lời con cái, có phụ huynh chỉ mong muốn con mình đạt danh hiệu khen thưởng để giữ thể diện trước đồng nghiệp mà không kiềm chế được cảm xúc và thái độ khi giao tiếp với giáo viên.

Tại Điều 8, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), có nêu trách nhiệm của cha mẹ học sinh:

“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tuân thủ quy định của Điều lệ và nội quy nhà trường” (Điểm a).

“Chịu trách nhiệm đối với sai phạm, khuyết điểm của con em mình theo quy định của pháp luật và thực hiện các khuyến nghị của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp trong việc phối hợp với nhà trường để chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh” (Điểm c).

Thiết nghĩ, gia đình là một môi trường giáo dục quan trọng nhất của con cái, gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và xã hội để giáo dục các em thành nhân trước khi thành danh.

Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận Dự thảo Luật Nhà giáo, bàn nhiều về nội dung bảo vệ danh dự của nhà giáo. Nếu nội dung này được thông qua sẽ tạo ra hành lang pháp lý kiến tạo một không gian giáo dục an toàn, tân tiến. Điều đó có lợi cho cả người học và người dạy, là yếu tố quyết định sự thành công trong sự nghiệp giáo dục.

Áp lực từ điểm số đánh giá trong học bạ học sinh

Sắp tới mùa tuyển sinh năm 2025, một số trường đại học đã công bố giảm tỷ lệ hoặc không còn sử dụng phương thức tuyển sinh bằng học bạ nữa, mà thay thế bằng phương pháp khác công bằng, chính xác hơn. Điều này đã làm cho vấn đề điểm số “hạ nhiệt” nhưng chưa hết “nóng” bởi còn nhiều lý do. Nếu điểm số học bạ chỉ dùng để đánh giá mức độ tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, không tham gia trong xét tuyển sinh đại học thì giáo viên sẽ không còn áp lực.

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn, năm học 2024-2025 không còn xếp loại học lực của học sinh theo 5 mức độ Giỏi - Khá - Trung bình - Yếu - Kém. Theo đó, không còn danh hiệu “học sinh tiên tiến”, nhưng vẫn có danh hiệu "học sinh xuất sắc" và "học sinh giỏi". Song, 2 danh hiệu này chỉ xét cuối năm học để khen thưởng chứ không thể hiện trong học bạ.

Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì dự kiến xét tốt nghiệp tính điểm học bạ tới 50% nên chuyện điểm số trên lớp cũng sẽ là vấn đề giáo viên và gia đình, học sinh lưu tâm.

Cụ thể, tại Điều 45 của Dự thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến tính điểm xét tốt nghiệp gồm 2 thành phần điểm như sau: điểm trung bình của ba lớp 10, 11 và 12 chiếm 50% (trong đó điểm lớp 10 hệ số 1, lớp 11 hệ số 2, lớp 12 hệ số 3); điểm trung bình của 4 môn thi tốt nghiệp và điểm khuyến khích (nếu có) chiếm 50%.

Đây là điểm mới trong dự thảo xét điểm tốt nghiệp năm 2025. Trước đây, điểm học bạ tham gia xét tốt nghiệp chỉ có sử dụng điểm trung bình các môn của lớp 12 và chỉ chiếm 30%.

Chính điểm mới này làm cho giáo viên dạy những môn học có đánh giá bằng điểm số phải cân nhắc đến quyền lợi của học sinh, bởi không thể để học sinh của lớp mình, trường mình dạy bị thiệt thòi hơn so với học sinh khác.

Hơn nữa, dự thảo lấy ý kiến từ đầu năm học này, nếu được thông qua thì điểm lớp 12 phải cải thiện, để bù lại điểm số của 2 năm học trước. Dù không chạy theo thành tích nhưng cũng không thể đánh giá sát sao kết quả học tập của học sinh. Cũng không có thang đo nào chuẩn mực dùng chung giữa các trường, bởi Chương trình mới dạy học theo năng lực và đánh giá theo năng lực người học.

Không thể nói rằng đề kiểm tra của trường chuyên ngang bằng đề kiểm tra của trường trung học phổ thông không chuyên, đề kiểm tra học sinh trường phổ thông tương đương với đề kiểm tra ở trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp.

Áp lực từ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Đổi mới giáo dục lần này được xem là một cuộc “cách mạng” đối với ngành giáo dục nói chung, đặc biệt đối với môn Ngữ văn nói riêng. Nếu Chương trình năm 2006, môn Ngữ văn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chuẩn kiến thức, kỹ năng với những tác phẩm quanh đi quẩn lại trong sách giáo khoa thì môn Ngữ văn hiện hành dạy theo năng lực và phẩm chất người học theo quy định của chương trình.

Người viết còn nhớ, lúc mới triển khai chương trình môn Ngữ văn đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều, thậm chí gay gắt từ những giáo viên quen với “đường mòn lối mở” của chương trình cũ. Nhưng qua hơn 2 năm thực hiện, có thể nói Chương trình mới đã dần bộc lộ rõ nét ưu điểm, phát huy năng lực của người học mà người trực tiếp giảng dạy không thể phủ nhận.

Thứ nhất, học sinh không còn học tủ, học vẹt, học thuộc lòng văn mẫu, vay mượn lời văn của người khác theo kiểu “tầm chương trích cú” mà cố gắng tư duy, cảm thụ để hiểu nội dung bài học; từ đó vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học để làm bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ, quan trọng hơn hết là biết viết văn bằng cảm xúc chân thành của bản thân.

Thứ hai, ngoài những tác phẩm bắt buộc như Nam quốc sơn hà (Thời Lý), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh; học sinh được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước, từ đông sang tây.

Thứ ba, học sinh bước đầu biết nhận diện và phân biệt được các kiểu văn bản, các thể loại của văn bản văn học và những đặc điểm cơ bản của từng thể loại; biết sử dụng tri thức/ kiến thức ngữ văn để tìm hiểu một văn bản mới lạ.

Thứ tư, học sinh được rèn luyện 4 kỹ năng là đọc, viết, nói và nghe được thiết kế xuyên suốt theo trục thể loại từ lớp 10 đến lớp 12. Chính điều đó giúp cho người học thuần thục về các kỹ năng và nhuần nhuyễn về đặc trưng của từng thể loại.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chương trình, trước tiên đòi hỏi nhà giáo phải nỗ lực nhiều hơn so với chương trình cũ, giáo viên đầu tư chuyên môn nhiều hơn, vừa dạy vừa tự bồi dưỡng nâng tầm bản thân.

Bên cạnh những ưu điểm của Chương trình thì giáo viên Ngữ văn chịu nhiều áp lực.

Khi kiểm tra đánh giá, ngữ liệu được chọn trong đề phải mới, không có trong sách giáo khoa, tương đương với ngữ liệu đã học, mang đầy đủ đặc trưng thể loại, nội dung phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và đặc sắc về nghệ thuật thì mới đánh giá được năng lực đọc hiểu, năng lực viết và cảm thụ văn học của người học. Có thể nói, đây là thử thách năng lực chuyên môn và khả năng chuyên nghiệp của giáo viên.

Khi chấm bài kiểm tra, giáo viên cũng đối mặt với thách thức khác. Bởi chương trình thiết kế theo hướng mở, đề kiểm tra phải thiết kế hệ thống câu hỏi theo hướng mở nên phải chấp nhận nhiều ý kiến trái chiều của bài làm, miễn sao có cách diễn đạt thuyết phục và hợp lý. Nhưng không phải giáo viên nào cũng chịu khó đọc, cảm thụ bài viết của học sinh và đánh giá chính xác, đúng năng lực của người học.

Trong mỗi học kỳ, môn Ngữ văn có 4 lần kiểm tra đánh giá thường xuyên và 2 lần kiểm tra đánh giá định kỳ. Tuy rằng trong Thông tư 22, Bộ Giáo dục chỉ ra nhiều hình thức kiểm tra đánh giá (bài kiểm tra, bài thực hành, dự án học tập) nhưng phần đông giáo viên và nhà trường thống nhất chọn hình thức bài kiểm tra, chủ yếu là tự luận để học sinh có cơ hội rèn luyện tiệm cận với định dạng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp.

Sau khi tổng kết năm học, giáo viên môn Ngữ văn còn phải tham gia chấm thi tuyển sinh lớp 10tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là nhiệm vụ cao cả của nhà giáo, đòi hỏi phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt nhưng đồng thời cũng rút ngắn thời gian nghỉ hè hơn so với đồng nghiệp dạy bộ môn khác.

Để thực hiện Chương trình mới có hiệu quả và tạo sự công bằng cho giáo viên môn Ngữ văn với những giáo viên dạy bộ môn khác, giáo viên Ngữ văn đề xuất Bộ Giáo dục xem xét phương án tính tiền soạn bài, chấm bài kiểm tra như trước đây hoặc quy đổi thành tiết dạy trong tuần, trong năm cho giáo viên như Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đề xuất trong phiên thảo luận sáng ngày 20/11.

Vì đây là môn đặc thù trong ngành đặc thù nên cần có cơ chế đặc thù cho nhà giáo dạy bộ môn này.

Nhìn ở góc độ khác, từ kết quả khảo sát của Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, có tới 94,23% giáo viên vẫn muốn theo đuổi nghề giáo vì lòng yêu nghề, yêu học trò; 91,6% giáo viên vì lý tưởng, xem đây là nghề cao quý.

Vậy nên, Luật Nhà giáo cần được thảo luận kỹ lưỡng, trách nhiệm và ban hành kịp thời để bảo vệ nhà giáo, đồng thời tôn vinh lý tưởng cao cả của những người ươm mầm tri thức cho học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm