Giáo viên “một mình đóng hai vai” trong hoạt động hướng nghiệp phổ thông

09/12/2024 06:40
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Vừa đảm nhiệm vai trò dạy học, vừa kiêm chuyên gia tư vấn, nhiều giáo viên trong các trường phổ thông phải “một mình đóng hai vai”, giúp học sinh hướng nghiệp.

Hiện nay, không ít học sinh trung học phổ thông cảm thấy bối rối, khó đưa ra lựa chọn và định hướng cho bản thân khi chọn ngành, chọn nghề cho tương lai.

Chính vì vậy, hoạt động hướng nghiệp lại càng có ý nghĩa quan trọng với các học sinh, đặc biệt với học sinh cuối cấp. Đây cũng là nhiệm vụ được nhiều cơ sở giáo dục đặt ra, với mục đích định hướng, hỗ trợ học sinh chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế và đúng với đam mê của mình.

Một lớp hơn 40 học sinh, giáo viên "gánh gồng" với hàng chục định hướng

“Em thích tìm hiểu về đồ công nghệ và dự định sẽ học ngành liên quan đến điện tử. Tuy nhiên em vẫn còn khá mông lung về lựa chọn này”, nam sinh L.H.A. - một học sinh lớp 11 tại tỉnh Thanh Hoá chia sẻ về định hướng của mình.

Mất hơn một năm, nam sinh này mới xác định được điều mà mình quan tâm và yêu thích. Dù vậy, để chắc chắn về con đường phía trước, H.A. cho biết, bản thân vẫn cảm thấy bối rối giữa nhiều ngành học khác nhau. Ngay cả việc phải xác định mức điểm cần đạt được, làm mục tiêu phấn đấu cũng trở nên khó khăn với học sinh này.

H.A. bộc bạch: “Năm lớp 10, em đã được tiếp cận với các thông tin về ngành nghề dưới sự hướng dẫn và chia sẻ của giáo viên thông qua Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tuy nhiên, khi đó, em chưa ý thức rõ bản thân thích gì và phù hợp với lĩnh vực nào.

Đến năm lớp 11, em mới bắt đầu hiểu về chính mình qua mỗi tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Em còn nhớ, khi giáo viên yêu cầu cả lớp viết điều mình thích nhất vào một tờ giấy, chữ ‘công nghệ’ nảy ra trong đầu em ngay tức khắc. Lúc đó, em nhận ra, bản thân đã dần xác định được lĩnh vực mà mình có hứng thú”.

Nam sinh này cũng chia sẻ thêm: “Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ có tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, với những nội dung được phân bố từ khám phá bản thân đến xác định ngành nghề, cuối cùng là xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập theo định hướng ngành, nghề lựa chọn.

Riêng với bản thân em, tuy đã xác định được lĩnh vực mà mình yêu thích, nhưng để chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế và định hướng lâu dài, vẫn là một trở ngại.

Em vẫn chưa thể đặt ra mục tiêu cuối cùng của mình. Có quá nhiều trường đại học, cao đẳng dạy ngành liên quan đến công nghệ. Em chưa hỏi giáo viên sâu hơn về vấn đề này, bởi lớp có sĩ số hơn 40 học sinh, mỗi bạn thích một ngành khác nhau. Để giải đáp hết sẽ mất rất nhiều thời gian trong tiết học.

Chưa kể, cô giáo phụ trách dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại trường vốn có chuyên môn về một môn học khác. Vì vậy, với ngành nghề liên quan đến môn học của cô, cô sẽ đưa ra nhiều phân tích sâu, song, với các ngành nghề khác, việc tư vấn sẽ không thể chi tiết bằng”.

Tương tự trường hợp trên, nam sinh Đỗ Hoàng Minh - lớp 12 Trường Trung học phổ thông Ngọc Lặc (Thanh Hoá) cũng chia sẻ: “Qua các tiết Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, em đã hiểu hơn về mong muốn của bản thân, xác định rõ những sở trường, sở đoản. Điều đó giúp em dễ dàng xác định ngành nghề phù hợp với mình”.

z6091739838101_77babf16cea757b020701ca9564277bd.jpg
Nam sinh Đỗ Hoàng Minh - học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Ngọc Lặc (Thanh Hoá). Ảnh: NVCC.

Hoàng Minh cho biết, giáo viên phụ trách dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ tư vấn ngành nghề cho học sinh sau khi theo dõi kết quả học tập và lắng nghe nguyện vọng, sở thích. Một lớp học với hàng chục học sinh, cũng là hàng chục ước mơ, hoài bão khác nhau. Chỉ riêng việc tìm hiểu mỗi học sinh phù hợp với ngành gì cũng đã hết thời lượng một tiết học.

“Khi nắm được bảng điểm chung các môn, thầy cô giáo thường đánh giá và so sánh sự chênh lệch giữa các môn học. Sau đó, thầy cô sẽ tư vấn nên chọn tổ hợp xét tuyển nào, với thực lực của học sinh, nên đặt mục tiêu xét tuyển ở trường nào. Từ đó, cô kể tên các trường đại học, cao đẳng phù hợp để học sinh tham khảo.

Nhờ có giáo viên định hướng, em cảm thấy thuận lợi hơn khi xác định mục tiêu và đặt ra ngưỡng điểm mình cần phấn đấu. Tuy nhiên, em nhận ra rằng, không phải trường hợp nào giáo viên cũng có thể nắm bắt và tư vấn ngay trong tiết học.

Chẳng hạn, một số bạn yêu thích những ngành nghề như hàng không, vũ trụ, thiên văn học, hay nghệ thuật..., giáo viên sẽ phải tìm hiểu và nghiên cứu xem trường nào đào tạo, điểm sàn, điểm chuẩn trúng tuyển thường lấy bao nhiêu. Trong khi đó, thầy cô vẫn phải soạn giáo án, dạy các môn học khác. Vì vậy, chúng em thực sự biết ơn khi thầy cô đã quan tâm và tư vấn tận tình cho từng học sinh”, nam sinh Đỗ Hoàng Minh thổ lộ.

Trường đại học tư vấn kiêm tuyển sinh, khiến hoạt động hướng nghiệp bị... mất thực chất

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phạm Phước Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Các giờ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được triển khai theo đúng chương trình giáo dục phổ thông 2018, được tổ chức tại lớp học.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là một trong 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc tại nhà trường, với 105 tiết học/năm, tương đương 3 tiết/tuần. Nhà trường luôn sắp xếp để học sinh được tham gia đầy đủ, đúng theo chủ đề đã đưa ra. Chính vì vậy, việc tổ chức thực hiện tại trường không gặp nhiều khó khăn”.

Thầy Cường cho biết, hầu hết hoạt động tư vấn, hướng nghiệp đều được đan xen trong tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp này. Không phân biệt giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên bộ môn, tuỳ theo khối lượng công việc, nhà trường sẽ sắp xếp linh động để các thầy, cô luân phiên đảm nhiệm.

“Với các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, sẽ thiết thực hơn nếu có sự phối hợp từ nhiều trường học, doanh nghiệp hay chuyên gia. Những trường học ở địa phương có sự phát triển mạnh về kinh tế, có nhiều doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi để học sinh tìm hiểu và tham khảo ngành nghề.

Riêng các trường ở vùng nông thôn, khi không có điều kiện tổ chức dã ngoại, tham quan, trải nghiệm hướng nghiệp, thường mời trường đại học về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng cũng đã nhiều lần hợp tác cùng doanh nghiệp, trường đại học để tư vấn, hướng nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị này thường đến để tư vấn kiêm tuyển sinh, lại khiến hoạt động hướng nghiệp bị... mất thực chất”, vị hiệu trưởng cho biết.

Thầy Phạm Phước Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng (Kiên Giang). Ảnh: NTCC.

Thầy Phạm Phước Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Hưng (Kiên Giang). Ảnh: NTCC.

Đồng quan điểm trên, thầy Trần Đình Hường - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ, vào khoảng tháng 3 hằng năm, nhà trường sẽ tổ chức Ngày hội hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, hoạt động này lại trở thành nơi “tuyển sinh” sớm của các trường đại học tham gia.

“Nhà trường tổ chức Ngày hội hướng nghiệp để tạo phong trào, tinh thần cho học sinh hăng hái khi tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi sẽ khảo sát, phát giấy mời đến các trường đại học mà nhiều học sinh có nguyện vọng.

Tuy nhiên, khi đến trường, một số đơn vị chỉ chú trọng tư vấn cho học sinh về trường họ, không dành nhiều quan tâm đến các ngành nghề khác. Mỗi năm, nhà trường chỉ mời được khoảng 4-5 trường đại học”, thầy Hường cho biết thêm.

thầy Hường.jpg
Thầy Trần Đình Hường - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh). Ảnh: hatinh.edu.vn.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi đánh giá, việc giáo viên chủ động nắm bắt và tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh vẫn đem lại hiệu quả cao, so với việc cho học sinh đi tham quan, dã ngoại hay mời các đơn vị bên ngoài về tư vấn.

Thầy Hường cũng cho biết, một số giáo viên đang phải “một mình đóng hai vai”, vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên bộ môn, vừa phụ trách tư vấn, hướng nghiệp trong trường. Để hỗ trợ giáo viên, nhà trường luôn cung cấp tài liệu tập huấn theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

“Nhà trường rất muốn có một vị trí viên chức tư vấn riêng để đảm nhận công việc hướng nghiệp này, tuy nhiên rất khó. Bởi, một viên chức tư vấn hướng nghiệp cần được đào tạo bài bản về nghiệp vụ và có hiểu biết sâu rộng về nhiều mảng khác nhau.

Thay vào đó, nhà trường đã thành lập Ban tư vấn hướng nghiệp, với sự tham gia của hiệu trưởng, hiệu phó, một số giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn có kinh nghiệm trong hoạt động hướng nghiệp. Ban tư vấn hướng nghiệp chia ra một tổ phụ trách nghiên cứu đề án tuyển sinh của các trường đại học, để định hướng cách học cho học sinh đạt được kết quả tốt nhất.

Một tổ khác sẽ phụ trách tư vấn học sinh du học, xuất khẩu lao động hay học nghề, đưa ra những con đường cho học sinh tham khảo, cân nhắc, sao cho đảm bảo được quyền lợi của các em khi tốt nghiệp”, thầy Hường cho biết.

Nên có Ban tư vấn hướng nghiệp trong mỗi trường

Bên cạnh đó, thầy Trần Đình Hường đề xuất, mỗi trường học nên có một Ban tư vấn hướng nghiệp riêng, vừa nghiên cứu về hoạt động tuyển sinh, vừa theo dõi thị trường lao động. Kết hợp với nguyện vọng của học sinh, Ban tư vấn hướng nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao.

Thầy Hường cũng cho rằng, đề án tuyển sinh của các trường đại học cần công bố vào một khoảng thời gian nhất định và công bố đề án sớm, giúp các trường trung học phổ thông nhanh chóng đưa ra hướng tư vấn, xây dựng lộ trình học tập phù hợp với các nhóm học sinh muốn học lên.

Ngọc Huyền