Mong trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh, các phương thức xét tuyển

09/12/2024 06:22
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc yêu cầu sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12 đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ đánh giá đầy đủ quá trình học tập của học sinh.

Xét kết quả học tập cả năm lớp 12 giúp phản ánh đầy đủ quá trình học tập

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì chỉ tính đến hết học kì I của lớp 12 như hiện nay.

Thông tin này hiện đang được nhiều cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh quan tâm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, việc thay đổi, dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 là phù hợp với thực tế. Điều này giúp phản ánh chính xác hơn năng lực học tập của học sinh, đồng thời đảm bảo tính công bằng trong quá trình tuyển sinh.

Điểm mới trên cũng tác động tích cực đến quá trình học tập của học sinh, yêu cầu các em phải nghiêm túc, duy trì sự nỗ lực và cố gắng trong toàn bộ năm học lớp 12 để đạt kết quả tốt nhất, tránh việc học lệch môn, chỉ tập trung vào các môn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Thực tế, việc tuyển sinh đại học bằng phương thức xét kết quả học tập của một số học kỳ (chỉ tính đến học kỳ I lớp 12), dẫn đến việc số ít học sinh sao nhãng một số môn ở thời điểm cuối kỳ II của lớp 12.

Do đó, khi yêu cầu xét học bạ phải có kết quả của cả năm lớp 12, học sinh cần tập trung tích lũy kiến thức, không bị phân tâm, đảm bảo có kết quả học tập tốt nhất trong năm học cuối cấp. Bên cạnh đó, việc sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12 còn góp phần tạo động lực cho học sinh, để các em chú ý học tập đến khi kết thúc chương trình giáo dục trung học phổ thông".

ông Trần Thanh Bình.jpg
Ông Trần Thanh Bình (thứ 2 từ trái sang) - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC.

Ở góc độ cơ sở giáo dục, thầy Dương Văn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) cũng hoàn toàn ủng hộ yêu cầu phải dùng kết quả học tập của cả năm học lớp 12 để xét tuyển đại học.

Thầy Thanh khẳng định: “Cần dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 để đảm bảo tính đầy đủ của chương trình, đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Học sinh muốn có kết quả học tập cao phải cố gắng học tập liên tục, bền bỉ.

Nếu các trường đại học chỉ lấy kết quả học tập đến học kỳ I của lớp 12, kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ hoặc các kết quả đánh giá khác, để xét tuyển sớm, thí sinh một khi đã có kết quả trước khi kết thúc năm học, rất có thể sẽ chuyển mục tiêu học tập thành chỉ cần đỗ tốt nghiệp. Do vậy, khó tránh trường hợp học sinh học “cầm chừng” các môn thi tốt nghiệp và có phần xem nhẹ các môn học khác.

Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành công tác giảng dạy, đảm bảo đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của chương trình, ảnh hưởng đến kết quả dạy học của giáo viên và kết quả chung của các nhà trường”.

Tăng cường quản lý trong thực hiện chương trình và kiểm tra, đánh giá

Trước điểm thay đổi này trong dự thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ thực hiện một số công việc như:

Thứ nhất, tới đây, sẽ tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin chi tiết về những thay đổi trong quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau khi có quy chế chính thức) đến tất cả các trường học, giáo viên, học sinh và phụ huynh, nhằm đảm bảo mọi người đều hiểu rõ và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tuyển sinh mới.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập tại trường và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, như tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp, hỗ trợ học tập, cung cấp thông tin về hệ thống trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các nhà trường nghiêm túc thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chương trình và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh tại các trường để đảm bảo đúng quy định, công bằng, khách quan và minh bạch trong giáo dục.

GD So GD Dien Bien.JPG
Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC.

Ngoài ra, để đảm bảo tính công bằng trong quá trình xét tuyển bằng học bạ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nêu ý kiến: “Cần tổ chức các kỳ kiểm tra đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ nghiêm túc, công bằng, khách quan ở tất cả các khâu; xây dựng hệ thống câu hỏi có chất lượng, xây dựng ma trận đề đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng tới việc đánh giá đồng đều ở tất cả các trường trong toàn tỉnh Điện Biên, góp phần nâng cao chất lượng tuyển sinh bằng học bạ.

Bên cạnh đó, nên sử dụng các phần mềm quản lý học tập, đánh giá kết quả để lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu học tập của học sinh. Hệ thống này sẽ giúp đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình đánh giá.

Đồng thời, cần khuyến khích phụ huynh và cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát và đánh giá kết quả học tập của học sinh”.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, ông Trần Thanh Bình cho biết, lãnh đạo Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm đạt mục tiêu đổi mới của chương trình, giúp phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học.

Đặc biệt, việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải đảm bảo căn cứ vào yêu cầu cần đạt, được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cũng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh, các phương thức xét tuyển phải được công khai, minh bạch.

Ở phía trường trung học phổ thông, thầy Dương Văn Thanh cũng thông tin: “Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên cập nhật các thông tin mới về quy chế tuyển sinh, phương án tuyển sinh của các trường đại học để phổ biến tới học sinh và phụ huynh, từ đó, có sự chuẩn bị phương án học tập phù hợp với nguyện vọng xét tuyển đại học.

Bên cạnh đó, nhà trường chỉ đạo thầy cô thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập của học sinh, bảo đảm công bằng, đúng năng lực và phẩm chất của học sinh.

Thực hiện nghiêm túc việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông”.

Hồng Linh