Chuyển đổi số không đơn thuần là đưa bài giảng dạy trực tiếp lên môi trường mạng

07/12/2024 11:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - "Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là mang những bài giảng từ dạy trực tiếp lên môi trường mạng", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ. 

Sáng ngày 07/12, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”.

Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chủ trì.

HMS 1.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng ngày 07/12 tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương - Lê Huy Hoàng.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo: ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Trưởng ban tổ chức Hội thảo; ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; ông Trần Nam Tú – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; bà Lưu Bích Ngọc – Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực..., cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo, có Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Bùi Huy Nhượng.

Hội thảo thu hút tham dự của đại diện lãnh đạo các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở cơ sở giáo dục.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

HMS.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, công nghệ mới trong ngành giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, đặt ra bước phát triển đột phá của ngành. Những chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo của Chính phủ trong việc chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó chuyển đổi số trong ngành giáo dục rất quan trọng.

Có lẽ không có ngành nào chịu tác động mạnh dưới tác động của chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo như ngành giáo dục và không có ngành nào được hưởng nhiều lợi ích từ phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo như ngành giáo dục. Bên cạnh việc chịu tác động và hưởng lợi từ công nghệ thông tin, ngành giáo dục còn có sứ mạng lớn trong đào tạo nhân lực, nhân tài, cũng như bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hiểu biết về công nghệ số cho người dân. Với những nhiệm vụ đó, chúng ta có thể ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực số cho người dân”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Trong quá trình triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", ngành giáo dục đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cả nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã trải qua thời kỳ dịch COVID-19, tạo ra động lực, xu hướng để toàn ngành có thay đổi quan trọng. Việc chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến chứng tỏ năng lực của ngành trong thích ứng để đáp ứng yêu cầu biến động trước bối cảnh mới.

“Việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến có thể là bước đi quan trọng nhưng chưa thể coi là chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Thực hiện chuyển đổi số phải bắt đầu từ việc thay đổi, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức quản lý giáo dục, quản trị nhà trường và việc dạy và học, chứ không chỉ đơn thuần là mang những bài giảng từ dạy trực tiếp lên môi trường mạng.

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học là ví dụ điển hình trong chuyển đổi số của ngành giáo dục. Việc chuyển đổi quy trình này đã tạo nhiều thuận lợi cho người học và nhà trường”, Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh mới, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, ngành giáo dục có nhiều thời cơ và đối mặt với các thách thức mới. Trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều cơ hội khi các tập đoàn quốc tế mong muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số. Đối với ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học có nhiệm vụ rất quan trọng, đó là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số, qua đó thu hút được các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực, công đoạn liên quan đến nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành.

HMS 2.jpg
Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ cơ sở giáo dục đại học.

Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: quản lý, quản trị cơ sở giáo dục đại học dựa trên dữ liệu và công nghệ số; triển khai mô hình giáo dục đại học số; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số; phát triển năng lực số cho người học (bao gồm năng lực trí tuệ nhân tạo).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, chủ đề hội thảo năm nay có nội dung mở rộng hơn so với năm trước. Cụ thể, năm trước, hội thảo chủ yếu thảo luận như thế nào là chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong dạy và học. Năm nay, hội thảo có thêm nội dung trao đổi về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, làm thế nào để nâng cao năng lực số cho tất cả người dân trên tinh thần bình dân học vụ số, học tập số suốt đời của người dân.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn hội thảo tập trung vào những nội dung làm sao để thực hiện hiệu quả hơn, quyết liệt hơn trong ứng dụng công nghệ chuyển đổi số của ngành, sao cho có những bước đi tốt hơn trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số và nhân lực số.

Từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản.

Đến nay đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học. Đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (hàng năm chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp); kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất (hiện đã báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.

Dữ liệu trên cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học được sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác báo cáo, thống kê về giáo dục đại học, được sử dụng thống nhất trong toàn ngành, đảm bảo tính tổng thể đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu công khai của các đại học, học viện, trường đại học.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non” trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Năm 2024, hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 94,66%; gần 4 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong năm 2024).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã xây dựng dự thảo và sớm ban hành khung năm lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng AI) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Dự kiến các Đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngọc Mai