Nhật sắp đóng cửa TT dành cho SV Quốc tế lớn nhất ToKyo

07/06/2011 00:35
(GDVN) - 2012, các TT sinh viên Quốc tế tại Tokyo như TIEC, Komaba… sẽ bị đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng. Không ít Lưu học sinh Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

(GDVN) - Từ tháng 4/2012, các trung tâm sinh viên Quốc tế tại Tokyo như TIEC, Komaba… sẽ bị đóng cửa và chuyển mục đích sử dụng. Không ít Lưu học sinh Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

{iarelatednews articleid='2518'}

Cắt giảm học bổng, siết chặt điều kiện gia hạn học bổng

Được biết, việc đóng cửa các Trung tâm sinh viên Quốc tế đã được cân nhắc nhiều lần do chi phí đối với các trung tâm này luôn đứng hàng đầu về độ lớn trong danh mục các khoản chi.

Vừa qua, trong bản tin thông báo tháng 5 của TIEC-JASSO, Trung tâm sinh viên Quốc tế TIEC chính thức khẳng định việc JASSO ngừng việc quản lý cho hoạt động của Trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế lớn nhất này cũng như toàn bộ các Trung tâm sinh viên khác. Các trung tâm này dự định sẽ được rao bán cho các tổ chức tư nhân để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Ngoài ra, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn kéo dài sau những trận động đất và sóng thần, chính phủ Nhật buộc phải có những chính sách để giảm dần lượng hỗ trợ cho sinh viên quốc tế, dành nguồn lực cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác.

Nằm trong lộ trình đó có việc cắt giảm học bổng chính phủ Nhật (từ trên 200.000 Yen/tháng trong đầu những năm 2000 xuống còn hơn 150.000 Yên/tháng hiện nay), siết chặt các điều kiện gia hạn học bổng từ đại học lên thạc sỹ hay từ thạc sỹ lên nghiên cứu sinh.

Được biết, các trung tâm trao đổi sinh viên quốc tế như TIEC, Komaba, Soshigaya là nơi cung cấp nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập và nghiên cứu cho hàng ngàn sinh viên Quốc tế mỗi năm, trong đó là hàng trăm sinh viên Việt Nam theo các nguồn học bổng khác nhau của hai Chính phủ.

Nhờ vậy, giá thuê nhà ở các khu trung tâm này chỉ rẻ bằng 1/3 đến 1/2 giá nhà thông thường. Phòng đơn ở TIEC giá 35.000 Yen/ tháng, trong khi một căn hộ tương tự cùng khu vực giá khoảng 70.000~90.000 Yen/tháng.

Việc dừng hoạt động của các trung tâm sinh viên Quốc tế sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống sinh hoạt của sinh viên nước ngoài tại Tokyo. Khó khăn nhất là việc thuê nhà ở ngoài đối với sinh viên sẽ rất đắt đỏ, bất tiện đặc biệt là ở Tokyo, một thành phố đông đúc và thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Ngoài ra sinh viên cũng sẽ mất đi một nơi tụ họp, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng quan trọng.

Sinh viên Việt Nam luôn sát cánh vượt qua khó khăn cùng các bạn Nhật
SV Việt Nam sẽ luôn sát cánh vượt qua khó khăn cùng các bạn Nhật

Sinh viên Việt Nam đồng cam cộng khổ cùng nước bạn Nhật

Đa phần sinh viên Quốc tế nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng đều rất thông cảm với quyết định của chính phủ. Trong hoàn cảnh mà chính Thủ tướng Nhật Bản cũng tự nguyện giảm lương để đóng góp cho công cuộc tái thiết đất nước thì việc những sinh viên quốc tế cũng cùng đồng cam cộng khổ với người dân Nhật là điều đương nhiên.

Tất nhiên, không phải sinh viên nào cũng có niềm cảm thông như vậy. Một số sinh viên Quốc tế ở TIEC đã chấm dứt chương trình học tập của mình, về nước không quay trở lại do trận động đất vừa rồi cũng như việc TIEC chuẩn bị đóng cửa.

Theo thống kê hiện nay có khoảng 31.000 người Việt đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có khoảng 3.700 lưu học sinh và gần 17.000 tu nghiệp sinh. Một số lượng đáng kể trong số này là những sinh viên xuất sắc của Việt Nam được tài trợ bởi các chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản hoặc Đề án 322 của Việt Nam.

Cộng đồng Việt Nam ở TIEC phản ứng với sự kiện này một cách rất tích cực và lạc quan. Một mặt, sinh viên Việt Nam thông tin cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm về cách tìm nhà thuê, mua đồ đạc rẻ, cách gọi dịch vụ chuyển nhà để chuẩn bị cho việc chuyển ra khỏi khu trung tâm trong thời gian sắp tới.

Mặt khác, để cuộc chia tay có ý nghĩa, để lại những kỷ niệm đẹp ở Tokyo, các bạn sinh viên Việt Nam sinh sống ở TIEC đã cùng phối hợp với các sinh viên ở Viện nghiên cứu Quốc gia về chính sách (GRIPS) tổ chức một ngày lễ giới thiệu về văn hóa Việt Nam thay lời chia tay.

Ban quản lý TIEC đã thực sự bất ngờ và cảm động trước ý tưởng này cũng như trước những tình cảm chân thành mà cộng đồng Việt Nam tại TIEC dành cho nước Nhật. Vì vậy, dù kinh phí hạn hẹp, Ban quản lý TIEC JASSO đã hỗ trợ rất tích cực cho việc tổ chức và quảng bá sự kiện này.

Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Tổ chức học sinh sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản VYSA cũng đã có những hỗ trợ và phối hợp kịp thời.

Thông qua “Day Vietnam/Đây Việt Nam 2011” lưu học sinh Việt Nam muốn gửi thông điệp tới nước bạn Nhật Bản và bạn bè quốc tế rằng “Đây Việt Nam” - niềm tự hào của chúng tôi, “Đây Việt Nam”- chúng tôi luôn đồng cam cộng khổ cùng nước bạn Nhật trong bất cứ mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến mức nào.

PV