Ra ngõ gặp gái, đỗ Trạng nguyên

26/06/2011 00:51
Bên cạnh nhiều người mê tín, vẫn có những thí sinh tin tưởng tuyệt đối vào thực lực của mình và thực tế họ đã thi đỗ, giành được các học vị cao.

Trong lịch sử khoa cử nước ta, bên cạnh nhiều người mê tín, vẫn có những thí sinh  tin tưởng tuyệt đối vào thực lực của mình và thực tế họ đã thi đỗ, giành được các học vị cao.

"Thần nhân sao nói sai lầm vậy?"

Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), người thôn Hoài Bảo, xã Liên Bảo, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh bây giờ. Khi còn đi học, ông tỏ ra rất thông minh và tin vào lực học của mình. Trước khoa thi hội, niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), ông tới đền Trần Vũ lễ và ngủ lại ở đó. Đền ngày xưa ở thôn Ngọc Trì, xã Cổ Ninh,  Gia Lâm, Hà Nội, là nơi các sĩ tử trước khi thi cử thường đến cầu xin.

Chuyện kể, đêm đó Nguyễn Đăng Đạo nằm mộng thấy thần đến truyền bảo rằng khoa thi này ông chưa thể đỗ. Sáng dậy ông cười khẩy mỉa mai cho là thần không biết gì nên nói mò, bèn đề lên vách  đền 2 câu thơ.

“ Thần nhân bất thức nhân gia sự
Ngã thị tự khoa tất trạng nguyên”

Nghĩa là:
“ Thần đâu hiểu được việc người
Khoa này ta đỗ tất thời trạng nguyên”

Quả nhiên khoa thi này Nguyễn Đăng Đạo đã đỗ Trạng nguyên.

Còn trường hợp Nguyễn Khắc Tuy, người xã Tam Du, tổng An Tràng, huyện Lang Tài, nay thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, khi còn là học trò, có lần ông đi cầu mộng ở chùa Yên Tử (thuộc Quảng Ninh bây giờ). Thần báo mộng rằng: Đến 60 tuổi thì mới đỗ đạt! Nguyễn Khắc Tuy thức dậy, tức mình liền đọc một bài thơ để bác lại lời đoán của thần.

“Sách thuộc văn hay sự chẳng ngờ
Trong 30 tuổi đỗ thì vừa
Thần nhân sao nói sai lầm vậy
Đến 60 thì đã thượng thư!”

Quả đúng trong khoa thi năm Cảnh Lịch thứ 6, đời Mạc Phúc Nguyên (1553), ông Nguyễn đã đỗ Tam giáp tiến sĩ và sau đó làm đến chức Thượng thư, tước  Tùng Nham hầu.

Cũng cùng với ông Nguyễn Khắc Tuy, có  ông Trần Vĩnh Tuy, người thôn An Dật, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương, khi sắp đi thi hội, một đêm nằm ngủ, được thần báo mộng 30 sẽ đỗ tiến sĩ. Khi tỉnh dậy, ông bực mình làm bài thơ phản bác lại thần như sau:

“Tiến sĩ khoa này quyết lấy tươi
Cớ chi còn đợi đến 30
Thần nhân nói thế là sao vậy?
Nên ở người ta chẳng ở trời!”

Đúng như ông Trần nói, khoa thi năm Cảnh Lịch thứ 6, ông không phải chỉ đỗ tiến sĩ mà là Thám hoa, lúc mới 21 tuổi.

Vậy là trong lịch sử khoa cử nước ta, tuy thời xưa còn nhiều người mê tín, nhưng vẫn có những thí sinh học giỏi, tin tưởng tuyệt đối vào thực lực của mình và thực tế họ đã thi đỗ, giành được các học vị cao.

Ra ngõ gặp gái, đỗ Trạng nguyên

 

Không hiếm trường hợp vẫn tin đỗ hay không là do vận số. Nhưng thực ra bởi tại năng lực của bản thân mình.

Sách vở xưa đã chép về việc Đào Sư Tích, quê ở thị trấn Cổ La (Cổ Lễ, Nam Trực, Nam Định hiện nay) dự khoa thi hội, năm Long Khánh thứ 2, triều vua Trần Duệ Tông (1374). Chuyện kể khi bước ra khỏi nhà đi thi thì ông Đào gặp một cô gái trẻ. Thời xưa quan niệm hễ làm việc gì gặp gái là sẽ thất bại, nên ông Đào thấy bực mình tức tối, nhổ nước bọt, định quay đi. Cô gái biết ý nhưng làm ra vẻ không hay, tươi cười hỏi:

- Sao trông ông có vẻ bực bội thế?

Đào Sư Tích đốp chát ngay:

- Đi thi ra ngõ đã gặp gái!

Cô gái vẫn tỏ ra không tự ái mỉm cười nói:

- Ông này rõ hay! Ông đi thi là việc của ông, tôi đi đường là việc của tôi, chứ tôi có cản trở gì mà tức tối! Ông là thư sinh chắc rõ chữ nghĩa, cũng biết “gái” là “nữ”; tôi còn bé nên chữ viết là “ tử”, “nữ “ghép với “tử” thành chữ “hảo” là tốt. Thế ông không biết vậy sao mà lại bực bội?

Đào Sư Tích không ngờ cô bé giỏi chữ nghĩa đã có nhận xét hay như thế, nên thấy bực bội tiêu tan, lòng dạ vui vui bèn hỏi:

- Vậy cô bảo tôi được điểm tốt gì nào?

- Ông đi thi sẽ đỗ!

- Cô đoán tôi đỗ gì?

Nghe Đào Sư Tích hỏi, cô gái nhoẻn miệng cười đáp:

- Tiến sĩ!

Sư Tích được thể nói thêm:

-    Chỉ đến tiến sĩ thôi ư?

-    Thì Trạng nguyên!

Cô gái lườm ông Đào một cái cười, rồi bước đi.

Quả nhiên khoa thi này, Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên thật!

(Theo "Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở VN", NXB Thanh Hóa, 2006 - Bee)