Hàng Trung Quốc giá rẻ không còn làm khó doanh nghiệp Việt?

17/06/2011 03:26
(GDVN) - Sau hàng loạt vụ scandal thực phẩm "bẩn", hàng Trung Quốc đã "mất thế" trên thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt tự tin làm chủ trên sân nhà.

(GDVN) – Đã có một thời gian dài, hàng Trung Quốc giá rẻ trở thành “nỗi ám ảnh” của các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, 1 – 2 năm trở lại đây, cùng với cuộc vận động dùng hàng Việt của Bộ Công Thương, các thương hiệu Việt đã dần khẳng định được vị thế của mình và dần tự tin hơn trong việc “làm chủ trên sân nhà”.

>> Phát hiện chất DEHP trong chè xanh Trung Quốc

>> Kẹo lạ giá siêu rẻ của Trung Quốc bị bắt giữ trên phố Hàng Giầy

Hàng Trung Quốc từng bị cấm cửa tại nhiều nước


Từ năm 2007, nhiều nước đã mở chiến dịch kiểm tra gắt gao hoặc cấm cửa hàng Trung Quốc vì đã sử dụng các nguyên liệu độc hại.

Kiểu làm ăn thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp nước này khiến sản phẩm Trung Quốc không chỉ gặp khốn đốn vì phản ứng quốc tế mà còn bị chính quyền Trung Quốc đóng cửa nhà máy…

Tính đến tháng tư năm 2007, Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia có hàng nhập khẩu vào Mỹ bị chặn lại để kiểm tra. Rất nhiều mặt hàng, từ nấm, lươn đông lạnh, cho đến nước trái cây khi kiểm tra đã phát hiện có chứa chất phụ gia nguy hiểm cho sức khoẻ như tetrodotoxin. Năm 2008, Pháp đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ hai nhãn hiệu bánh kẹo Trung Quốc được cho là có sử dụng sữa nhiễm hóa chất melamine.

a
Chè Trung Quốc chứa chất gây ung thư (Ảnh minh họa).
Tại Việt Nam, vụ bê bối gần đây nhất về chất PAH - một chất cực độc, gây ung thư, đột biến gen, chỉ được dùng trong công nghiệp (như PAH sơn) đã được phát hiện trong kẹo mút phát sáng của Trung Quốc vào tháng 3/2010, đồ chơi Trung Quốc chứa chất gây rối loạn nội tiết đã khiến các bậc làm cha, làm mẹ cảnh giác tối đa với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, gây hoang mang nhất cho người tiêu dùng trong thời gian này chính là hàng loạt công nghệ sản xuất thực phẩm bẩn, chứa phụ gia độc hại củaTrung Quốc. Những sản phẩm này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân Trung Quốcc và còn trở thành nỗi ám ảnh của các nước có kinh doanh thực phẩm của đất nước này.

Trước đây, mặc dù vẫn tự tin về những gì mà mình có, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt vẫn tỏ ra băn khoăn khi trên thị trường, hàng Trung Quốc trôi nổi giá rẻ vẫn tràn lan, gây không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận với người tiêu dùng (NTD) và thị trường nội địa. 

Một doanh nghiệp kinh doanh chăn, ga, gối đệm tại Việt Nam thẳng thắn nói: “Riêng trong lĩnh vực chăn, ga, gối, đệm, theo tôi nghĩ, hàng Trung Quốc giá rẻ chiếm tới 40% tại thị trường Việt Nam. Cái khó ở đây là NTD Việt không thể có chuyên môn để đánh giá sản phẩm đó là tốt hay xấu ngay lập tức, họ chỉ có thể đánh giá bằng cảm quan bên ngoài, mà hàng Trung Quốc nhập lậu giá rẻ lại có đặc trưng là hình thức bắt mắt hơn hàng VN rất nhiều, vì vậy, có thể “lấy lòng” được người mua. Do đó, doanh nghiệp Việt muốn cạnh tranh, cần cố gắng rất nhiều trong việc hoàn thiện bản thân mình, nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, để dành lại thị trường về phía mình”.

Trong báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng có nêu rõ khó khăn mà họ đã gặp phải: “Sự tràn lan của hàng ngoại nhập đặc biệt là hàng nhập lậu, hàng giá rẻ, hàng không nhãn mác độc hại đã hình thành tâm lý dễ tính, ham hàng rẻ và sính hàng ngoại của NTD. Nhất là hàng hóa làm giả hàng thương hiệu nổi tiếng đang có mặt trên thị trường các thành phố lớn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc”.

Theo đánh giá của vị đại diện Vinatex, tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có những cửa hàng đẹp nhưng lại không có nhiều khách. Các siêu thị cũng bày bán hàng thời trang Việt Nam nhưng hàng nhập ngoại, hàng nhập lậu, hàng trôi nổi lại đi sâu vào thị trường bằng mạng lưới những người buôn sỉ và các cửa hàng nhỏ lẻ, đặc biệt chiếm lĩnh thì trường nông thôn qua hệ thống sạp quần áo, giày dép tại hầu hết các chợ huyện, xã. Số hàng hóa bán trong mạng lưới này tiếp cận với 70% dân số Việt Nam.

Hàng Việt Nam đang khẳng định vị thế về chất lượng

Hiện nay, cùng với cuộc vận động của Nhà nước, sự nỗ lực của doanh nghiệp, thương hiệu Việt nói chung đã từng bước khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng dân chúng.

“Thói quen sính hàng ngoại của người dân cũng đã dần dần thay đổi bởi các doanh nghiệp Việt  đã nhận thức được con đường tối ưu là phát triển thị trường trong nước trước khi nói tới thị trường xuất khẩu để xây dựng chiến lược mục tiêu về thị phần, sản phẩm và giá sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ưu tiên định vị thị trường mục tiêu; tính đa dạng của hàng hóa, chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm hàm lượng chất xám cao, giữ chặt và phát huy sở trường trong chiến lược sản phẩm...”, ông Nguyễn Văn Hương - Tổng Giám Đốc công ty cổ phần phân phối - bán lẻ VNF1 đánh giá. 

a
Sau hàng loạt scandal về thực phẩm "bẩn" của Trung Quốc, người
dân Việt đã cảnh giác hơn và quay sang dùng hàng Việt Nam.

“Tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản,… sở dĩ, họ có nền công nghiệp phát triển như vậy, một phần cũng nhờ vào cái nhìn rộng lượng, ủng hộ hàng nội địa của người dân bản xứ. Tại Việt Nam, NTD Việt cũng nên đón nhận hàng Việt với tâm thế như vậy, không nên quá khắt khe, yêu cầu cao như hàng nhập ngoại. Bước đầu, có thể hàng hóa trong nước chưa thể cạnh tranh được với thị trường nhập ngoại, nhưng nếu NTD ưu tiên lựa chọn thì doanh nghiệp Việt sẽ luôn nỗ lực hết mình để tìm tòi nguyên nhiên liệu, cải tạo công nghệ, đổi mới kĩ thuật để xứng đáng hơn với lòng tin của NTD”, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, đại diện của một công ty Dệt May Việt Nam chia sẻ.

Theo vị đại diện này: Khi đời sống con người ngày càng được nâng cao, nhận thức của NTD cũng trở nên tiến bộ hơn, sau một vài lần mua hàng giá rẻ Trung Quốc nhập lậu dùng nhanh bị hỏng, không kiểm tra cẩn thận có thể dẫn tới những dị ứng cho da, người Việt đã biết cách tìm đến những hàng hóa nội địa giá cả hợp lý hơn.

Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thu Trang, phụ trách truyền thông của hãng chăn, ga, gối, đệm Hanvico cho rằng: “Hiện nay, NTD Việt tìm tới các thương hiệu vì đã có chỗ đứng và khi mua hàng về nhà, họ chiêm nghiệm xem có xứng với đồng tiền mà họ bỏ ra hay không. Nếu mua hàng trôi nổi, số tiền mà NTD bỏ ra có thể thấp hơn chút ít nhưng chất lượng hàng hóa lại thấp hơn rất nhiều, hơn nữa, họ không được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, mức độ độc hại chưa được kiểm tra, đánh giá”.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm, sức cạnh tranh của hàng Việt càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. “Không còn cảnh đói kém như ngày xưa, ăn nhiều thay vì ăn chất. Trong thời buổi hiện nay, đối với các đồ ăn, thức uống, các bà nội trợ luôn quan tâm tới chất lượng nhiều hơn là số lượng”, đại diện cho tầng lớp người dân, chị Vũ Tuyết Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) thẳng thắn chia sẻ. 

Đối với bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, họ cũng đã nhận thức rõ ràng về lợi thế cạnh tranh của mình, không hẳn là giá cả mà trên hết là chất lượng, từ đó luôn đẩy mạnh, nâng cao những ưu điểm vượt trội.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan chuyên cung cấp  thịt gia súc, gia cầm tươi sống cho thị trường TP.HCM cho biết: “Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam khá nhiều kể cả rau, củ, quả, trái cây,… giá cả cũng tràn lan, tuy nhiên, chất lượng của các mặt hàng thực phẩm như thế nào thì chúng ta cần phải xem xét”. Với Vissan, luôn luôn đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và có chính sách kiểm tra, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm rõ ràng, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và nhiều năm liền vinh danh là hàng Việt Nam chất lượng cao. 

“Trong suốt quá trình vận chuyển, lưu thông cũng như sản xuất, Vissan luôn kiểm soát chất lượng chặt chẽ, từ chất lượng đầu vào tới việc đảm bảo VSATTP đầu ra, kí kết với các đơn vị hợp tác cung cấp nguyên liệu uy tín, đảm bảo chất lượng”, ông An cho biết. Bên cạnh đó, theo ông An, Công ty này cũng đang tiếp tục tạo ra sức cạnh tranh của mình thông qua năng suất lao động nhất là lao động trong thời gian dài hạn, áp dụng những công nghệ tiên tiến, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm.

Chính vì khẳng định được chỗ đứng trong lòng người dân và chiếm được lòng tin của NTD Việt nên doanh thu Vissan luôn tăng trưởng 15%/năm.

Phương Hạ