Iran cứng rắn phản bác mọi điều kiện tiên quyết của phương Tây

10/04/2012 06:54
Ngọc Huyền (Theo RT, Tân hoa xã)
(GDVN) - Iran cho rằng, việc "đặt điều kiện trước cuộc họp chẳng khác nào đưa ra kết quả trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, đó là điều hoàn toàn vô nghĩa".
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho hay, nước ông sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào được đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới giữa Iran và 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức (G5 +1).

Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào được đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với G5+1.
Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện tiên quyết nào được đặt ra cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với G5+1.

Bình luận của Salehi được đưa ra khi Hội đồng An ninh Quốc gia tối cao Iran (SNSC) xác nhận rằng các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và G5 +1 sẽ được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ bảy (ngày 14/4).
SNSC cũng thông báo rằng, cả Iran và G5+1 đã nhất trí vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại thủ đô Baghdad của Iraq và thời gian diễn ra sẽ được công bố tại Istanbul – kênh truyền hình IRIB TV cho hay.
Trước đó, vào ngày 8/4, tờ New York Times đưa tin, Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ thiết lập các yêu cầu cho cuộc đàm phán sắp tới về chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của Iran. 
Điều kiện tiên quyết bao gồm việc đóng cửa ngay lập tức cơ sở hạt nhân dưới lòng đất Fordo ở miền trung Iran và ngừng làm giàu uranium 20%.
Phản ứng lại, ông Salehi cho rằng, việc "đặt điều kiện trước cuộc họp chẳng khác nào đưa ra kết quả trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, đó là điều hoàn toàn vô nghĩa và không ai trong số các bên sẽ chấp nhận các điều kiện được thiết lập trước các cuộc đàm phán."
Cũng trong ngày 8/4, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố nước này không muốn gì ngoài các quyền được ghi nhận bởi Hiệp ước Không phổ biến (NPT).
Ahmadinejad đã chỉ trích G5 +1 lập ra các điều kiện một cách đơn phương trong các cuộc đàm phán hạt nhân, trong khi hai bên cần phải xem xét nhu cầu của nhau.
Ngoài ra, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI) Fereidoon Abbasi tuyên bố, Iran sẽ không ngừng làm giàu uranium cấp độ cao nhưng cũng sẽ không làm giàu uranium 20% vượt quá nhu cầu của mình, bởi chi phí sản xuất và duy trì không hề rẻ.
Cũng theo Abbasi, Iran sẽ không đóng cửa cơ sở Fordo dưới áp lực phương Tây.
Michael Mann, một phát ngôn viên của Giám đốc chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton cho hay, "Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức hy vọng vòng đàm phán đầu tiên này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho các tiến bộ rõ rệt."
Gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây đã bình luận, dưới áp lực trừng phạt của phương Tây về chương trình hạt nhân, các quan chức Iran có thể sẽ có khuynh hướng đàm phán song phương với Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của quốc gia Hồi giáo khẳng định, các cuộc đàm phán song phương với Washington không nằm trong chương trình nghị sự của Iran.
Theo Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran Hassan Firouzabadi, "các cuộc đàm phán với Mỹ chưa bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran."
Firouzabadi cho hay, các vấn đề quan trọng như các cuộc đàm phán và quan hệ với Mỹ, nằm trong thẩm quyền của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei.
Từ ngày 7/4/1980, Mỹ đã cắt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi một nhóm sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt giữ 60 nhà ngoại giao Mỹ vào năm 1979.
Ngọc Huyền (Theo RT, Tân hoa xã)