GS.Nguyễn Minh Thuyết: "Đề thi của ĐH FPT thô tục đến khó chấp nhận"

11/04/2012 05:48
Thu Hòe
(GDVN) - Đã không biết tận dụng những trang văn ý nhị, sâu xa của đại thi hào Nguyễn Du để đánh giá cảm thụ văn học... lại còn gắn với "màng nọ màng kia".
Đó là quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khi ông chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam xung quanh câu chuyện đề thi “trinh tiết” của ĐH FPT trong kỳ thi tuyển sinh 2012 gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.Yếu kém đến ngô nghê về chuyên môn Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, chỉ cần để ý một chút, bất cứ ai có hiểu biết về văn học cũng dễ dàng nhận thấy đề thi của ĐH FPT thể hiện sự yếu kém về chuyên môn: Thứ nhất, đề thi quá dài, trình bày lan man. Người ra đề có nghiệp vụ chỉ cần viết một câu hoặc chỉ cần nêu 2 trích dẫn từ Truyện Kiều là đã đủ để hỏi thí sinh, chứ không cần đến những diễn giải “lòng thòng” phía sau. Thứ hai, người ra đề không hiểu Truyện Kiều. Câu:“Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu” không phải “lời khẳng định” của Nguyễn Du như viết trong đề thi mà là lời nàng Kiều nói với Kim Trọng khi nhận ra chàng “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Người con gái ấy say đắm vì tình đến độ “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, chủ động đến với chàng Kim, nhưng vẫn đủ tỉnh táo, khôn ngoan nói những lời đoan chính khiến chàng trọng nể: “Đã cho vào bậc bố kinh / Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu/ Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi”. Còn mấy câu “Xưa nay trong đạo đàn bà/ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường …” là lời chàng Kim chiêu tuyết cho Thuý Kiều sau 15 năm lưu lạc, chìm nổi của nàng. “Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay” – đó là một quan niệm rất cao thượng và nhân văn, vượt khỏi giới hạn của những ý nghĩ tầm thường gắn “chữ trinh” với yếu tố thể xác. “Chữ trinh” này không liên quan gì đến “tình dục trước hôn nhân”.
GS.Thuyết: Đề thi của Đại học FPT là một sự xúc phạm văn chương của bậc thi hào
GS.Thuyết: Đề thi của Đại học FPT là một sự xúc phạm văn chương của bậc thi hào
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng nhấn mạnh: “Đã không biết tận dụng những trang văn ý nhị, sâu xa của đại thi hào Nguyễn Du để đánh giá cảm thụ văn học, nhận thức về đời sống của thí sinh và nâng cao nhận thức, tình cảm của các em, lại còn gắn chúng với những “màng nọ màng kia” thì thật là vừa yếu kém về nghiệp vụ vừa xúc phạm văn chương của bậc thi hào.”Đề thi không mang tính giáo dục Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đề thi của ĐH FPT không chỉ thể hiện sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ của bộ phận ra đề thi, mà đề thi này còn không có tác dụng kiểm tra và đánh giá kiến thức, năng lực của thí sinh. Ông lý giải: “Đề thi này không kiểm tra được kiến thức và lập luận của học sinh. Bởi vì có thể một số bạn trẻ có hiểu biết nhất định về chủ đề này, nhưng cũng không ít bạn trẻ không có kiến thức gì đáng kể. Lý do là các bạn đó chưa quan tâm, nhà trường và gia đình cũng chưa làm tốt việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho con em mình. Vậy thì làm sao chúng ta có thể lấy chủ đề đó để đánh giá hiểu biết, năng lực tư duy của thí sinh? Trong khi đó, cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xã hội sâu sắc có thể lấy làm đề luận để học sinh bày tỏ, chia sẻ quan điểm, hiểu biết của mình.” Thô tục đến khó chấp nhận Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, đề thi của ĐH FPT không chỉ bộc lộ sự yếu kém về mặt chuyên môn mà còn thô tục đến mức khó chấp nhận. Ông cho rằng, đề thi Văn không phải “sách phụ khoa” hay “sách sức khoẻ sinh sản”, cho nên không thể sử dụng những từ ngữ “quá nhạy cảm” về cơ thể phụ nữ hay hành vi tình dục. Đưa chủ đề tình dục trước hôn nhân vào đề thi là điều không phù hợp. Có chăng, chỉ nên đưa chủ đề này để chia sẻ, trao đổi trong giờ học giáo dục công dân hay học giáo dục giới tính, tư vấn sức khỏe sinh sản. GS. Thuyết cũng lưu ý: “Đề thi của Trường ĐH FPT có hại cho việc giáo dục nhân cách, nhận thức về cuộc sống, về thuần phong mỹ tục của thí sinh. Nếu đây là một đề tài thảo luận hoặc đề kiểm tra trong thời gian học sinh còn học ở trường, thì khi trò nhận thức sai, thầy còn có cơ hội để trao đổi, uốn nắn, sửa chữa cho các em. Thế nhưng đưa ra làm đề thi tuyển sinh, nếu thí sinh bộc lộ quan điểm, nhận thức sai lệch thì ai uốn nắn, ai điều chỉnh cho các em? Chẳng phải như vậy sai lại càng thêm sai?...”. “Tôi thật sự thấy làm tiếc cho ĐH FPT. Trường mới thành lập không lâu, nhưng đã liên tục bộc lộ nhiều bất cập về giáo dục đạo đức, lối sống: Từ chuyện sinh viên múa khỏa thân trong lễ kỷ niệm 1 năm thành lập trường, in vào sách những lời hát chế các bài hát cách mạng nổi tiếng, sự cố giảng viên thỉnh giảng văng tục trên bục giảng… và nay là một đề thi yếu kém, thô tục. Không biết có phải Trường ĐH FPT có những quan niệm quá thoáng không hay là vì một điều gì đó khác? Lãnh đạo nhà trường phải nghiêm khắc xem xét lại. Và cũng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc này", GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm.
Thu Hòe