Bà Hoàng Yến: "Tôi sẵn sàng đối thoại để làm rõ mọi nghi vấn"

18/04/2012 12:38
Theo Lê Thanh Phong/Lao Động
"Có thể tôi đã không khai đúng mình từng là đảng viên, nhưng tôi lựa chọn như vậy, vì tôi muốn trung thực với bản thân mình".
Bà Hoàng Yến: Sẵn sàng đối thoại để làm rõ mọi nghi vấn

ĐBQH - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến.

Trong thời gian qua, có dư luận ĐBQH - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo Đặng Thị Hoàng Yến khai báo lý lịch không trung thực. Để rộng đường dư luận, PV có cuộc trao đổi với bà Đặng Thị Hoàng Yến về các vấn đề báo chí đã nêu. 
Nhiều nguồn thông tin cho rằng bà đã khai lý lịch độc thân, trong khi vẫn còn là vợ chồng với ông Jimmy Trần?

- Ngày 6.10.2010, TAND tỉnh Long An đã có bản án số 19/2010/HN-ST quyết định cho phép tôi và ông Jimmy Trần được ly hôn. Ngày 22.12.2010, bản án này đã được tòa án Houston (Mỹ) công nhận. Đến ngày 20.1.2011, Viện KSND tỉnh Long An kháng nghị rút lại quyết định xử ly hôn, lý do: VKSND tỉnh Long An nhận được bản án chỉ có 9 trang, trong khi bản án gửi cho Tòa Lãnh sự VN tại Mỹ và bản gửi cho các đương sự là 10 trang.

Tuy nhiên, sau khi tôi làm hồ sơ gửi VKSNDTC trình bày việc sai sót của tòa án, cá nhân tôi và ông Jimmy Trần hoàn toàn không có khiếu nại bản án; Tòa Lãnh sự VN tại Houston khẳng định, bản án ly hôn đã được tòa án Mỹ chấp thuận, VKSND tỉnh Long An đã ra Quyết định số 11/QĐ/KNPT-DS ký ngày 28.2.2011 rút lại kháng nghị (không phải như một số nguồn tin viết rằng 11.3.2011).

BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO BÀI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN GÂY XÔN XAO CỘNG ĐỒNG MẠNG

Rõ ràng, việc ly hôn của tôi đã được giải quyết xong vào ngày 6.10.2010 tại VN, trong khi đó, ngày nộp hồ sơ tham gia ứng cử ĐBQH là 18.3.2011, vậy thì tôi khai độc thân là chính xác. Còn việc TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm vào tháng 12.2011, rút lại quyết định xử ly hôn là yếu tố pháp lý phát sinh về sau và ngoài ý muốn của tôi và ông Jimmy Trần.

TAND tỉnh Long An cho rằng đã gửi giấy triệu tập ba lần, nhưng bà không đến?

- Thông tin đó hoàn toàn không chính xác. Thực tế là, ngày 11.4.2012 khi tôi gặp thẩm phán Lê Quốc Dũng, ông Dũng cho hay, do ông gửi nhầm giấy triệu tập về địa chỉ số 8 đường Đỗ Ngọc Thạch, phường 14, quận 5, TPHCM, nhưng không có đường nào tên Đỗ Ngọc Thạch. Trong lúc, hồ sơ của tôi ghi rõ địa chỉ thường trú tại huyện Đức Hòa, Long An. Chính vì sự bất cẩn của ông thẩm phán, nên giấy triệu tập không đến tay tôi.

Vậy tại sao lại đổ lỗi cho tôi. Về lần triệu tập thứ hai, ngày 21.3.2012, tôi đã đến tòa và được thẩm phán Trần Thị Hồng Xuyến tiếp tại TAND tỉnh Long An theo đúng lịch hẹn. Trong buổi làm việc đó, tôi cũng đã ký biên bản kiến nghị TAND Long An có văn bản gửi TANDTC đề nghị rút lại quyết định giám đốc thẩm và tôi cũng yêu cầu TAND Long An không xét xử lại vụ ly hôn này.

Trong buổi làm việc ngày 11.4.2012 cùng thẩm phán Lê Quốc Dũng, ông Dũng nói không biết việc tôi đã đến tòa làm việc, do không được báo lại. Có lẽ, cũng chính vì sự tắc trách đó là nguyên nhân gây ra việc bản án ly hôn giữa tôi và ông Jimmy Trần bị gửi đi thiếu 1 trang, đã gây ra bao điều phiền toái cho tôi.

Về lần triệu tập thứ ba, ngày 28.3.2012, do không được báo trước nên tôi đã đi công tác, nhưng tôi đã cử đại diện pháp lý của tôi đến làm việc. Thẩm phán Lê Quốc Dũng đã xác nhận và đồng ý sẽ chuyển cuộc hẹn làm việc vào ngày 11.4.
Nhưng tại sao vừa qua bà lại rút hồ sơ ly hôn?

- Lý do thứ nhất, Jimmy Trần đã trốn về Mỹ, đã nộp hồ sơ ly hôn tại Mỹ và đã được tòa án Mỹ nhận hồ sơ giải quyết từ tháng 7.2010. Do vậy, việc xét xử lại tại VN theo quyết định giám đốc thẩm là không cần thiết và không khả thi. Thứ hai, vụ án ly hôn của tôi và ông Jimmy Trần đã hoàn tất, không có ai khiếu nại.

Quyết định của TAND tỉnh Long An không gây thiệt hại cho cá nhân hay tổ chức nào, vậy mà TANDTC lại ra quyết định giám đốc thẩm, làm rối loạn cuộc sống của chúng tôi. Chính vì vậy nên tôi rút hồ sơ ly hôn và chấp nhận theo bản án của tòa án tại Mỹ.

BẤM VÀO ĐÂY XEM VIDEO BÀI PHÁT BIỂU CỦA BÀ ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN GÂY XÔN XAO CỘNG ĐỒNG MẠNG

Bà là đảng viên, nhưng khai lý lịch lại ghi không đảng viên?

- Tôi được kết nạp đảng vào năm 1985. Năm 1993 tôi xin nghỉ việc. Năm 1995 mới chính thức làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng về địa phương. Vì công việc của tôi phải đi công tác ở các nước, vào nước Mỹ tìm hiểu thị trường từ năm 1995, do vậy tôi không có điều kiện để tiếp tục sinh hoạt đảng, nên tôi đã không nộp hồ sơ về địa phương.

Do không sinh hoạt đảng quá lâu nên tôi tự thấy mình không còn là một đảng viên, mặc dù chưa viết đơn xin ra khỏi đảng và cũng chưa bao giờ bị kỷ luật. Có thể tôi đã không khai đúng mình từng là đảng viên, nhưng tôi lựa chọn như vậy, vì tôi muốn trung thực với bản thân mình.

Còn về khen thưởng, tại sao bà ghi thành tích trong thời gian bà còn sống tại Mỹ?

- Trong lý lịch ứng cử của tôi đã ghi rõ thành hai phần là khen thưởng của cá nhân và khen thưởng của Tập đoàn Tân Tạo do tôi lãnh đạo. Tập đoàn Tân Tạo là tập đoàn tư nhân, trong 19 năm qua, Tập đoàn Tân Tạo được 2 Huân chương Lao động hạng nhì và 1 Huân chương Lao động hạng ba. Mọi thành tích của Tập đoàn Tân Tạo đạt được cũng chính là do sự điều hành của tôi, cho dù tôi sống ở đâu. Tôi sẵn sàng đối thoại để làm rõ mọi nghi vấn và chịu trách nhiệm về những điều mà tôi phát ngôn.

Long An: Lấy ý kiến xem xét tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Như Lao Động đã đưa tin, ngày 17.4 UBMTTQ tỉnh Long An đã tổ chức cuộc họp bất thường với sự tham dự của 76/87 ủy viên uỷ ban, để xem xét và bỏ phiếu tín nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Long An - ông Võ Lê Tuấn - cho biết, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được niêm phong và gửi về Ban Công tác đại biểu, UBTV Quốc hội và UBTƯ MTTQVN. Theo quy định, UBMTTQ tỉnh Long An không được phép cung cấp kết quả bỏ phiếu cho báo chí để bảo đảm nguyên tắc bảo mật.    

Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN họp bất thường. Hôm nay 18.4, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN họp bất thường xem xét vấn đề tư cách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN - cho biết, về nguyên tắc Điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định: “ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đưa ra Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri nơi bầu ra đại biểu bãi nhiệm ĐBQH theo đề nghị của Uỷ ban Trung ương MTTQVN, uỷ ban MTTQ tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc của cử tri nơi bầu ra ĐBQH đó.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo thể thức do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định”.

Như vậy sau cuộc họp bất thường hôm nay (18.4), nếu Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN đồng nhất với quan điểm của MTTQ tỉnh và có đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì đã hội đủ điều kiện theo Điều 56 của Luật Tổ chức Quốc hội. Lúc đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định đưa ra Quốc hội thực hiện việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH.   

Theo Lê Thanh Phong/Lao Động