TS. Đỗ Văn Khang: "Ai ủng hộ đề thi của ĐH FPT là người... buông thả"

23/04/2012 06:30
Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)
(GDVN) - Đề thi của ĐH FPT khách quan mà xét là có hại cho giáo dục, vì đã định hướng xấu cho học sinh. Ai đồng tình ủng hộ quan điểm của đề thi ĐH FPT là những người vốn đã buông thả lại còn có ý lôi kéo người khác buông thả theo.
Lưỡng Quốc Tiến sĩ Khoa học Đỗ Văn Khang là Tiến sĩ Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; Tiến sĩ Khoa học mỹ học. Ông là người Việt Nam đỗ thủ khoa tại Trường Đại học Quốc gia Lômônôxôp danh tiếng. Sau loạt bài về đề thi "trinh tiết" của ĐH FPT và trả lời của Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Phong, TS. Đỗ Văn Khang đã dành cho Báo Giáo dục Việt Nam những chia sẻ hết sức sắc sảo.

Lưỡng Quốc TSKH Đỗ Văn Khang
Lưỡng Quốc TSKH Đỗ Văn Khang

- Sau kỳ thi tuyển sinh ngày 8/4/2012 của Trường Đại học FPT, dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau. Thưa Tiến sĩ, bản thân ông nghĩ gì về đề thi này?

Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang: Đề thi Đại học FPT phạm phải sai lầm trên ba phương diện. Thứ nhất: Đề thi không tạo ra sự nối tiếp giữa truyền thống và hiện đại. Thứ hai: người ra đề không hiểu bản chất Truyện Kiều cũng như không hiểu Đại thi hào Nguyễn Du. Thứ ba: Người ra đề thi đã không chú ý đến miền giới hạn của học sinh.

Nguyễn Du dựa trên thuyết "Tài mệnh tương đố" làm cơ sở cho Truyện Kiều. Nguyễn Du là người trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biểu hiện tấm lòng ưu ái, trân trọng đối với Thúy Kiều bằng cách sử dụng “chữ trinh” để khẳng định lòng trong trắng của Thúy Kiều.

Người ra đề thi không những không hiểu được ý nghĩa đó mà còn dùng chữ quá thô: “cái màng trinh”, làm mất chất văn, chỉ còn chất sinh học.

Văn chương phải mang giá trị thẩm mỹ, nghĩa phải đẹp, phải thanh, phải sáng. Từ ngữ thô sẽ gây phản cảm. Cái thô kệch đem đặt trong văn học nhà trường sẽ dẫn đến phản giáo dục, gây bất lợi.

- Như vậy, theo Tiến sĩ đề thi của ĐH FPT có chứa đựng tính giáo dục không?
Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang: Đề thi của ĐH FPT khách quan mà xét là có hại cho giáo dục, vì đã định hướng xấu cho học sinh. Ai đồng tình ủng hộ quan điểm của đề thi ĐH FPT là những người vốn đã buông thả lại còn có ý lôi kéo người khác buông thả theo. Đây là sự buông thả cả về đạo đức lẫn giá trị thẩm mỹ.

- Thế nhưng, có bạn trẻ lại ủng hộ đề thi của ĐH FPT và cho rằng “bác bỏ” đề thi là suy nghĩ của những người “cổ hủ”. Theo ông, phải nhìn nhận sự việc này từ góc độ nào?

Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang: Đó là góc độ thời đại. Câu hỏi đặt ra là: Người ra đề và người thực hiện đề thi phải đối diện với thời đại nào? 
Thời đại hiện nay là thời đại tôn trọng cá tính con người và tạo điều kiện để con người bộc lộ bản lĩnh, bản sắc. Khi con người được tự do thì trách nhiệm của con người trước cộng đồng này càng phải cao.
Tại điện thờ Thần mặt trời Delphes có ghi câu châm ngôn: “Hãy tự soi lại mình”. Đúng như vậy, trong thời điểm hiện tại, điều cần làm nhất là những nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải giúp các em tự soi lại bản thân mình, đó là tự phản tỉnh (Reflection).


- Rất nhiều ý kiến cho rằng: “Đề thi ngày nay đang giết chết sự sáng tạo của học sinh”. Tiến sĩ nghĩ sao về điều này?

Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang: Đề thi nhiều năm trước còn đi theo lối mòn. Như vậy, điều cần cải tiến là tư duy sáng tạo. Nhưng cần có miền giới hạn cho sự sáng tạo đề thi. Đây là điều khó nhất vì sáng tạo đến đâu là đủ?
Đề thi của ĐH FPT không phải là một đề thi mở, mang yếu tố sáng tạo mà là một đề thi làm rối giá trị truyền thống để tạo ra một hướng suy nghĩ lệch chuẩn, không khoa học, không thẩm mỹ.

- Theo Tiến sĩ, thế nào là một đề thi hay?

Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang: Để có một đề thi văn hiện đại cần đặt ra ba yêu cầu:

Thứ nhất: Hỏi được những kiến thức mà chương trình của Bộ Giáo dục đã quy định cho cấp học.

Thứ hai: Mở một lối đi trong hành lang suy tư phù hợp với trình độ của các em học sinh (có kiểm soát). Chọn nội dung để phát triển ý kiến riêng của mỗi thí sinh là một vấn đề công phu. Đưa ngòi bút của các em đến giới hạn nhất định là một nghệ thuật bậc cao.

Thứ ba: Tiếp nối được văn hóa đạo đức và văn hóa thẩm mỹ từ truyền thống đến hiện đại tốt đẹp của dân tộc đến hiện đại tốt đẹp của tương lai.

Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)