Bất cập trong đào tạo điều dưỡng viên

22/07/2012 06:45
Theo Dân Việt
Mỗi năm, Đà Nẵng có gần 2.000 sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ra trường, nhưng chỉ vài chục trong số đó xin được việc, còn lại chấp nhận học việc không lương ở các bệnh viện.
Cực khổ, chịu mắng và không lương 8 giờ sáng, tại bệnh viện (BV) A, một bệnh nhân 50 tuổi bị đau cột sống và chạy thận rên la ầm ĩ. Điều dưỡng viên (ĐDV) học việc Trần Thị Hồng dỗ dành đủ kiểu, ông vẫn không cho tiêm thuốc, còn cáu gắt, mắng mỏ Hồng. Đến 9 giờ, bác sĩ kiểm tra thấy bệnh nhân chưa được tiêm, lại mắng Hồng. “Công việc nhiều, bệnh nhân thì khó chiều, bác sĩ thiếu thông cảm, la mắng hoài. Ngày làm việc, tối trực khuya lại không lương, không phụ cấp, bọn em mệt mỏi, chán nản vô cùng” – Hồng tâm sự.
Một điều dưỡng học việc chăm sóc bệnh nhân.
Một điều dưỡng học việc chăm sóc bệnh nhân.
Trần Thị Hồng là một trong hàng trăm ĐDV đang học việc tại nhiều BV ở Đà Nẵng. Vì làm không lương, xin tiền nhà đi làm nên cô rất tằn tiện. 3 ĐDV thuê một phòng rộng 12m2, nóng như cái lò bánh mì. Hồng học việc cả năm rồi, nhưng không biết đến bao giờ mới được nhận làm chính thức. Không chịu nổi áp lực, nhiều bạn của Hồng đã bỏ việc đi làm công nhân may. ĐDV học việc Nguyễn Thị Phước (khoa Nhi, BV Đà Nẵng) cũng bắt đầu nhận ca trực từ 6 giờ sáng với vô vàn công việc từ thăm hỏi, đến thay băng, truyền dịch... Khoa Hồi sức Nhi thường có khoảng 200 bệnh nhân, kéo theo hơn 200 người nhà nên lúc nào cũng đông đúc, chật chội. “Học trung cấp điều dưỡng ra trường, em xin làm việc ở bệnh viện này. Bệnh viện cho bọn em ký hợp đồng học việc không lương 1 năm. Vậy thôi, không có thỏa thuận gì thêm. Học việc hết 1 năm nếu chưa nản lại được ký hợp đồng làm không lương tiếp. Lúc em vào có khoảng 30 ĐDV xin học việc, nhưng nản nghỉ hết, giờ chỉ còn 10 người trụ lại ” - Phước cho biết.
Đem con bỏ chợ
Trong quá trình điều trị một bệnh nhân, ĐDV gánh vác đến 70% công việc, từ khâu tiếp nhận bệnh nhân, đến theo dõi tình trạng sức khỏe, nhận y lệnh của bác sĩ, tiêm thuốc, hướng dẫn người bệnh chế độ dinh dưỡng, phục vụ người bệnh khi người thân không được tiếp xúc với người bệnh, và lo thủ tục cuối cùng để bệnh nhân ra viện. Nhưng đa phần ĐDV vẫn không có lương, thưởng, không tương lai.
Hiện cả nước mới có hơn 81.200 ĐDV, trung bình 1,5 ĐDV/bác sĩ, chưa bằng 1/2 so với “chuẩn” của Bộ Y tế (3-3,5 ĐDV/bác sĩ). Tuy nhiên, hiện đang thừa hàng chục nghìn ĐDV và dược sĩ trình độ trung cấp. Năm 2011, chỉ tiêu tuyển sinh các trường trung cấp điều dưỡng, dược là 85.000. Vì thế, năm 2012, Bộ GDĐT đã không cho mở hệ trung cấp ngành này.
Ông Trần Ngọc Thạnh - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết: “Đấy là do họ tự nguyện đến xin học việc để rèn luyện tay nghề chứ BV không bắt ép”. Còn ông Phạm Hùng Chiến - Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết: “Sở không quản lý vấn đề này”. Theo ông Chiến, Nghị định 43-2006/NĐ-CP đã quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì các cơ sở y tế có quyền tự nhận đào tạo thực tế cho những học viên có nhu cầu học việc. Chuyện học việc là sự thỏa thuận giữa ĐDV với BV, không lý do gì Sở phải can thiệp. “Bọn em thấy người ta tuyển sinh thì học, ai biết ra trường lại khó xin việc đến thế. Giá như Bộ GDĐT và Bộ Y tế “bắt tay nhau” để đào tạo thì đỡ khổ chúng em, lãng phí tiền của” – Phước ngậm ngùi.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Tải về ngay đáp án thi Đại học chính thức khối A, A1 2012

Điểm chuẩn HV Âm nhạc Huế cao nhất 41

Thủ khoa ĐH Quảng Nam đạt 26 điểm

Thủ khoa ĐH Dân lập Hải Phòng 2012 đạt 26 điểm

Rùng rợn clip thầy dùng hết sức "tra tấn" nhiều học sinh ở Thái Nguyên

Thủ khoa ĐH Chu Văn An đạt 23 điểm

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Theo Dân Việt