Kình Nguyên Khang: Quảng cáo thuốc, bán... thực phẩm chức năng

16/07/2011 10:01
Loại thuốc “thần dược” chữa được nhiều loại bệnh của Kình Nguyên Khang thực chất chỉ là thực phẩm chức năng.

Gần đây, trên địa bàn TP. Hà Nội, một số gia đinh đã nhận được rất nhiều tờ rơi quảng cáo về sản phẩm chữa nhiều loại bệnh mang tên Kình Nguyên Khang của cửa hàng Tứ Chính Đường (có địa chỉ tại 33 đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội). Tìm hiểu thực tế về loại sản phẩm này, chúng tôi thấy rằng, không biết công năng sử dụng thực sự của sản phẩm ra sao, nhưng tờ rơi quảng cáo và nhân viên của cửa hàng giới thiệu như một loại thuốc “thần dược” chữa được nhiều loại bệnh trong khi thực chất sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng.

Quảng cáo hoành tráng

Cơ sở cung cấp sản phẩm và tờ rơi quảng cáo Kình Nguyên Khang. Ảnh: Anh Tuấn
Cơ sở cung cấp sản phẩm và tờ rơi quảng cáo Kình Nguyên Khang. Ảnh: Anh Tuấn

Theo nội dung tờ rơi quảng cáo, 5 nhóm người cần biết đến đó là bệnh động mạch vành tim, thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt tim, nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch, yếu tim, uống từ 2-3 liệu trình; tim loạn nhịp, viêm cơ tim, tăng huyết áp, mỡ máu cao, tim hồi hộp bồn chồn, hụt hơi yếu sức, uống 1-2 liệu trình; tai biến mạch máu não, liệt nửa người, tay chân tê bì, mất trí nhớ, mất ngôn ngữ, chảy nước dãi, nói không rõ, vận động khó khăn, uống 3 liệu trình; phòng ngừa bệnh tim mạch cho những người do hút thuốc, uống rượu, thích thức ăn lạnh, thức ăn chiên dầu mỡ lâu ngày, uống 1 liệu trình; phòng hỗ trợ bệnh tiểu đường, người già lâu ngày cơ thể suy nhược, uống 1 liệu trình. Để tạo thêm ấn tượng, nhà phân phối sản phẩm còn khuếch trương bằng dòng chữ: “Quý vị trước khi sử dụng thuốc có phải rất hay băn khoăn về hiệu quả của thuốc tốt không? Để quý vị được yên tâm sử dụng viên nang Kình Nguyên Khang, cửa hàng tổ chức chương trình dùng thử miễn phí một phần thuốc trị giá 144.000 đồng cho người mắc bệnh sử dụng. Đồng thời cửa hàng đã trang bị thiết bị kiểm tra tim mạch điện tử kỹ thuật cao của Trung Quốc, quý khách hàng đến sẽ được tiến hành kiểm tra miễn phí 39 mục trên cơ thể”?!

Thực tế ra sao?

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã có mặt tại cửa hàng Tứ Chính Đường nơi bày bán sản phẩm Kình Nguyên Khang và một số sản phẩm khác được viết toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc. Trong vai người nhà bệnh nhân và mô tả về tình hình bệnh tật cho một nhân viên tại đây, người này chẩn đoán: “Người nhà anh bị tai biến mạch máu não lâu ngày, mồm méo, người lệch về một bên, như vậy sử dụng Kình Nguyên Khang sẽ tốt. Bởi Kình Nguyên Khang rất tốt cho cơ thể, chỉ cần uống đúng quy định là bệnh tình sẽ giảm dần, cứ uống hết một liệu trình người bệnh đến cửa hàng để được khám, theo dõi và hướng dẫn sử dụng sẽ cho hiệu quả cao”. Nhân viên này cho biết thêm, một liệu trình phải uống 3 hộp, 1 hộp có 90 viên, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 3 viên. Mặc dù giá sản phẩm hơi đắt (1,3 triệu đồng/ hộp, một liệu trình mất 3,9 triệu đồng) nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Đồng thời nhấn mạnh, bệnh tai biến mạch máu não không thể khỏi nhanh được, cái quan trọng người bệnh phải kiên trì, tích cực tập luyện cùng với thường xuyên uống Kình Nguyên Khang sẽ dần khôi phục lại trạng thái thông thường, nhanh nhẹn… Giới thiệu về sản phẩm rất hoành tráng, tuy nhiên các nhân viên cửa hàng chưa được đào tạo gì về lĩnh vực chuyên môn nhưng lại tư vấn cho khách cách sử dụng sản phẩm, công dụng chữa bệnh, thành thử rất dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng.

Tờ rơi quảng cáo Kình Nguyên Khang không đúng với nội dung đăng ký.
Tờ rơi quảng cáo Kình Nguyên Khang không đúng với nội dung đăng ký.

Tiếp tục đề cập tới việc dùng thử thuốc miễn phí, một nhân viên khác “bồi” tiếp: Cửa hàng luôn có thuốc phát miễn phí dùng thử cho khách nhưng phần thuốc đó chỉ là 1 vỉ 10 viên, nếu ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên sẽ không thể hiện được gì. Do vậy, để bệnh tình có tiến triển tốt, nhất thiết phải mua theo đúng liệu trình điều trị. Còn để được khám miễn phí 39 mục trên cơ thể thì phải hẹn trước vì hôm nay không có bác sĩ?!

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều sản phẩm bày bán tại cửa hàng được ghi bằng tiếng Trung Quốc không có bản phụ đề bằng tiếng Việt. Ngoài ra, biển hiệu cửa hàng cũng không có quảng cáo về khám chữa bệnh theo quy định, thế nhưng theo cách quảng cáo của những nhân viên ở đây khiến nhiều người lầm tưởng về hoạt động của cơ sở này.

Thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, chúng tôi được biết, theo tờ rơi quảng cáo thì sản phẩm này đã quảng cáo không đúng so với nội dung đăng ký và được cấp phép từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là việc sản phẩm đăng ký là thực phẩm chức năng nhưng lại quảng cáo là thuốc chữa bệnh, dẫn đến việc dễ gây hiểu lầm cho người bệnh.

Theo ANH TUẤN/Sức khỏe đời sống