10 sự kiện nổi bật nhất năm 2014

25/12/2014 15:39
Nguyễn Hường
(GDVN) - MH370 biến mất bí ẩn, khủng hoảng Ukraine, giá dầu tụt dốc không phanh, dịch Ebola hoành hành khắp Tây Phi, IS trỗi dậy là những sự kiện nổi bật nhất năm 2014.

Theo Business Insider, những sự kiện tiêu biểu này dự kiến sẽ còn tiếp tục thống trị các mặt báo trong năm 2015.

1. Sự biến mất bí ẩn của MH370

Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Australia và Mỹ đã tham gia tìm kiếm MH370, nhưng vẫn vô vọng.
Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Australia và Mỹ đã tham gia tìm kiếm MH370, nhưng vẫn vô vọng.

Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 8/3 có thể là một câu đố không có lời giải trong vài thế hệ nữa.

Chín tháng sau khi chiếc máy bay chở 239 người từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh biến mất, lực lượng tìm kiếm quốc tế đông đảo vẫn không thể tìm ra bất kỳ manh mối nào đáng tin cậy có thể đưa họ đến với câu trả lời của sự kiện bi thảm này.

Các cuộc tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương vẫn đang tiếp tục được tiến hành. Có thể mất nhiều năm hoặc không bao giờ có thể giải mã được bí ẩn này, nhưng sự kiện MH370 đã thúc đẩy kêu gọi cải tiến công nghệ giúp theo dõi vị trí của các máy bay trên toàn thế giới tốt hơn.

2. Soctland bỏ phiếu tách ra khỏi Vương quốc Anh

Người Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Anh.
Người Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Anh.

Khi Thủ tướng Anh David Cameron đồng ý cho Scotland tổ chức trưng cầu dân ý độc lập vào năm 2012, thâm tâm ông lại rất kỳ vọng rằng chiến dịch "Better Together" (tạm dịch là: Cùng nhau sẽ tốt hơn) sẽ giành chiến thắng. Nhưng ông đã tính toán nhầm vì sự cho phép của ông chỉ làm tăng ước muốn độc lập ở Scotland.

Mặc dù Scotland đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý độc lập ngày 18/9, nhưng đổi lại London đã hứa mở rộng quyền hạn cho Edinburgh. Tuy nhiên, trường hợp của Scotland đã thúc đẩy các phản ứng tương tự từ những vùng đất khác. Cử tri tại England, xứ Wales và Bắc Ireland đã yêu cầu được ưu đãi đặc biệt như Scotland.

Ngoài ra, còn có ít nhất một nơi khác ở châu Âu buồn vì Scotland không giành được độc lập là khu vực Catalonia của Tây Ban Nha. Catalonia đã hy vọng rằng cuộc bỏ phiếu ở Scotland thành công để họ có thể gây áp lực lên Madrid cho phép họ tiến hành một cuộc bỏ phiếu tương tự.

Catalonia đã bỏ phiếu trưng cầu độc lập hồi tháng trước và nhận được sự ủng hộ của đa số. Tuy nhiên, Madrid không công nhận đây là cuộc bỏ phiếu hợp pháp.

3. Các nền kinh tế khu vực châu Âu quay trở lại suy thoái

Tăng trưởng trong khu vực đồng euro nói chung chỉ đạt 0,2% trong khoảng giữa tháng 7 và tháng 9.
Tăng trưởng trong khu vực đồng euro nói chung chỉ đạt 0,2% trong khoảng giữa tháng 7 và tháng 9.

Các nền kinh tế châu Âu đang chầm chậm trượt vào đợt suy thoái thứ ba của họ trong năm năm qua. Tăng trưởng trong khu vực đồng euro nói chung chỉ đạt 0,2% trong khoảng giữa tháng 7 và tháng 9.

Ý đang rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, Đức và Pháp đang ở trên bờ vực. Một số thành viên khác có tín hiệu lạc quan hơn khi đạt được tăng trưởng trong quý III như Hy Lạp, nhưng giờ cũng đang đối mặt với những tín hiệu khó khăn.

Thậm chí nếu châu Âu có thể tránh được một cuộc suy thoái trong năm tới, thì tốc độ tăng trưởng vẫn sẽ rất chậm do tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ đưa ra một kế hoạch kích thích kinh tế mới trong thời gian tới. Nếu châu Âu không nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy có khả năng sẽ phát triển mạnh.

4. Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông

Người biểu tình Hồng Kông.
Người biểu tình Hồng Kông.

Việc Bắc Kinh tìm cách rút lời hứa "một đất nước, hai chế độ", siết chặt sự kiểm soát Hồng Kông đã thúc đẩy phong trào ủng hộ dân chủ bùng nổ tại thành phố này kể từ tháng 8.

Mặc dù phong trào "Chiếm trung ương" đòi Bắc Kinh phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông đã dập tắt, các thủ lãnh đã đầu hàng cảnh sát, nhưng sự bất mãn của một bộ phận người dân Hồng Kông vẫn còn tiếp tục tăng và dự báo sẽ tiếp tục sẽ gây ra các cơn sóng ngầm trong thành phố này năm 2015.

5. Narendra Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ

Thủ tướng Narendra Modi.
Thủ tướng Narendra Modi.

Narendra Modi, con trai một người bán chè nghèo, lãnh đạo đảng Bharatiya Janata (BJP) đã giành được chiến thắng mang tính lịch sử trong cuộc bầu cử hồi tháng 5. Ấn Độ có thể kỳ vọng vào những thành công tuyệt vời dưới chính quyền của Thủ tướng Modi.

Tuy nhiên, ông đang đối mặt với hai vấn đề trước mắt: quyền lực chính trị được phân cấp ở Ấn Độ, có nghĩa rằng đối thủ sẽ có nhiều cách làm hỏng kế hoạch của ông. Nền kinh tế toàn cầu nói chung đang chậm lại, có nghĩa là nền kinh tế Ấn Độ có thể kém hơn ngay cả khi ông đã làm tốt mọi thứ.

Ông Modi đang tập trung vào chế ngự lạm phát và cải thiện cơ sở hạ tầng đổ nát của Ấn Độ, những nỗ lực đòi hỏi phải mất nhiều năm. Ngoài ra, ông cũng đặt ra mục tiêu biến Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Về đối ngoại, ông cũng thúc đẩy đường lối cứng rắn với láng giềng có tranh chấp và đồng thời cố gắng nâng cao vị thế của Ấn Độ trên chính trường quốc tế.

6. Đàm phán hạt nhân Iran

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau khi lên nắm quyền đã được kỳ vọng là người có thể kết thúc cuộc đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani sau khi lên nắm quyền đã được kỳ vọng là người có thể kết thúc cuộc đàm phán với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này.

Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã giành được một số lạc quan trong tháng 11 sau khi nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận tạm thời đóng băng chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận toàn diện vẫn rất xa vời.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani có cởi mở hơn tiền nhiệm, nhưng ông được cho là cũng không thể thoát ra khỏi đường lối cứng rắn của Iran. Mỹ vẫn cho rằng Iran đang tìm kiếm khả năng vũ khí hạt nhân và tỏ ra thất vọng với đường lối cứng rắn của Tehran.

Mặc dù đã cố gắng đến phút cuối cùng, các nhà đàm phán vẫn không thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót ngày 24/11 và tiếp tục đẩy thời hạn đến ngày 1/7/2015.

7. Giá dầu tụt dốc không phanh

Giá dầu đã sụt giảm từ ngưỡng 110 USD/thùng hồi tháng 7 xuống còn dưới 60 USD/thùng trong tháng này.
Giá dầu đã sụt giảm từ ngưỡng 110 USD/thùng hồi tháng 7 xuống còn dưới 60 USD/thùng trong tháng này.

Giá dầu đã sụt giảm từ ngưỡng 110 USD/thùng hồi tháng 7 xuống còn dưới 60 USD/thùng trong tháng này. Một số chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ sớm tiếp tục hạ xuống mức 50 USD/thùng và duy trì mức này một thời gian.

Giá dầu giảm một phần do nguồn cung tăng do Mỹ tăng sản lượng, Libya bắt đầu trở lại thị trường cung cấp dầu mỏ sau nhiều năm xung đột và OPEC không đồng ý cắt giảm sản lượng. Mặt khác, nhu cầu sử dụng dầu mở thế giới lại sụt giảm.

Giá dầu giảm là tin mừng cho người tiêu dùng và các nước nhập khẩu, nhưng lại là tin xấu đối với các nước xuất khẩu chúng. Nếu như các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Na Uy và Ả Rập Saudi đã xây dựng được các quỹ dự trữ dồi dào đủ để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng giá dầu kéo dài, thì Iran, Nigeria và Venezuela sẽ phải đối mặt với một đống rắc rối khi mọi chi phí đều phụ thuộc từ nguồn thu từ dầu mỏ.

8. Dịch Ebola

Dịch bệnh bùng phát trong khu vực đông dân cư, nhưng phản ứng quốc tế quá chậm là nguyên do khiến Ebola lây lan mạnh.
Dịch bệnh bùng phát trong khu vực đông dân cư, nhưng phản ứng quốc tế quá chậm là nguyên do khiến Ebola lây lan mạnh.

Rất ít người chú ý đến virus Ebola khi Liberia, Guinea và Sierra Leone chính thức tuyên bố bùng phát dịch bệnh này hồi tháng 3. Có lẽ vì trong lịch sử 24 lần xảy ra dịch Ebola trước đó, số lượng nạn nhân tử vong hiếm khi vượt quá vài chục người và không bao giờ vượt quá 300 người.

Sự chủ quan này có thể là nguyên nhân dẫn đến hơn 6.000 người đã chết vì Ebola trong năm nay. Dịch bệnh bùng phát trong khu vực đông dân cư, nhưng các phản ứng quốc tế để ngăn chặn nó lại bị chỉ trích là quá chậm chạp.

Dịch Ebola vẫn chưa kết thúc. Cuộc chiến chống lại dịch bệnh này vẫn sẽ tiếp tục khó khăn và kéo dài trong năm tới. Các nhà nghiên cứu vẫn đang chạy đua với thời gian để sản xuất vắc-xin.

9. Sự trỗi dậy của IS

Khủng bố IS.
Khủng bố IS.

Khi người Mỹ rút khỏi Iraq trong tháng 12/2011, họ tin rằng đã có thể đóng lại cuốn sách đầy những trang tối về Iraq mà không bao giờ nghĩ tới việc sẽ quay trở lại đất nước này tham chiến một lần nữa cho tới khi nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy trong năm 2014.

Chỉ trong vòng vài ba tháng tháng, IS đã nắm quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, tuyên bố thành lập Caliphate Hồi giáo và áp đặt một loạt các chính sách tàn bạo trong những vùng đất chúng kiểm soát.
 
Sau khi IS hành quyết dã man 3 công dân người Mỹ trong tháng 9, tháng 10, Tổng thống Barack Obama đã khởi động một chiến dịch không kích quốc tế chống lại IS ở Iraq và Syria. Ông Obama cũng điều 3.000 lính Mỹ tới Iraq làm cố vấn quân sự.

Các cuộc không kích mới chỉ làm chậm bước tiến của IS. Hiện nhóm này vẫn kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, Syria và hơn nữa chúng vẫn tiếp tục thu hút sự ủng hộ của các nhóm thánh chiến khác.

10. Nga sáp nhập Crimea và khủng hoảng Ukraine

Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã làm tăng nỗi ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã làm tăng nỗi ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay được kích hoạt bởi sự sụp đổ của chính phủ Ukraine thân Nga của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.

Ukraine đang đứng giữa ranh giới Đông và Tây. Phần phía Đông Nam của Ukraine muốn tiếp tục mối quan hệ gần gũi truyền thống với Nga đã tiến hành bỏ phiếu ly khai. Trong khi đó, phần còn lại của Ukraine muốn thân phương Tây.

Quốc hội Ukraine mới đây đã thông qua nghị quyết cho phép xóa bỏ tình trạng trung lập của đất nước, mở đường tiến tới sự gia nhập EU và NATO.

Để bảo vệ biên giới của mình với châu Âu của mình, Nga đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine. Kiev và các đồng minh phương Tây cáo buộc Moscow đứng sau hoạt động ly khai ở Ukraine và thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga.

Đến nay, hơn bốn ngàn người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng này kết thúc sớm, hậu quả của nó được dự báo là sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây và có thể vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới./.

Nguyễn Hường