10 vấn đề đáng chú ý nhất về quân đội TQ trong năm 2012

31/12/2012 10:35
Đông Bình
(GDVN) - "Thành lập trái phép cái gọi là "thành phố Tam Sa", đầu tư mạnh lực lượng tác chiến ở Biển Đông, Hoa Đông, biến động nhân sự quân sự cao cấp, thử tên lửa công khai dăn đe Mỹ.... là 10 vẫn đề đáng chú ý nhất về quân đội TQ trong năm 2012 "

1. Chi tiêu quốc phòng Trung Quốc

Tại cuộc họp báo của Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa 11, người phát ngôn hội nghị Lý Triệu Tinh cho biết, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2012 là 670,274 tỷ nhân dân tệ, tăng 67,604 tỷ nhân dân tệ so với năm 2011, tăng 11,2%. Dư luận quốc tế đã có nhiều quan điểm đối với việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự và tăng cường quân sự quân sự.

Ông Lý Triệu Tinh công bố chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2012
Ông Lý Triệu Tinh công bố chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2012

Hãng Reuters Anh bình luận, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng 11,2% gây ra sự bất an cho các nước châu Á. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc được phổ biến cho là ít so với chi tiêu thực tế trong xây dựng hiện đại hóa quân sự của nước này, Trung Quốc phát triển sức mạnh quân sự với tốc độ nhanh chóng đã làm cho các nước láng giềng châu Á cảm thấy sốt ruột, lo ngại, đồng thời nhiều lần gây nghi ngờ cho Mỹ về ý đồ ra sức phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc thì thường viện cớ đáp lại bằng cách nói rằng, chi tiêu quân sự của Mỹ vẫn lớn hơn rất nhiều so với họ.

Tranh chấp lãnh thổ

Theo Bloomberg News, chi tiêu quốc phòng hiện nay của Trung Quốc là đứng thứ hai, sau Mỹ. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ gấp khoảng 6 lần Trung Quốc. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chiếm 1,3% GDP của nước này năm 2011, thấp hơn so với 1,6% năm 2006. Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) dự đoán, chi tiêu thực tế cao hơn nhiều so với con số được công bố chính thức.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc, ông Geoff Raby cho rằng, Trung Quốc đối mặt với rất nhiều vấn đề biên giới, nên họ muốn có vũ khí trang bị tương ứng. “Xung quanh Trung Quốc không có đồng minh tự nhiên”.

Khu vực bang Arunachal của Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng
Khu vực bang Arunachal của Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng

Theo Geoff Raby, chi tiêu quân sự liên tục tăng lên của Trung Quốc không thể tránh khỏi là đã làm thay đổi sự “cân nhắc chiến lược” của châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí toàn thế giới.

Năm 2011, Trung Quốc cho tàu sân bay đầu tiên chạy thử trên biển, Mỹ quan ngại việc Trung Quốc phải chăng triển khai tên lửa đe dọa tàu sân bay của họ.

Lợi kích kinh tế.

Đến năm 2011, có 812.000 người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài, lợi ích kinh tế của Trung Quốc trên toàn cầu liên tục tăng lên, điều này cũng đã báo hiệu Quân đội Trung Quốc có khả năng triển khai ở nước ngoài.

Năm 2011, Trung Quốc điều tàu hộ vệ đến vùng biển Libya tham gia rút người Hoa ở nước ngoài, Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vùng biển Somalia, Trung Quốc cũng điều quân đến Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Tháng 11/12/2012, Tập đoàn thông tin Jane’s (Jane’s Information Group) dự đoán, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ gấp đôi vào năm 2015, mức độ tăng trưởng thực tế bình quân hàng năm từ năm 2011-2015 là 18,7%.

Tàu hộ vệ Từ Châu 530 Hải quân Trung Quốc đến Libya rút người Hoa về nước.
Tàu hộ vệ Từ Châu 530 Hải quân Trung Quốc đến Libya rút người Hoa về nước.

Theo tờ Bưu điện Washington, chi tiêu quân sự Trung Quốc năm 2012 sẽ vượt 100 tỷ USD, chi tiêu quân sự năm 2015 sẽ vượt tổng chi tiêu quân sự của các nước láng giềng châu Á.

Ngân sách quốc phòng do Chính phủ Trung Quốc công bố lần đầu tiên đã vượt 100 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2011, gây ra rất nhiều suy đoán về ý đồ lâu dài của Trung Quốc.

Khoản ngân sách này được đưa ra đúng vào thời điểm tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ngày càng gay gắt, đồng thời cũng là lúc chính quyền Obama tuyên bố mối quan tâm chiến lược đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các chuyên gia quốc phòng phân tích cho rằng, tính cả chi tiêu cho lĩnh vực không gian vũ trụ thì chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số công bố chính thức.

Ngân sách quốc phòng duy trì tăng trưởng hai con số trong nhiều năm giúp cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể vươn ra các khu vực của châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí tới những khu vực xa hơn, như vùng biển Somalia.

Biên đội tàu chiến Trung Quốc đến vịnh Aden hộ tống tàu thuyền thương mại
Biên đội tàu chiến Trung Quốc đến vịnh Aden hộ tống tàu thuyền thương mại

Có phân tích cho rằng, đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt tổng chi tiêu quốc phòng của 12 nước láng giềng châu Á.

Theo hãng tin AP, trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng quốc phòng mạnh mẽ, nhờ đó sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã chuyển hóa thành một lực lượng khu vực mạnh, ngày càng có thể lan tỏa tới các khu vực cách xa lãnh thổ Trung Quốc.

Các động thái củng cố đồng minh truyền thống ở khu vực châu Á, triển khai quân đội ở Australia của Washington cũng đã tăng cường mối lo ngại cho Bắc Kinh về việc họ “bị bao vây”.

2. Chương trình không gian của Trung Quốc

Ngày 16/6, tàu vũ trụ Thần Châu 9 đã mang theo 3 nhà du hành vũ trụ bay vào không gian, trong thời gian 13 ngày trên không gian vũ trụ, tàu Thần Châu 9 và trạm không gian Thiên Cung 1 đã tiến hành kết nối với nhau hai lần. Ngày 29/6, tàu Thần Châu 9 quay trở về Trái Đất.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 3 của Trung Quốc
Tên lửa đẩy Trường Chinh 3 của Trung Quốc

Rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đã theo dõi chặt chẽ sự kiện này. Hãng BBC Anh cho rằng, việc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 9 của Trung Quốc đã có đánh dấu Trung Quốc có nhiều đột phá mới lần đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ của họ, như lần đầu tiên mang theo con người thực hiện nhiệm vụ kết nối với trạm không gian, lần đầu tiên kết nối thủ công, nhà du hành vũ trụ lần đầu tiên bước vào trạm Thiên Cung 1, lần đầu tiên có nữ phi hành gia, lần đầu tiên đưa con người bay vào không gian hơn 10 ngày.

Tờ “El País” Tây Ban Nha ngày 9/6 cho rằng, Trung Quốc đang thúc đẩy chương trình hàng không vũ trụ đầy tham vọng. Còn trang mạng “Cable News Network” dẫn lời phó giáo sư Taylor Fravell của Học viện Công nghệ Massachusetts cho rằng: “Điều này cho thấy Trung Quốc luôn tập trung để phát triển thành nước lớn hàng không vũ trụ hàng đầu có khả năng vũ trụ độc lập”.

Tiến sĩ Kulacki, chủ nhiệm Ban chương trình Trung Quốc của Hội những nhà khoa học Mỹ UCS (The Union of Concerned Scientists) phân tích, nhiệm vụ của tàu Thần Châu 9 là “bước đi trung gian” của kế hoạch khám phá vũ trụ được Trung Quốc phác thảo cho xây dựng trạm không gian cuối cùng. Ông dự đoán, Trung Quốc cần 10 năm nữa mới có thể xây dựng hoàn thành trạm không gian này.

Tàu vũ trụ Thần Châu 9 mang theo con người lắp ghép tự động với trạm không gian Thiên Cung 1
Tàu vũ trụ Thần Châu 9 mang theo con người lắp ghép tự động với trạm không gian Thiên Cung 1

Tờ “Bình quả nhật báo” Hồng Kông cho rằng, mặc dù Trung Quốc tiếp tục tiến bộ trong chương trình hàng không vũ trụ, nhưng vẫn lạc hậu 10-15 năm so với Mỹ, Nga trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ quan trọng. Hiện nay, Mỹ và Nga là hai nước đứng đầu về công nghệ vũ trụ mang theo con người, còn châu Âu (ESA), Nhật Bản và Trung Quốc xếp hạng hai.

Có chuyên gia cho rằng, khoảng cách công nghệ vũ trụ của Trung Quốc với các cường quốc chủ yếu ở 3 phương diện: Một là khả năng đẩy của tên lửa yếu. Hai là hạ tầng cơ sở vũ trụ kém. Ba là hệ thống khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ lạc hậu. Đặc biệt, tên lửa đẩy chính của Trung Quốc hiện nay là tên lửa Trường Chinh 3, khả năng đẩy chưa được 10 tấn, có khác biệt rất lớn so với các cường quốc với tên lửa có khả năng đẩy trên 100 tấn.

3. Trung Quốc biên chế tàu sân bay, thử máy bay hải quân

Tháng 9/2012, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đã bàn về ý nghĩa của việc biên chế tàu sân bay này đối với “cục diện chiến lược thế giới”, cho đây là một mối đe dọa, nhất là trong dư luận Nhật Bản.

Tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chính thức bàn giao cho hải quân nước này ngày 25/9/2012
Tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chính thức bàn giao cho hải quân nước này ngày 25/9/2012

Theo tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản, mục đích lớn nhất trong xây dựng cụm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc là giúp Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên không và trên biển trong “chuỗi đảo thứ hai” từ quần đảo Ogasawara ở Tây Thái Bình Dương nối liền với Guam, rồi kéo xuống Papua New Guinea. Khi Đài Loan xảy ra tình huống bất trắc, có thể ngăn chặn có hiệu quả sự tiếp cận của cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ.

Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản thì cho rằng, xung quanh tranh chấp đảo Senkaku và các hòn đảo lân cận, tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng thể hiện thái độ cứng rắn đối với Nhật Bản, vì vậy tàu sân bay Varyag ít nhiều có thể dùng để gây sức ép với Nhật Bản.

Nguyệt san “Nghiên cứu quân sự” Nhật Bản đăng bài viết “Tàu sân bay đi vào hoạt động: Tín hiệu tranh bá trên biển của Trung Quốc” cho rằng: Trong 3 tàu sân bay đã mua của Liên Xô, Trung Quốc lựa chọn tàu sân bay Varyag làm tàu sân bay đầu tiên, “đang che đậy kế hoạch lớn và lâu dài của Trung Quốc trong xây dựng lực lượng cơ động tàu sân bay”, “trên phạm vi thế giới, cấp bậc của tàu Varyag chỉ sau tàu sân bay Mỹ”.

Ngày 25/11/2012, thông tin máy bay hải quân J-15 cất/hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh đã gây chú ý cho dư luận, được cho đây là tiêu chí hình thành “sức chiến đấu thực sự” cho tàu sân bay Trung Quốc. Tờ “Daily Mail” Anh cho rằng, đây là một bước nhảy để Trung Quốc phát triển thành cường quốc biển mạnh nhất châu Á. Theo tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore, máy bay J-15 hoàn thành cất/hạ cánh trên tàu Liêu Ninh là bước đi quan trọng hình thành sức chiến đấu cho tàu sân bay này.

Trung Quốc cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Trung Quốc cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất/hạ cánh thử trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Hãng Reuters bình luận, Trung Quốc cũng mượn cơ hội này để phô diễn sức mạnh quân sự trước các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tờ “Thời báo Tài chính” Anh đánh giá, trong thời điểm tình hình căng thẳng địa-chính trị châu Á leo thang, máy bay chiến đấu hải quân Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh xuống tàu sân bay sẽ có lợi cho Trung Quốc cải thiện sức mạnh quân sự.

Tờ “Thương báo” Hồng Kông dẫn lời chuyên gia quân sự cho rằng, khi máy bay J-15 hoàn thành thành công cất/hạ cánh thử trên tàu Liêu Ninh thì cần phải tuyên bố nó đã là “tàu sân bay thực sự”, nếu không nó chỉ có thể gọi là cái “xác” di động trên biển. Đài RFI Pháp cho rằng, điều này đánh dấu tàu sân bay Liêu Ninh đang từng bước hình thành sức chiến đấu.

4. Công nghiệp quân sự Trung Quốc

Tháng 11/2012, Nga công bố báo cáo về tình hình công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã gây chú ý cho truyền thông. Báo cáo cho rằng, trong 10 năm qua, nền công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã có “bước nhảy về chất”.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (Aviation Industry Corporation of China), Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc (China North Industries Corp.) và Tập đoàn công nghiệp Phương Nam Trung Quốc (China South Industries Group Corporation, CSGC) đều đứng vào top 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới.

Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc đã phủ sóng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc đã phủ sóng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo cho biết: “Trên thực tế, đây là một trở ngại to lớn cuối cùng của Trung Quốc trên con đường trở thành nước xuất khẩu vũ khí chủ yếu và nước lớn về quân sự cấp thế giới”.

Tháng 12/2012, tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore bình luận, cùng với việc sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc tăng lên, khoa học kỹ thuật công nghiệp quân sự của Trung Quốc những năm gần đây cũng tiến bộ nhanh chóng, giành được một loại tiến triển quan trọng.

Trong đó có: tàu sân bay đầu tiên đi vào hoạt động; hệ thống dẫn đường, định vị Bắc Đẩu nội địa năm 2012 phủ sóng khu vực châu Á-Thái Bình Dương; việc nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu J-20 tiến triển thuận lợi, hai máy bay mẫu đã tiến hành bay thử nhiều lần; lực lượng Pháo binh 2 trang bị một loạt tên lửa kiểu mới; tàu khu trục và tàu hộ vệ kiểu mới đi vào giai đoạn sản xuất hàng loạt…

Trong khi đó, tờ “Bình luận quân sự độc lập” Nga cho rằng, về vũ khí trang bị thông thường, “Trung Quốc đứng đầu thế giới về mặt sản xuất tất cả các sản phẩm chính”, hơn nữa trên một số phương diện vũ khí, chẳng hạn xe tăng, quy mô sản xuất hiện nay của Trung Quốc đã vượt tổng số các nước khác trên thế giới.

Trung Quốc phát triển tàu khu trục 052D
Trung Quốc phát triển tàu khu trục 052D

5. Truyền thông “tỏ tường” về máy bay thế hệ thứ tư, thế hệ thứ năm và thế hệ thứ sáu

Từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 của Công ty Máy bay Thẩm Dương đến máy bay “bánh tét” J-31, tình hình nghiên cứu phát triển của những máy bay chiến đấu này mặc dù chưa được Quân đội Trung Quốc công bố, nhưng truyền thông đều đã “biết trước”.

Tạp chí “Chính sách Ngoại giao” Mỹ (hai tháng một lần) cho rằng, điều đáng chú ý là, khác với máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên J-20 của Trung Quốc, hiện nay không nhìn thấy nhiều hình ảnh về máy bay J-31 đậu trên mặt đất hoặc di chuyển tốc độ cao trước khi bay thử. Có người suy đoán, J-31 có thể đóng vai trò như một máy bay tấn công hạng nhẹ hoặc máy bay hải quân, bổ sung cho J-20 cỡ lớn.

Chiến đấu cơ J-20
Chiến đấu cơ J-20

Có người suy đoán, J-20 hoặc là máy bay cản đường tốc độ cao giống như MiG-25 của Nga, hoặc là máy bay ném bom chiến thuật tàng hình dùng để tiêu diệt các căn cứ và tàu thuyền của kẻ thù. Nhưng, bề ngoài của máy bay chiến đấu tàng hình hoàn toàn không có nghĩa là máy bay Trung Quốc thực sự là máy bay tàng hình.

Máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại có lớp ngoài hấp thu radar kiểu mới, đồng thời còn có công nghệ có thể che giấu tín hiệu nhiệt và bảo đảm cho thiết bị điện tử không bị phát hiện. Máy bay chiến đấu tàng hình mới của Trung Quốc thực chất có khả năng gì thì còn phải quan sát.

Tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, hình ảnh máy bay J-31 cho thấy nó cất/hạ cánh thông thường, tương đồng với J-20 và máy bay chiến đấu F-35A của hãng Lockheed Martin. Nhưng, những hình ảnh máy bay do máy tính chế ra thì cho thấy, máy bay này còn có thể có phiên bản cất/hạ cánh trên tàu sân bay. Ngoài ra, J-31 có thể dùng để xuất khẩu, cạnh tranh với F-35.

Tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông cho rằng, thiết kế máy bay chiến đấu mới cho thấy, Quân đội Trung Quốc có thể sử dụng loại máy bay chiến đấu này để trang bị và hộ tống cho tàu sân bay như tàu Liêu Ninh.

Tuy nhiên, nhìn vào mong muốn tiếp tục nhập động cơ máy bay và tiêm kích Su-35 của Trung Quốc từ Nga ở giai đoạn hiện tại, có thể nhận thấy rằng những dự án "tàng hình trên trời" của TQ có lẽ mang tính chất ý tưởng, phô trương hơn là khả năng thực tế.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-31
Máy bay chiến đấu tàng hình J-31

6. Trung Quốc muốn “xưng bá trên biển”

Báo cáo Đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc đưa ra chủ trương xây dựng cường quốc biển đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Tờ “Folha de Sao Paulo” Brazil cho rằng, mặc dù số lượng tàu chiến của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ, nhưng “khả năng tác chiến mạnh” của Hải quân Trung Quốc đã làm cho khoảng cách về con số thu nhỏ rất nhiều.

Theo bài báo, về mặt chế tạo tàu ngầm, Trung Quốc đã có những bước nhảy về cả số và chất lượng. Trung Quốc không chỉ sở hữu tàu ngầm động cơ diesel, những năm gần đây họ cũng có tiến bộ to lớn về khả năng chế tạo tàu ngầm hạt nhân.

Tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc sẽ vẫn theo con đường mở rộng quyền lợi biển, trong tương lai có thể dựa vào sức mạnh quân sự để thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku và đặc biệt là lãnh thổ ở biển Đông.

Tàu khảo sát khoa học tiên tiến nhất của Trung Quốc
Tàu khảo sát khoa học tiên tiến nhất của Trung Quốc

7. Trung Quốc thành lập trái phép “Khu cảnh bị Tam Sa”

Báo chí Trung Quốc cho biết, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn chính thức thành lập cái gọi là “Khu cảnh bị Tam Sa” (xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam), “phòng thủ toàn diện đối với biển Đông”, gây sự lo ngại cho dư luận nhiều nước.

Tờ “The Christian Science Monitor” Mỹ cho rằng, Trung Quốc triển khai rất nhiều lực lượng quân sự ở biển Đông, động thái này thực chất là tiếp tục “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là phán đoán không thể sai”.

Tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản đánh giá, “Khu cảnh bị” vốn không thể tăng  ngay sức mạnh tác chiến cho khu vực này, cũng chưa  hoàn toàn đại diện cho việc Trung Quốc “quân sự hóa tranh chấp biển Đông”.

“Nó sẽ không chỉ huy bất cứ đơn vị tác chiến nào, cũng sẽ không làm cho số quân của Trung Quốc trên biển Đông tăng lên mang tính thực chất. Thiết lập ra nó là để tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, tầm quan trọng của nó là ở ý nghĩa chính trị và mục tiêu lâu dài”.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Tân Hoa tuyên truyền cho rằng, do Quân đội Trung Quốc đã hiện diện quân sự (trái phép) trên những hòn đảo ở biển Đông do họ chiếm được, việc thiết lập “Khu cảnh bị” hoàn toàn không thể hỗ trợ cho quan điểm, rằng vai trò của Quân đội Trung Quốc trong chính sách ngoại giao hoặc chính sách biển Đông đang tăng cường. Trái lại, việc thiết lập “Khu cảnh bị” là một sự “nâng cấp hành chính của các lực lượng hiện có”.

8. Biến động nhân sự cấp cao của Quân đội Trung Quốc

Năm 2012, Quân đội Trung Quốc đã tiến hành điều chỉnh các vị trí nhân sự cấp cao, gây sự chú ý cho dư luận. Theo BBC, trong các tướng lĩnh mới nhậm chức, không thiếu những người “đã trải qua những thử thách nhiệm vụ nguy hiểm, có tố chất chính trị và quân sự chắc, có kinh nghiệm tác chiến”.

Tờ “Thời báo Tài chính” Anh đánh giá, việc bổ nhiệm mới dự báo cấp cao Quân đội Trung Quốc sẽ có sự biến động nhân sự quy mô lớn nhất trong vài chục năm qua.

Tờ “Nhật báo phố Wall” Mỹ phân tích, sự điều chỉnh lần này có thể nâng cao vị thế của Không quân và Hải quân Trung Quốc.

Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Tư lệnh Không quân Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Tư lệnh Không quân Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tờ “Thời báo New York” Mỹ cho rằng, mặc dù kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại, chi tiêu quân sự có thể vẫn sẽ không bị ảnh hưởng. Tầng lớp lãnh đạo mới có thể sẽ thúc đẩy phát triển lực lượng hải quân và không quân, từ đó có thể đối phó với Mỹ, đồng thời sẽ còn thúc đẩy phát triển sức mạnh tác chiến mạng, Trung Quốc coi đây là phương thức mới có hiệu quả để triển khai lực lượng.

Trong các tướng mới lên chức, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên làm Tư lệnh Không quân. Tầm quan trọng của Không quân đến nay ngày càng nổi bật. Ngoài ra, Antony Cordesman, nhà phân tích quân sự cấp cao của Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng, Không quân Trung Quốc đang “nỗ lực phát triển sức mạnh đủ để chống lại Mỹ, xây dựng khả năng tàng hình, tấn công chính xác và tấn công tầm xa”.

9. Trung Quốc thúc đẩy phát triển máy bay không người lái

Trung Quốc trưng bày các loại máy bay không người lái tại triển lãm đã gây chú ý rất lớn cho dư luận. Tháng 4/2012, tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện đã thử nghiệm máy bay không người lái ở Thái Bình Dương.

Tờ Sankei Shimbun Nhật Bản cho rằng, ngày 30/4/2012, 2 tàu hộ vệ và 1 tàu trinh sát điện tử của Hải quân Trung Quốc từ eo biển Osumi của đảo Kagoshima tiến ra Thái Bình Dương, cuối cùng đến vùng biển cách quần đảo Northern Mariana vài trăm km, đã tiến hành huấn luyện cất/hạ cánh máy bay trực thăn không người lái.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc

Theo tờ “Hoa Nam buổi sáng” Hồng Kông, Nhật Bản cho rằng, có rất nhiều tàu chiến Trung Quốc bị phát hiện ở gần Okinawa, trong đó một số tàu đã tiến hành diễn tập, chúng mang theo cả tên lửa và máy bay không người lái dùng để do thám.

Tờ “Tuần san Quốc phòng” Mỹ cho rằng, trong thời gian Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2012, rất nhiều thông tin cho thấy, máy bay không người lái Trung Quốc đã từng bước xuất hiện trước thiên hạ. Từ năm 1996 Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra chương trình máy bay không người lái đến nay, công tác nghiên cứu phát triển có tiến triển thuận lợi.

Tháng 4/2012, trang mạng “Armed Forces Communications and Electronics Association” (AFCEA) cho rằng, trong phát triển máy bay không người lái, Trung Quốc hiện nay và trong tương lai đã sao chép rất nhiều công nghệ máy bay không người lái của Mỹ, nhưng họ đang lạc hậu 20 năm so với các nước phương Tây.

10. Lực lượng Pháo binh 2 phóng tên lửa

Trong tháng 8-9/2012, lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc đã liên tiếp phóng nhiều loại tên lửa đạn đạo đã gây chú ý rất lớn. Trang mạng “Washington Free Beacon” Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã tiến hành phóng thử lần thứ tư đối với phiên bản cơ động đường bộ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41. Cuối cùng, loại tên lửa này có thể lắp 3-10 đầu đạn, được triển khai ở bất cứ nơi nào.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, tầm phóng 14.000 km
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, tầm phóng 14.000 km

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, trung tá Damien Pickart cho biết: “Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, trong đó có tiến triển về phát triển lực lượng tên lửa mang tính tấn công”.

Còn tờ “Thời báo Kinh tế” Ấn Độ thì cho rằng, Trung Quốc tuyên bố đã phóng thử tên lửa đạo đạo xuyên lục địa thế hệ mới DF-41, tầm phóng lên tới 14.000 km, có thể lắp nhiều đầu đạt hạt nhân.

Tờ “Thời báo New York” Mỹ dẫn lời quan chức quân đội và tình báo Mỹ cho rằng, tên lửa DF-41 Trung Quốc có hệ thống phóng cơ động, khiến cho nó càng khó bị phát hiện và tiêu diệt trước khi phóng.

Trang mạng “Press Trust of India” bình luận, Trung Quốc phóng tên lửa DF-41 tầm với 14.000 km, giúp họ có được “khả năng tấn công hạt nhân lần thứ nhất” tấn công nước Mỹ và các mục tiêu khác trên thế giới. Chương trình tên lửa của Trung Quốc phát triển rất nhanh, đã gây ra sự lo ngại cho các nước như Ấn Độ và Mỹ.

Ngoài ra, trang mạng “Dong-a Ilbo” Hàn Quốc cho rằng, Quân đội Trung Quốc phá lệ công khai sức chiến đấu tên lửa thường được giấu giếm của họ là nhằm phát đi lời cảnh báo đối với các nước như Mỹ, Nhật Bản.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, tầm phóng trên 10.000 km, Trung Quốc tự chế.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, tầm phóng trên 10.000 km, Trung Quốc tự chế.
Đông Bình