1000 người làm con đường 700m: "Xã không nắm rõ về kinh phí"

02/08/2013 07:49
Viết Cường
(GDVN) - Theo Phó chủ tịch xã Phùng Xá, con đường trên do kinh phí của huyện và Thành đoàn, xã chỉ là nơi hưởng thụ công trình nên không nắm rõ về số lượng vật liệu, tổng dự án hết bao nhiêu…

Liên quan đến việc 1000 thanh niên thi công con đường ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội hết tiền tỷ đang có nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua. Sáng ngày 1/8, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại địa phương này để tìm hiểu các thông tin liên quan đến vụ việc.

Xã không nắm rõ về kinh phí

Theo ông Nguyễn Tường Kha, Phó Chủ tịch phụ trách đất đai, xây dựng của xã Phùng Xá cho hay, con đường do 1000 thanh niên thi công được hoàn thành trong 3 ngày, huyện Thạch Thất và Thành đoàn là chủ đầu tư, còn xã chỉ phối hợp cùng làm.

“Do đó nên tổng công trình hết bao nhiêu tiền xã không có hồ sơ vì chúng tôi không phải là chủ đầu tư, xã chỉ là nơi hưởng thụ công trình này” – ông Kha nói.

Trụ sở UBND xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội
Trụ sở UBND xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội

Đánh giá về tính thiết thực của con đường, ông Nguyễn Duy Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá cho rằng, hiệu quả của con đường trên đối với xã là rất lớn. Ông Đức nói: “Con đường này huyện làm phần nền, cống rãnh, thành đoàn làm phần đường. Từ ngày có con đường người dân rất vui vì con đường không chỉ phục vụ cho việc đi lại mà còn giúp ích nhiều cho việc tưới tiêu, dồn điền đổi thửa của xã”.

Trước câu hỏi của PV về việc nhiều người cho rằng, huy động 1000 thanh niên chỉ để làm một con đường ngắn có phần lãng phí và không hiệu quả. Ông Đức không đánh giá về việc này. Tuy nhiên theo ông Đức, có những cái phải tính đến vấn đề phong trào bởi đây là công việc có ý nghĩa lớn về mặt Chính trị.

Người dân bức xúc

Ngay khi thấy sự có mặt của phóng viên, nhiều người dân sống cạnh con đường trên đã ùa ra ngoài và thể hiện thái độ bức xúc chỉ vì… có con đường mới. “Đây anh xem, làm đường xong hố ga không có nắp, 4, 5 người đã ngã xuống cái hố này rồi. Cách đây mấy hôm, có cháu bé ngã xuống đây, may mà phát hiện sớm nên không việc gì” – anh S, một người dân chỉ tay xuống hố ga không nắp nói.

Người đàn ông chỉ xuống chiếc hố, anh đã từng bị ngã khi đi qua đây vào ban đêm
Người đàn ông chỉ xuống chiếc hố, anh đã từng bị ngã khi đi qua đây vào ban đêm

Theo quan sát của PV, khu đường này hiện tại vẫn chưa có điện. Trong khi đó, một bên đường là hệ thống hố ga nhưng không hề được đậy nắp, rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua đây, đặc biệt vào buổi tối.

Nhà chị H sống cạnh con đường có hai cháu nhỏ, chị H cho biết, từ ngày làm con đường này buổi tối chị đều phải khóa cổng, không cho các cháu ra ngoài chơi vì sợ cháu ngã xuống hố.

Thêm nữa, theo người dân nơi đây phản ánh. Khi bàn bạc với nhân dân, xã có nói sẽ cho hai lớp sắt bên trong nắp cống nhưng khi thi công thì không hề thấy sắt ở đâu mà chỉ có bê tông.

Hố ga không nắp "chềnh ềnh" ngay đoạn cua vào con đường. Trong khi đó buổi tối con đường này chưa có điện, rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua đây
Hố ga không nắp "chềnh ềnh" ngay đoạn cua vào con đường. Trong khi đó buổi tối con đường này chưa có điện, rất nguy hiểm cho người dân khi đi qua đây

Về việc này, ông Nguyễn Tường Kha, Phó Chủ tịch xã giải thích, xã sẽ tiếp tục làm tiếp phần  nắp cho hố ga nhưng do mấy ngày hôm nay trời mưa nên tạm thời dừng lại. PV có hỏi ông Kha, hôm nay trời nắng đẹp, tại sao vẫn không thấy thi công tiếp thì ông Kha ấp úng rồi trả lời “có chứ, chúng tôi sẽ vấn tiếp tục thi công”. 

Còn việc người dân phản ánh nắp cống không có thép như dự kiến ban đầu, ông Kha cho hay, đầu tiên lúc họp bàn với dân xã cũng định cho hai lớp sắt vào nhưng thấy phần cống cũ còn dầy dặn, tránh lãng phí cho dân nên xã quyết định không cho sắt vào mà chỉ đổ dày thêm. “Đây là công trình xã hội hóa, đường do huyện và Thành đoàn đầu tư, phần cống do nhân dân tự đóng góp, mỗi nhân khẩu là 13.000 đồng” – ông Kha cho biết.

Trước đó, dư luận có bàn nhiều về dự trù kinh phí 1,5 tỷ đồng để làm một con đường 700m ở xã Phùng Xá, ông Lê Trọng Hà - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Thương mại D&S Việt Nam - đơn vị từng đấu thầu thi công nhiều con đường ở nông thôn phân tích: "Nếu đoạn đường dài 350m, rộng 5m đã được đóng cốt, thì mất khoảng 150 lao động trong 3 ngày với 10 máy trộn bê tông. Kinh phí mua vật tư xây dựng không qua đấu thầu 250 triệu đồng. Nếu làm đúng như dự kiến là 700m, tiền sẽ khoảng hơn 500 triệu đồng, còn 1,5 tỷ đồng là con số quá kinh khủng".

Bài 2: Bảo vệ UBND huyện Thạch Thất ngăn cản phóng viên tác nghiệp.

Viết Cường