Bạn đọc viết:

1800 chữ gay gắt đáp trả đạo diễn 'muốn xô đổ nhạc Trịnh'

08/10/2012 10:47
Nguyễn Văn Hoàng, hoangvanyphong@yahoo.com
(GDVN) - "Trình độ, khả năng của Khanh không thể “đạp đổ”, “xô ngã” hay “hạ bệ” nổi tượng đài nào đâu", bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng chỉ ra hàng loạt mâu thuẫn trong lời phát biểu của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh về nhạc Trịnh.
LTS: Sau khi đăng tải "một góc nhìn khác" của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh về nhạc Trịnh ("Đừng dại đi tôn thờ nhạc Trịnh"), Giaoduc.net.vn đã nhận được vô số ý kiến của độc giả. Đặc biệt, bạn Nguyễn Văn Hoàng đã gửi email về tòa soạn nêu ra những mâu thuẫn lớn trong lời phát biểu của đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh. Những phân tích của độc giả Nguyễn Văn Hoàng cũng cho chúng ta một góc nhìn thú vị và nhân văn của một người yêu nhạc Trịnh tự nhiên như hơi thở.

Nhớ lại thời thơ ấu nghèo khổ đói kém, mỗi khi bóng tối đổ ập xuống, mấy bố con chụm đầu vào cái radio cũ kỹ mở thật khẽ chăm chú lắng nghe, cái quạt nan phe phẩy thi thoảng đập phành phạch. Đấy là liều thuốc kỳ diệu giúp bố tôi đứng vững chống chọi nuôi gia đình một mình qua bão giông.
 
Những Đêm đông, Giọt mưa thu, Cô láng giềng, Cô hàng cà phê, Thiên thai, những Làng tôi, Nhớ về Hà Nội, Nỗi lòng người đi, Chiều một mình qua phố, Buồn, Hạ trắng, Biển nhớ, Diễm xưa… Những Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Văn Cao, Phạm Đình Chương, Y Vân, Từ Công Phụng, Phạm Mạnh Cương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Ngô Thụy Miên, Ngọc Chánh, Hoài An, Châu Kỳ, Anh Bằng, Minh Phụng, Vinh Sử, Nguyễn Ánh 9, Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ… và Trịnh Công Sơn - một trong số nhạc sĩ tôi sớm yêu thích từ bé - đã đóng góp hình thành nên Tôi của ngày hôm nay - Tôi luôn biết nhìn lại mình.
 
Vì vậy, sẽ thật có lỗi với mọi người, với cuộc đời nếu không gửi lại đôi lời với đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên, ca sĩ, nhạc sỹ Đoàn Quang Anh Khanh.
 
Ngắm hình Khanh trên báo mạng, tôi thấy giống một người mà tôi nhớ mãi không ra - người không quen nhưng biết. Người đó hình như làm nghề ít liên quan đầu óc.
 
Trịnh Công Sơn chỉ là một trong rất nhiều nhạc sĩ tôi ưa thích, do đó trao gửi đây không có nghĩa là tôi bênh ông Sơn. Tôi bênh vực dòng nhạc một thời đã giúp cho tâm hồn người Việt Nam hiền lành, sáng trong.
 
Dòng nhạc một thời bị phân biệt, kỳ thị, bị gọi là văn hóa phẩm độc hại, phản động. Để rồi mấy mươi năm sau mới được trở lại lưu hành. Một thực tế phũ phàng, hễ ca sĩ trong nước nào muốn “nổi” mà không nhai lại những tuyệt phẩm này thì chỉ lập lờ rồi… chìm. Đàm Vĩnh Hưng đã thành công xuất sắc khi men theo khía cạnh này, Cẩm Ly, Lệ Quyên dần nối gót.
 
Tôi không bàn về giá trị nhạc Trịnh bởi có quá nhiều người nói rồi, nói thêm cũng thừa mà thôi. Ở đây, tôi chỉ bàn về những lời phát biểu mới mẻ, khác biệt từ Khanh.
 
Đọc bài "Nghe nhạc Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe", ngoài những rời rạc tẻ nhạt thiếu lôi cuốn logic, chỉ thấy hừng hực không khí mỉa mai ganh ghét nhằm vào người nhạc sĩ tài hoa. Cạnh đó, Khanh miệt thị, sỉ nhục những người yêu nhạc Trịnh: “Âm nhạc của Trịnh đã sinh ra bộ phận trí thức rởm”, “ba đám mồm mép, ba hoa, ba phải mị mãi”, “Trịnh là một thiên tài âm nhạc hay là do fan trí thức rởm, với sự học nông cạn không bao giờ nhìn ra thế giới, hoặc có nhìn ra vẫn không thấy gì”, “Tối ngày ngồi dưới đáy giếng mà ca tụng ầm ĩ, nghe muốn bệnh cả tai”, “Trịnh Công Sơn đã nhanh chóng hạ knockout những người nghe có thần kinh yếu, bất tài vô tướng, nếu không chống chọi được với đời thì về nhà tự ngồi và gặm nhấm nỗi buồn một mình”, “Trịnh Công Sơn - thiên tài âm nhạc của biết bao nhiêu con người yếu đuối với tư tưởng hẹp hòi ích kỷ, không biết yêu cuộc sống, nên luôn cổ súy cho những lời ca do ông viết ra”, “Cái tư tưởng hẹp hòi đã êm đềm gặm nhấm, làm rụng rơi nhuệ khí sống của biết bao nhiêu thế hệ”, “Cả một đám quần thần, sống mà cứ lấp lơ lấp lửng, mù mờ về thế giới xung quanh vậy mà vẫn sống được, hay thiệt”!?

Thế mà khi trả lời phỏng vấn, Khanh vẫn già mồm gọi những người “ném đá” phản đối mình là “vô văn hóa”, “hồ đồ”, “nhảy bổ vào mặt”!?
 
Trả lời phỏng vấn, Khanh nói: “Tôi chỉ muốn nói lên một góc nhìn khác của tôi về nhạc Trịnh và tôi muốn sự sùng bái tác phẩm phải đi đúng hướng”. Khanh “chỉ muốn nói lên góc nhìn khác” của riêng mình, cái “góc nhìn khác” ấy đúng hay sai cũng chỉ ở góc độ cá nhân, sao Khanh lại nói “tôi muốn sự sùng bái tác phẩm phải đi đúng hướng”? Khanh là ai mà bắt mọi người theo cái hướng “mới” của Khanh chỉ ra?

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
 
Khi viện dẫn câu ngạn ngữ của người Mỹ “không một ý kiến nào là ngu xuẩn cả”, hình như Khanh quên rằng mình đang là người Việt, ở tại nước Việt. Người Mỹ rất lịch sự, người Mỹ không chửi bậy.
 
Khanh đưa ra quan điểm: "Nhạc Trịnh ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe”. Người nghe ở đây không còn là Khanh mà là người khác, có thể nhiều hoặc ít. Như vậy Khanh đã vượt quá cảm nhận từ cái “góc nhìn khác”. Như thế là tự mình mắng mình, tiền hậu bất nhất. Nếu Khanh muốn thể hiện quan điểm cá nhân thì phải nói là "Nhạc Trịnh ảnh hưởng xấu đến thần kinh của tôi hoặc người nghe là tôi" mới đúng. Tôi không nghĩ một đạo diễn kiêm nhạc sĩ lại có hạn chế về ngôn từ. Điều này thể hiện rất trầm trọng trong câu tiếp theo: “Đôi khi sẽ làm cho một số người bị lạc lối đời sống, mù mờ về vũ trụ nhân sanh”. Chính Khanh thừa nhận không nói lên quan điểm của riêng mình!
 
Khanh lại tự mâu thuẫn: “Tôi thấy có ảnh hưởng thì tôi cảnh báo, người nào không bị ảnh hưởng thì thôi, nghĩa là thần kinh người đó tốt, vững, tri thức người đó có nền tảng”. Như vậy cả triệu người vẫn yêu nhạc Trịnh, vẫn sống tốt không bị ảnh hưởng là “thần kinh tốt”, “vững”, “tri thức có nền tảng”, Khanh thấy có ảnh hưởng thì tri thức của Khanh không có nền tảng rồi còn gì. Không có nền tảng còn làm đạo diễn, nhạc sĩ lận đận mãi không nổi danh. Giờ thì mượn cớ vẽ vời quan điểm. Tự do bày tỏ chứ đừng “tự do chửi mình”!
 
Khanh nói: “Nên tôn trọng sự khác biệt và cũng nên tôn trọng những góc nhìn không đồng thuận, có như vậy xã hội mới văn minh”!  Tôn trọng và làm theo là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Tôn trọng biểu hiện của nhân quyền và văn minh, nhưng làm theo những cái khác biệt xuẩn dại chắc chắn sẽ đẩy xã hội ngược về thời tiền sử.
 
Trong lĩnh vực gạo cội của mình, tôi nghĩ một người bình thường khi hoàn thành tác phẩm bao giờ cũng nóng lòng giới thiệu ra công chúng. Một tác phẩm hoàn hảo về mọi góc độ đứng vững, tồn tại không phụ thuộc thời gian. “Tình Cha” được Khanh hoàn thành khá lâu mà không dám phát hành thì tôi nghĩ chẳng có gì đáng bận tâm nhiều. Như vậy đủ để thấy Khanh là đạo diễn thế nào và lời nói có giá trị ra làm sao?
 
Khi phê phán: “Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả”, nếu là một nhạc sĩ, Khanh có nghĩ sẽ giới thiệu một tuyệt tác của mình đến với người nghe, dạy cách cảm nhận để họ mở mắt ra không? Tôi nghĩ khán giả rất đón chờ.

Câu nói “Nếu để một đất nước đi tới, hòa nhập với thế giới thì âm nhạc không nên sùng bái hay có xu hướng đóng khung trong nhận thức về thưởng thức nghệ thuật cũng như thưởng thức âm nhạc cho giới trẻ sau này” cho thấy “nhạc sĩ” Khanh không hề hiểu gì về âm nhạc và cảm thụ. Khoan hãy bàn đến cái “tư, tứ, tự” đầy sách vở, yếu tố không thể thiếu làm nên một tác phẩm âm nhạc phổ cập lan truyền, sống mãi với thời gian trong lòng người nghe phải là giai điệu, lời ca, trong đó giai điệu đóng vai trò tối quan trọng. Ví dụ có những bài hát tiếng Anh nổi tiếng của ban nhạc Boney M hay Modern Talking không phải người Việt nào cũng hiểu nhưng họ vẫn thích. Điều đó cho thấy “sùng bái”, “đóng khung” và cảm thụ chẳng liên quan gì.

Tôi thực sự thất vọng khi Khanh hỏi: “Âm nhạc Việt Nam đứng ở cửa nào, góc nào trên bản đồ âm nhạc thế giới”? Mỗi dân tộc đều có nền văn hóa đặc trưng. Âm nhạc nằm trong cái gọi là nền văn hóa ấy nhưng lại ở vị trí hết sức độc đáo riêng biệt do phụ thuộc vào khả năng cảm thụ. Giới thiệu âm nhạc ra thế giới chỉ mang tính chất giao lưu chứ không đặt nặng tính phổ cập hay quảng bá rộng rãi. Cho nên có hay không trên bản đồ thế giới không nói lên thành công, thất bại của nền âm nhạc.
 
Câu hỏi này muốn chuẩn, nhất lại là từ một nhà làm phim "có tâm" như Khanh phải là: “điện ảnh Việt Nam đứng ở cửa nào, góc nào trên bản đồ điện ảnh thế giới”. Nhớ lại câu nhắn nhủ của Khanh: “Hãy nhìn lại nhà mình đi và nhìn lại tướng mạo của mình luôn”.
 
Nhân tiện Khanh có nhắc về tướng số, tôi xin diễn qua một chút. Nhìn tướng, tôi thấy Khanh thực sự hời hợt, không có chiều sâu… Mãi mà không nhớ nổi cái người tôi biết, cái người giống Khanh như tạc, làm công việc ít liên quan tới tư duy.
 
Ở đời, con người tỉnh táo phải luôn biết mình nên bon chen với ai. Những đối tượng không bằng thì không nên chấp, những đối tượng vượt trên tài năng của mình thì chớ nên mù quáng ghen tuông. Mình chỉ nên so găng tỷ thí với những đối tượng ngang tầm mà thôi. Biết thì sống là ở chỗ đó.
 
Trình độ, khả năng của Khanh không thể “đạp đổ”, “xô ngã” hay “hạ bệ” nổi tượng đài nào đâu. Khanh đang cố làm công việc vấy bẩn và khiến nhiều người nhọc tâm để dọn.
Nguyễn Văn Hoàng, hoangvanyphong@yahoo.com