220 chuyên gia nhóm họp bàn về hợp tác an ninh và phát triển trên Biển Đông

09/11/2018 07:36
Tấn Tài
(GDVN) - Các đại biểu sẽ cùng thảo luận, đánh giá toàn diện về tình hình Biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua.

Ngày 8/11, tại Đà Nẵng, Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng bàn về hợp tác an ninh, phát triển trên Biển Đông. Ảnh: TT
Các chuyên gia trong và ngoài nước cùng bàn về hợp tác an ninh, phát triển trên Biển Đông. Ảnh: TT

Tham dự hội thảo có 220 đại biểu, bao gồm 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng 110 phóng viên đến từ 60 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Phó Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, sau 10 năm tổ chức, đã có được khung chương trình nghị sự ổn định.

Qua đó, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc cứ ép ASEAN kiểu này, sẽ khó có COC

Xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả.

Ông Tùng cũng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng bày tỏ hy vọng các đại biểu sẽ trao đổi thẳng thắn về thực trạng tình hình Biển Đông.

Qua đó, đề xuất các sáng kiến hướng đến kiểm soát tốt hình hình, từng bước xây dựng một Biển Đông hoà bình, hữu nghị và hợp tác bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống của 300 triệu người dân ven biển, đóng góp vào hoà bình, ổn định của khu vực.

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee - Toà án Luật biển quốc tế ITLOS cho rằng, đây là diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông;

Theo vị thẩm phán này thì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát;

Tướng Mattis thăm Việt Nam, thông điệp Biển Đông và cuộc tập trận của Trung Quốc

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Tại hội thảo lần này, 32 tham luận sẽ đánh giá toàn diện về tình hình Biển Đông và động thái của các nước trong 10 năm qua.

Các chủ đề lớn trong chương trình nghị sự bao gồm: xu hướng phát triển và cục diện khu vực trong thập kỷ qua, vị trí của Biển Đông trong khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương;

Nội hàm chính sách của các nước lớn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các tác động đối với khu vực, các biện pháp hoà bình quản lý và giải quyết tranh chấp.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 diễn ra trong hai ngày 8 và 9/11.

Tấn Tài