"5 lý do khiến sáng kiến của bộ trưởng Thăng và Bộ GTVT khó khả thi"

02/04/2012 06:48
Độc giả Việt Hải (Hải Phòng)
(GDVN) - Giảm ùn tắc giao thông hiện nay rõ ràng là một bài toán khó nhưng cách giải bằng “thu phí, thu thuế” là cách làm thiếu thuyết phục , không được người dân “tâm phục khẩu phục”.
LTS: Liên quan đến đề án thu phí giao thông của Bộ Giao thông vận tải mới được trình lên Thủ tướng, và những ý kiến đa chiều xung quanh diễn biến của sự việc này, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của các độc giả trên cả nước gửi về chia sẻ, tranh luận và góp ý xung quanh đề án thu phí giao thông.

Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi đến bạn đọc bài viết của độc giả Việt Hải (Hải Phòng).

Bản thân Bộ GTVT hoặc cá nhân Ông Đinh La Thăng, "tác giả" của các dự kiến thu phí lưu thông xe, sẽ khó khả thi vì những lý do sau:

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


1/Người dân đóng lệ phí rồi thì phải đi thôi như thế không giảm ùn tắc được mà người ta sẽ phải tính cách bù lại số tiền đã phải đóng hàng năm: Giáo viên tăng giá giờ dạy thêm, ca sĩ tăng giá các bài hát, người bán rau, bán thịt ở chợ tăng giá rau, giá thịt...các đơn vị kinh doanh phải tăng giá bù vào phí phải nộp, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải, chở khách có đủ lý do để tăng giá vận chuyển, giá vé...Như thế là “lợi bất cập hại”, đi ngược lại chủ trương “bình ổn giá của Chính phủ”.

2/ Với lực lượng cảnh sát giao thông như  hiện nay còn có lúc bó tay vì lượng xe quá lớn đi trên đường vào giờ cao điểm, bây giờ lại thêm đi phạt, ghi hóa đơn các xe lưu hành mà chưa đóng phí thì lo sao nổi, đương nhiên “ùn lại thêm ùn, tắc lại thêm tắc”. Đấy là chưa kể việc “làm luật” trên đường sẽ là một quốc nạn.

3/ Các phí do Bộ GTVT đưa ra chưa nói đến tính hợp pháp mà chỉ nói mục đích của nó đã không ổn. Bộ GTVT đang mắc vào sai lầm là giải bài toán “giả thiết một đằng, kết luận một nẻo” như các Táo quân đã bàn đến từ dạo Tết Nguyên đán (Không biết ông Đinh La Thăng có thời gian xem không?): Xe đã đóng phí thì phải đi, nếu có bán cho người khác thì chủ mới cũng mua để đi, vậy lượng xe ra đường vẫn như cũ, giảm làm sao được.

4/ Đối tượng thu phí mà Bộ GTVT đưa ra không hợp lý: Để đạt mục đích giảm ùn tắc, tăng quỹ bảo trì đường thì tất cả các loại xe đều phải có trách nhiệm: xe công, xe tư, xe Du lịch, xe vận tải, xe khách, xe công tơ nơ...đều phải chịu một khoản tiền đóng góp. Thực ra chỉ có Hà nội và Thành phố HCM ách tắc, sao lại thu phí mức cao  thêm 3 thành phố khác nữa?

5/ Số tiền mà Bộ GTVT dự tính thu  được hàng năm phải trừ đi số tiền thuế mà ngành ô tô Việt nam phải giải thể, các doanh nghiệp ô tô phải giải thể và số tiền  rò rỉ từ việc quản lý kém của cả một hệ thống (bài học về PU18 vẫn còn đó!)  

Chúng ta nên kết hợp nhiều biện pháp chứ đừng lấy “thu phí” là biện pháp duy nhất,như đã nói ở trên,  đây là biện pháp cực chẳng đã. Cũng có thể Bộ GTVT đưa ra mức đóng phí “trên trời” để dân góp ý rồi áp dụng ở mức một nửa (thế là thành công rồi!) thì cách làm đó cũng là cách làm kém nhất. Tôi xin đề nghị mấy biện pháp sau:

1/ Tăng phố đi bộ: Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho làm thêm các khu để  xe  có quy hoạch hợp lý, sau đó quy định các phố đi bộ, đi xe đạp. Rõ ràng phố cổ là phải đi bộ và thực chất toàn thành phố đã và đang là một cái Chợ lớn. Đó là đặc điểm của Thủ đô ta, của Thành phố ta. Việc xây dựng hệ  thống cơ sở hạ tầng đáp ứng được tất cả các loại xe chạy trong thành phố Hà Nội hay Thành phố HCM  là một điều không tưởng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


2/ Phân luồng xe ra vào: Các thành phố đều có cửa ô vậy các xe vào thành phố phải chấp nhận vào một cửa và ra một cửa, chấp nhận đi xa hơn nhưng thông thoáng hơn. Giờ cao điểm cấm các xe máy mang biển số tỉnh ngoài đi trên đường, chủ xe sẽ  phải tính toán  khi vào ra thành phố  để khỏi vi phạm giờ bị cấm

3/ Giảm xe máy: Tăng dần xe bus với chất lượng phục vụ thật tốt. Muốn thế phải hỗ trợ giá. Khi thấy đủ điều kiện thì cấm xe máy vào nội đô. Nếu biết tính toán nhà nước có thể mua xe máy của dân để chủ trương  được thực hiện càng  sớm càng tốt.

4/Quy  hoạch lại mạng lưới giao thông thành phố: Tại sao Bộ GTVT  không đề nghị các nhà toán học ứng dụng (Viện Toán học Việt Nam) vào cuộc. Lý thuyết đồ thị cho phép giải được bài toán về đường đi,có thể tìm được cách phân luồng tối ưu, quy đinh đường một chiều hợp lý, đi dài hơn nhưng  thông thoáng...

5/Thu phí qua xăng:  Muốn giảm số lượng xe trên đường thì áp dụng cách gì để mọi người muốn đi đâu phải tính toán kinh phí bỏ ra và theo thông lệ: đi nhiều thì tốn nhiều hơn. Vì vậy tăng giá xăng dầu   chạy xe là hợp lý nhất. Tôi chắc Bộ GTVT cũng nghĩ tới biện pháp này nhưng các anh kém ở chỗ lúng túng không biết làm thế nào khi mà xăng, dầu không phải chỉ có ô tô, xe máy dùng.

Xin nhớ rằng  muốn thu được tiền điện phải mắc Công tơ điện vào từng nhà, muốn thu  tiền nước phải có đồng hồ đo nước cho mỗi nhà...Vì vậy muốn thu được phí xăng dầu thì phải có dụng cụ đo mức chạy xăng, dầu hoặc có cách bù giá cho những người dùng xăng, dầu cào mục đích khác (không nhiều lắm).  

Biện pháp này theo tôi nhà nước vẫn thu dược tiền bằng với  mức dự kiến vì sẽ giảm được bộ phận trung gian, tránh thất thoát.

Tôi rất muốn nội dung bài báo này (và nhiều bài báo của các tác giả khác) được đến tay các đồng chí  lãnh đạo Bộ GTVT, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các đại biểu Quốc hội để họ tham khảo trước khi quyết định một việc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mỗi người dân.

(Bài viết thể hiện quan điểm của các nhân tác giả)

Độc giả Việt Hải (Hải Phòng)