5 sự kiện nổi bật nhất tuần qua

18/05/2015 08:03
Diệu Linh (Tổng hợp)
(GDVN) - Nhiều hoạt động kỷ niệm 125 ngày sinh Bác Hồ; Việt Nam phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá; Tổng Bí thư giao 10 nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng...

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay 17/5, Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành và báo cáo với nhân dân, Đảng bộ thành phố việc hoàn thành xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường trước trụ sở Hội đồng nhân dân, UBND TP.HCM. Lễ khánh thành vô cùng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải... đã đến tham dự buổi lễ.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.HCM. ảnh: dantri
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP.HCM. ảnh: dantri

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu cao phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm thiêng liêng của Người dành cho nhân dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình thương yêu - nơi Người đã cất bước ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở lại Sài Gòn, thăm lại miền Nam.

Trong hoạt động kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác còn nhiều hoạt động có ý nghĩa khác, như: Lễ hội Làng Sen (Nghệ An); Cuộc thi viết về học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Tổng Bí thư giao 10 nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có văn bản số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5 thông báo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo; đồng thời nêu rõ 10 yêu cầu của Tổng Bí thư như sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan khác cho phù hợp tình hình hiện nay.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tạo sức mạnh, áp lực xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng.

Ba là, triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 4 bộ và 10 tỉnh, thành; Kế hoạch của Ban Nội chính Trung ương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014.

Minh bạch trong kê khai tài sản là một biện pháp cần thiết để chống tham nhũng.
Minh bạch trong kê khai tài sản là một biện pháp cần thiết để chống tham nhũng.

Bốn là, chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, tạo sức mạnh đủ sức răn đe tham nhũng.

Sáu là, các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao cần chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi phụ trách để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng; tập trung vào vai trò trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

Bảy là, chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”; Đề án “Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo”.

Tám là, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan chức năng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Chín là, để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, yêu cầu các cơ quan chức năng cần chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của pháp luật.

Mười là, kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tai nạn đường sắt, lái tàu gẫy chân bị kẹt cứng trong cabin 

Vụ tai nạn xảy ra vào chiều 17/5 tại địa phận xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Tàu SE 22 do lái tàu Đặng Quang Hiển (30 tuổi) điều khiển đi hướng Nam - Bắc đâm vào một chiếc xe tải băng ngang đường ray.

Va chạm quá mạnh khiến đầu tàu biến dạng; lái tàu gãy hai chân, kẹt cứng trong buồng lái. Lực lượng cứu hộ phải dùng máy cưa, hàn cắt sắt suốt nhiều giờ mới đưa được nạn nhân ra ngoài.

Vụ tai nạn khiến tài xế lái tàu gãy 2 chân và kẹt cứng trong cabin. ảnh: vne
Vụ tai nạn khiến tài xế lái tàu gãy 2 chân và kẹt cứng trong cabin. ảnh: vne

Khu vực xảy ra tai nạn là đường ngang dân sinh có còi báo hiệu, nhưng vẫn xảy ra tai nạn. Chiếc xe tải bật ra chừng 10 m, tài xế sau đó nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Chỉ trước đó một ngày (16/5) cũng xảy ra một vụ tai nạn giữa tàu hoả và ôtô. Tại địa phận Phú Xá (Thái Nguyên), đầu máy xe lửa va chạm với ô tô và trượt khỏi đường ray, khiến tài xế bị thương và mắc kẹt trong cabin.

Trước đó, một vụ tai nạn khác xảy ra tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) khi một chiếc xe ben chạy đến đoạn giao nhau với đường sắt đã húc vào hông tàu SPT2 chạy tuyến Sài Gòn - Phan Thiết.

Trung Quốc ngang nhiên cấm đánh bắt cá, Việt Nam kịch liệt phản đối 

Chính quyền nhân dân thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, hôm nay thông báo "Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của Thành phố Hải Khẩu năm 2015".

Theo đó, Trung Quốc cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h ngày 16/5/2015 đến 12h ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm cả vịnh Bắc Bộ).

Trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng các tàu chấp pháp để giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm.

Từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm đều tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, nơi nước này tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực.

Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. ảnh: TTXVN.
Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. ảnh: TTXVN.

Trước hành vi sai trái này của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao - ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, phù hợp với các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Dừng xem xét điều chỉnh địa giới do bộ tiêu chuẩn lạc hậu

Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu này và nhận được sự đồng thuận của các thành viên Ủy ban Thường vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ việc trình, xem xét các đề án còn có những hạn chế như chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn mới; dẫn tới vẫn tăng biên chế… những tiêu chí đang áp dụng ra từ năm 1981, bây giờ đã quá lạc hậu, vì vậy phải tạm dừng việc trình xem xét thành lập, chia tách, sát nhập, nâng cấp để chờ thông qua bộ tiêu chí mới, đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Trước khi đi đến thống nhất này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Hậu Giang, Bình Phước.

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về Bộ luật dân sự (sửa đổi). ảnh: Cổng ĐTQH.
Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về Bộ luật dân sự (sửa đổi). ảnh: Cổng ĐTQH.

Cũng tại phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều dự án luật quan trọng như: Luật trưng cầu ý dân; Luật khí tượng thủy văn; Bộ luật dân sự (sửa đổi)...

Thảo luận về Luật trưng cầu ý dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Bác Hồ đã nói là dân phúc quyết, tức là do dân quyết định. Đã trưng cầu ý dân là do dân quyết định, chứ Quốc hội không quyết định được. Còn việc gì Quốc hội thấy cần thiết lấy ý kiến, sau đó lấy làm căn cứ để Quốc hội quyết định thì đó là lấy ý kiến nhân dân".

Diệu Linh (Tổng hợp)